Nhớ mùi khói Tết

Khói Tết đối với tôi - đứa trẻ vùng thôn dã của mảnh đất Thành Nam vừa vô hình lại hữu hình, là sợi dây cảm xúc luôn hiện hữu mỗi dịp Xuân về.
Nơi lưu giữ nét truyền thốngCanh thức biển trời cho Tổ quốc vào XuânNgân hàng lãi 'khủng' nhưng thưởng Tết 'kẻ khóc, người cười'

Gần 20 năm xa cánh cổng làng, tôi nhớ như in vị khói quê hương. Những làn khói mỏng manh, hư hư - thực thực mà có sức ám ảnh kỳ lạ. Thứ gia vị ấy khó tả lắm. Nó nồng chát như giọt mồ hôi những ngày tháng Sáu, tháng Bảy, quyện cái rét run cầm cập của tháng Chạp, quanh năm cay cay mùi dân dã.

Xưa, ông bà nội tôi trồng nhãn, mít, ổi… sum suê quanh nhà. Trước Tết vài tháng, mẹ tranh thủ gom góp những cành củi khô phơi thật đanh, xếp đều tăm tắp lên giá bếp. Rơm vụ mùa thơm phức, săn giòn được chất đống gọn gàng. Ngày đông lạnh giá, mẹ chụm vài cành củi, thêm chút rơm mồi, bật que diêm để lửa bén dần, cháy bùng lên ấm sực vô cùng. Món quà đơn sơ mà anh em tôi háo hức chờ đợi khi ấy là những củ khoai lang nướng xém nức mũi được mẹ vùi trong bếp than hồng.

nho mui khoi tet
Ảnh minh họa.

Khi ấy, tôi nhớ rõ từng dải khói lam len lỏi kẽ ngói, ô cửa sổ nhỏ, vương vấn mơ màng trên mái bếp, gói hương vị của những món ăn bình dị. Những dải khói thân thuộc đến nỗi chỉ ngửi thôi cũng đoán được bếp đun bằng lá mít, rơm rạ mới hay bằng mùn cưa... Ngai ngái và hao hanh.

Cũng chính trong mùi khói ấy, bọn trẻ như tôi dễ dàng nhận biết được hương xôi nếp, hương ngầy ngậy thịt đông, hương cá kho riềng mằn mặn, hương gạo mới dẻo thơm, ngọt đậm… Tuổi thơ tôi thế đấy! Chúng tôi lớn lên bằng những món ăn đượm vị khói chứa đựng bao yêu thương của bà, của mẹ và sự bao bọc của làng quê nghèo nhưng đầy ắp tiếng cười. Yêu thương lắm - mùi khói bếp!

Ngày Tết, làng tôi thơm ngậy!

Sáng - trưa - chiều - tối, hương làng ngai ngái mùi rơm, thoang thoảng ngô nếp, dìu dịu hoa xoan nở sớm, ngòn ngọt vị mía thắng đường đồ xôi, lâng lâng thơm rượu nếp, hương ấm áp của hơi thở ngày tháng Chạp trong cái rét cắt da, cắt thịt. Nhà nhà nhộn nhịp mổ lợn, người người hối hả gói bánh chưng, bó giò. Hương tiêu sọ giã nhuyễn quyện với hành khô thái lát tỏa nức một vùng quê. Nhớ cảm giác được ngồi thâu đêm canh nồi bánh chưng. Sáng dậy, dụi mắt, cay xè vì thiếu ngủ, quần áo vương mang đầy mùi khói bếp. Tôi thích hít hà thứ khói ấy, “ma mị” mãi không thôi...

Thiêng liêng và ấm cúng nhất là vị khói của hương trầm ngày Tết từ bàn thờ tổ tiên trong nhà, từ đường đến các đền chùa, miếu mạo. Khói Tết lạ lắm, nao nao mùi của năm tháng, xôn xao niềm vui trẻ nhỏ và trĩu nặng nỗi lo của người lớn, lâng lâng mùi ký ức giục bước người đi xa trở về...

Giờ, quê tôi mấy ai đun củi và rơm rạ. Chẳng còn những chiều đá bóng, bắn bi, thả diều… bụng đói meo lững thững triền đê, lòng ấm áp khi thấp thoáng khói lam bảng lảng từ mái bếp thâm nâu thân thuộc.

Bất chợt! Thấy nhớ vị khói, mùi khói nao lòng!

Theo Phương Anh/TN&MT