Nhiều BQL chung cư đang "lạm quyền", xử phạt trái quy định

Ban quản lý (BQL) nhiều toà chung cư đang có những hành động vượt thẩm quyền, xử phạt các lỗi vi phạm của cư dân trái với quy định của Nhà nước. Về việc này, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, hành vi này nếu không cẩn trọng sẽ trở thành vấn đề hình sự là tội cưỡng đoạt tài sản.
Nhà đầu tư trước sức hút ưu đãi bậc nhất cả nước của Ninh ThuậnYêu cầu BQL toà nhà Imperia Garden chấm dứt xử phạt người đi ngược đường"Cuộc chiến" chung cư: Đừng vội tin những lời đường mật

Như chúng ta đã biết, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các lỗi đi ngược chiều, dừng đỗ xe... không đúng quy định thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước và các lực lượng chức năng. Nhưng gần đây, BQL nhiều tòa chung cư đang tự cho mình cái quyền được xử phạt các lỗi vi phạm như trên trái với quy định của Nhà nước.

BQL tự ý xử phạt trái quy định

Mới đây (1/6), trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc BQL tòa nhà Imperia Garden (số 203 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) lập biên bản, thu tiền người vi phạm gây bức xúc trong dư luận.

nhieu bql chung cu dang lam quyen xu phat trai quy dinh
Phiếu thu của BQL tòa nhà Imperia Garden xử phạt người đi ngược chiều trong đường nội bộ của khu chung cư.

Theo biên bản sự việc, khoảng 9h25 ngày 1/6/2019, bảo vệ tòa nhà Imperia Garden tiến hành chặn xe đi ngược chiều từ sảnh AB ra cổng 143 Nguyễn Tuân. Xe máy mang BKS: 22S1-92xx bị chặn lại do đi ngược chiều. Sau đó, bảo vệ tiến hành lập biên bản gửi BQL xử lý vi phạm theo nội quy của tòa nhà. Từ biên bản trên, BQL khu chung cư Imperia Garden xuất phiếu thu, xử phạt 100.000 đồng đối với người điều khiển xe máy là ông D.N.V.

Sự việc nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng mạng. Nhiều người thắc mắc lý do tại sao bảo vệ được chặn xe và sau đó thu 100.000 đồng tiền phạt khi đi xe ngược chiều trong khu chung cư, không hiểu BQL tòa nhà đã căn cứ vào điều luật nào để áp dụng hình thức nộp phạt một cách vô lý như vậy...?

Trước đó, hồi cuối tháng 2/2018, cũng tại khu chung cư Imperia Garden, chủ đầu tư là Công ty CP HBI và đơn vị quản lý tòa nhà tiến hành cắt nước sinh hoạt do cư dân chưa đóng phí quản lý khiến dư luận bức xúc. Nhiều cư dân tại khu chung cư Imperia Garden đã xuống đường căng băng rôn, thậm chí mang xô, chậu xuống sảnh chính để gội đầu ngay trong những ngày đầu năm mới để thể hiện sự bất bình.

nhieu bql chung cu dang lam quyen xu phat trai quy dinh
Phiếu thu tiền trái phép của người dân với hình thức "xử phạt" đỗ xe sai vị trí quy định của BQL tòa nhà Bắc Hà Tower.

Hay như sự việc xảy ra vào ngày 5/9/2018, BQL tòa nhà Bắc Hà Tower đã tự ý xử phạt, thu tiền 500.000 đồng, được thủ quỹ Công ty CP quản lý tòa nhà Friendly và đóng dấu đã thu tiền của bà Đỗ Thị Hoa vì đỗ xe ôtô sai vị trí quy định.

Được biết, người thân hoặc khách đến thăm người nhà sinh sống ở chung cư Bắc Hà Tower không có chỗ đỗ xe, nhưng bảo vệ của tòa nhà cũng không hướng dẫn chỗ đỗ xe đúng quy định trong khu vực khuôn viên của tòa nhà. Do vậy, một số chủ xe đã đỗ tạm ở lề đường. Đến khi người thân, khách ra về thì bị lực lượng bảo vệ cùng với BQL tòa nhà xử phạt, thu tiền 500.000 đồng/lượt.

Không cẩn trọng sẽ trở thành vấn đề hình sự

Trao đổi với PV Kinh tế Môi trường về vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm cho rằng: "Việc phạt một người dân về một hành vi nào đó thì bản chất là phạt vi phạm hành chính, chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được luật cho phép thì mới được xử phạt hành chính, còn mọi tổ chức cá nhân khác là không được phép".

"Ngày trước, tại các HTX nông nghiệp, trước tình trạng người dân thả trâu ăn lúa. HTX đã tự đề ra một quy định nghiêm cấm thả trâu ăn lúa, nếu ai vi phạm thì sẽ bị phạt tù. HTX đã nhân danh quốc hội, nhân danh nhà nước để đề ra luật. Như vậy là trường hợp của HTX hay như BQL của các tòa chung cư nêu trên đang chủ quan, duy ý chí và thiếu hiểu biết. Hành vi này nếu không cẩn trọng sẽ trở thành vấn đề hình sự là tội cưỡng đoạt tài sản của người khác" - Luật sư Tú nói.

Chia sẻ thêm về tình trạng tranh chấp tại các chung cư chủ yếu liên quan đến việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị; không thống nhất đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư. Luật sư Trương Anh Tú nhận định: "Trong các khu dân cư hiện nay, người ta khó lòng bầu ra một ban quản trị có đủ khả năng hiểu biết cũng như thời gian để quản lý khu chung cư. Có những khu dân cư có 5.000 hay thậm chí là 1 vạn dân sinh sống, mà các vấn đề đời sống lại sát sườn đến như vậy thì người làm trưởng ban quản trị khu dân cư, đòi hỏi trình độ phải lớn hơn một người chủ tịch phường, chủ tịch xã vì mọi thứ sát sườn hơn, mới hơn và không có va rem xử lý như của nhà nước quản lý. Cho nên thiếu hụt kiến thức và kỹ năng thì khó có thể làm được ban quản trị".

Đồng quan điểm với Luật sư Tú, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện nay, ban quản trị tòa nhà do người dân lập nên trong số này rất ít ai có chuyên môn về quản lý xây dựng. Ngay cả khi các ban quản trị này thuê một đơn vị thứ ba để quản lý và vận hành tòa nhà thì cũng chưa thống nhất đầy đủ các điều khoản với các đơn vị đó.

Ông Nguyễn Văn Đính chỉ ra thực tế, hiện nay, các quy định quản lý chung cư gặp rất nhiều vấn đề, thậm chí còn lỏng lẻo ở một số khâu. Ông Đính phân tích: "Để bắt đầu một dự án, chủ đầu tư phải hoàn thiện thủ tục theo quy định để đưa vào xây dựng và hoàn thành dự án, sau đó tiến tới vận hành và khai thác. Ở bước này khung pháp lý của chúng ta đã tương đối hoàn thiện. Nhưng khi đưa vào vận hành tòa nhà thì rất nhiều các vấn đề phát sinh và dẫn đến tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư".

Xuân Đoàn
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường