Nhìn lại những vụ tai nạn do công trình thi công không đảm bảo an toàn

Mới đây, ngày 12/4, thanh sắt từ một công trình cao tầng đang thi công của khu chung cư Golden Land (275 đường Nguyễn Trãi, thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bất ngờ rơi xuống mái che mưa tòa nhà bên cạnh khiến phần kính của mái che mưa vỡ nát, văng trúng 2 hai bác cháu đang đứng phía dưới. Sự việc lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc không đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng gây nhiều thiệt hại nặng nề về vật chất và cả con người.

Cụ thể, vào khoảng 6h45 ngày 12/4, thanh sắt từ một công trình cao tầng đang thi công của khu chung cư Golden Land (275 đường Nguyễn Trãi, thuộc phường Thanh Xuân Trung) – chủ đầu tư là Công ty CP Thương Mại Hưng Việt (công ty con của Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy) – rơi xuống mái che mưa tòa nhà B bên cạnh. Sau va chạm, phần kính của mái che mưa vỡ nát, văng trúng đầu, người hai bác cháu sống tại tầng 22 của tòa nhà B đang đứng ở sảnh tòa nhà chờ xe đi học. Ngay khi sự việc xảy ra, Ban Quản lý tòa nhà đã đưa 2 nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu, đến khoảng 9h cùng ngày, đơn vị này mới thông báo cho Công an phường sở tại biết sự việc.

Rất may, tai nạn không gây thiệt hại về người. “Hiện sức khỏe của 2 nạn nhân đã ổn định và trở về nhà nghỉ ngơi”, một vị lãnh đạo công an phường Thanh Xuân Trung thông tin.

nhin lai nhung vu tai nan do cong trinh thi cong khong dam bao an toan
Thanh sắt từ một công trình cao tầng đang thi công của khu chung cư Golden Land bất ngờ rơi xuống khiến hai người bị thương.

Tuy không gây thiệt hại về người nhưng vụ tai nạn trên lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc đảm bảo an toàn xây dựng trong thi công công trình. Một loạt những vụ việc liên quan đến vấn đề này đã từng xảy ra trong quá khứ gây nhiều thiệt hại nặng nề về người và của.

Điển hình như vụ việc xảy ra vào ngày 27/09/2018, một thanh sắt trong hệ thống giàn giáo tại công trường xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê (trên lô đất 4.6-NO đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) rơi trúng 3 xe máy đang lưu thông, khiến chị Dương Thị Hằng (30 tuổi, quê Bắc Ninh) tử vong và 1 người bị thương. Công trình xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê này do công ty TNHH Xuất nhập khẩu và đầu tư Sao Mai (địa chỉ tại số 7/10/16 Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Đình) làm chủ đầu tư. Nhà thầu phụ thi công lắp kính mặt ngoài là công ty CP Thương mại phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP (địa chỉ tại tổ 3, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai).

Nguyên nhân vụ việc được cho là do không đảm bảo an toàn trong xây dựng nên bộ phận giữ của hệ thống sàn treo Gondola phục vụ việc thi công hạng mục vách kính tại công trình bị bật khỏi vị trí và rơi xuống đường giao thông gây tai nạn đau lòng.

nhin lai nhung vu tai nan do cong trinh thi cong khong dam bao an toan
Ngày 27/09/2018, thanh sắt cùng dây cáp từ công trình đang xây dựng trên đường Lê Văn Lương bất ngờ rơi xuống, gây tai nạn khiến 1 ngừoi tử vong

Không chỉ thế, trong năm 2018 còn nhiều những vụ tai nạn do mất an toàn của các công trình xây dựng liên tiếp diễn ra tại Hà Nội:

Ngày 20/8, một chiếc cần cẩu tại dự án tổ hợp văn phòng, thương mại, dịch vụ, nhà trẻ, căn hộ The Sun (lô đất HH1 – khu đô thị Mễ Trì, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) – chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và sản xuất Thái Dương – bị đứt cáp rơi xuống đường Mễ Trì làm 2 người đi đường bị thương.

Tháng 5/2018, một phần trục sắt của thang vận trên công trình xây dựng tại ngõ 178 phố Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) bất ngờ bị gãy và rơi xuống làm một số người dân đang ngồi uống trà đá phía dưới bị thương có người phải đưa đi cấp cứu. Rất may phần trục sắt khi rơi xuống đã rơi trúng vào một lùm cây, làm gãy cây nếu không hậu quả có thể còn lớn hơn.

Và cả trong những năm trước đây, những vụ vật liệu công trình “rơi tự do” cũng từng gây nên một nỗi ám ảnh về những tai nạn từ trên trời rơi xuống.

Ngày 25/1/2013, tại công trường tòa nhà chung cư Học viện Quân y của Công ty 36.68 thuộc Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc Phòng) có địa chỉ tại tổ 8 – phường Phúc La – quận Hà Đông – Hà Nội, một chiếc cần cẩu của công trường đang cẩu thùng sắt đựng cát rất to khoảng hơn 1 tấn, bất ngờ đứt rơi xuống, khiến một người đi đường tử vong.

Ngày 6/11/2014, một vụ tai nạn lao động đã xảy ra tại công trình thi công tuyến đường sắt trên cao đoạn Hà Nội – Hà Đông. Chiếc cần cẩu bị đứt cáp khiến bó sắt lớn rơi xuống ngang đường đè trúng 3 xe máy đang lưu thông, khiến một người thiệt mạng, 2 người khác nguy kịch…

Chiều 12/5/2015, thêm một vụ tai nạn tại công trình thi công đường sắt trên cao tại Hà Nội đã xảy ra. Thời điểm trên, một chiếc cần cẩu thuộc công trình đường sắt trên cao tuyến Nhổn – ga Hà Nội đã đổ sụp xuống nhà dân bên đường, làm hư hỏng một số biển quảng cáo của nhà dân, cột điện và ảnh hưởng đến 2 người tham gia giao thông trên đường Cầu Giấy, trong đó có một phụ nữ mang thai. Khu vực xảy ra sự cố ở số nhà 359, 361 đường Cầu Giấy do nhà thầu Daelim thi công.

nhin lai nhung vu tai nan do cong trinh thi cong khong dam bao an toan
Dự án xây dựng đường săt trên cao nhiều lần để xảy ra tai nạn.

Đánh giá về những tai nạn xảy ra do không đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình, PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) trong một cuộc trao đổi cùng PV VietNamNet ( năm 2018) đã từng thẳng thắn nhìn nhận: những tai nạn xảy ra không phải là sự sơ suất mà là thiếu trách nhiệm.

Theo vị nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động đặc biệt là an toàn lao động khi thi công những công trình cao tầng là một trong những yêu cầu rất khắt khe. Ngoài những trang bị về an toàn cho chính người lao động, trang thiết bị công trình cũng phải kiểm định đặc biệt là biện pháp đảm bảo an toàn.

“Những biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình cũng như vùng lân cận, xung quanh cũng là một trong những yêu cầu rắt khắt khe. Vì vậy trong quá trình thi công người ta phải áp luôn vào đó một quy trình về đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hiện nay lại có nhiều công trình xây dựng trong đô thị đang chểnh mảng, coi thường vấn đề này” (Theo PGS. TS Trần Chủng).

Cũng trong cuộc trao đổi này, PGS. TS Trần Chủng cũng nói thêm “Trách nhiệm đầu tiên chính là nhà thầu. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã có đơn vị tư vấn giám sát, giám sát không chỉ giám sát về kỹ thuật mà còn giám sát về an toàn lao động mà an toàn lao động phải đầu tiên. Cho nên đối với những công trình xây trong đô thị hiện nay an toàn lao động đặc biệt an toàn lao động cho những công trình lân cận cũng như những người có liên quan đến khu vực bắt buộc phải xem xét”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, cũng từng phát biểu tại lễ Phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động ngành xây dựng năm 2018: mỗi năm có hàng vạn công trình xây dựng nên việc kiểm soát không chủ yếu là các nhà thầu, người quản lý lao động và trực tiếp người lao động là yếu tố đầu tiên. Tuy nhiên, Thứ trưởng thẳng thắn nhìn nhận việc kiểm soát này chưa được chặt chẽ.

Thu Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết