Những cơ hội trên thị trường chứng khoán sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt

Agriseco Research mới đây đã có báo cáo cập nhật về những cơ hội trên thị trường chứng khoán sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt.
Quy hoạch điện VIII: Đến năm 2050 không còn điện thanCần quy hoạch dài hạn và khung chính sách cho điện gió ngoài khơiQuy hoạch điện VIII: Cơ chế mới thúc đẩy đột phá năng lượng Việt NamQuy hoạch điện VIII: "Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trước hết"

Điện gió

Với nhóm điện gió, Agriseco Research đưa quan điểm trung lập trong ngắn hạn, do nhóm này được ưu tiên phát triển thay thế cho điện mặt trời đến năm 2030 với tỷ trọng trong cơ cấu nguồn phát tăng từ 5% lên 19% song cơ chế giá mới cho các dự án điện gió chuyển tiếp giảm hơn 20% so với giá FIT sẽ ảnh hưởng kém tích cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong dài hạn ngành điện gió được đánh giá khả quan do Quy hoạch điện VIII định hướng phát triển năng lượng tái tạo trong đó điện gió được đẩy mạnh phát triển. Tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện tăng từ 5% năm 2022 lên 19% 2030 và 29% năm 2050.

Các cơ hội đầu tư được nhóm phân tích của Agriseco khuyến nghị là HDG, REE, GEG.

Điện mặt trời

Nhóm phân tích nhận định kém khả quan trong ngắn hạn do sự phát triển nhanh trong giai đoạn 2019 – 2021 dẫn đến quá tải lưới điện. Do đó, các dự án chưa giao chủ đầu tư, trước mắt sẽ bị trì hoãn và xem xét sau năm 2030.

Trong dài hạn, Agriseco Research đưa quan điểm trung lập. Đến năm 2050, điện mặt trời đặt mục tiêu tăng trưởng công suất trở lại, chiếm tỷ trọng cao nhất với 34% trong cơ cấu nguồn phát song triển vọng còn phụ thuộc vào phát triển hạ tầng có thể theo kịp công suất phát.

Thủy điện

Thủy điện được dự báo kém khả quan trong ngắn hạn do thời tiết bước vào giai đoạn El Nino với lượng mưa giảm đáng kể so với giai đoạn 2020 - 2022 - đây là yếu tố bất lợi đối với nhóm thủy điện. Trong dài hạn, quan điểm được nâng lên trung lập do thủy điện vừa và lớn đã hết tiềm năng khai thác nên sẽ tập trung vào thủy điện nhỏ. Tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện, giảm dần từ 28% năm 2022 xuống 20% năm 2030 và 7% năm 2050.

Điện than

Ngành điện than trong ngắn hạn được đánh giá khả quan vì những lý do sau đây: (1) vẫn là một phần trọng yếu trong hệ thống điện quốc gia (chiếm tới 1/3 tổng sản lượng điện); (2) khả năng phát từ nguồn thủy điện sẽ giảm, kỳ vọng giá phát điện và sản lượng huy động nhiệt điện than tăng.

Tuy nhiên trong dài hạn, với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tỷ trọng nguồn điện than trong cơ cấu điện có xu hướng giảm dần và đến năm 2050 không còn sử dụng điện than để phát điện. Cơ hội đầu tư với nhóm điện than được Agriseco Research gợi ý là QTP.

Điện khí

Giống như điện than, nhóm điện khí trong ngắn hạn cũng được dự báo khả quan do nhiệt điện khí được ưu tiên phát triển thay thế nhiệt điện than với tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện tăng từ mức 11% năm 2022 lên 25% năm 2030; bên cạnh đó khả năng phát điện từ nguồn thủy điện giảm, nhờ vậy kỳ vọng sản lượng từ nhiệt điện khí tăng.

Trong dài hạn, đến năm 2050, chính phủ định hướng các nhà máy sử dụng LNG chuyển dần sang sử dụng khí Hydro do đó điện khí LNG vẫn đối mặt với cắt giảm trong tương lai. Do đó quan điểm nhóm phân tích đưa ra là trung lập. Hai cổ phiếu ưu thích thuộc nhóm điện khí là POW và NT2.

Xây lắp điện

Agriseco Research đưa quan điểm khả quan đối với lĩnh vực xây lắp điện trong ngắn hạn và dài hạn. Quy hoạch điện VIII tạo hành lang pháp lý triển khai các dự án truyền tải điện, qua đó kỳ vọng đơn đặt hàng xây lắp mới sẽ được ký trong nửa cuối năm 2023.

Vốn đầu tư trung bình cho hệ thống lưới điện lên tới 1,5 tỷ USD/năm giai đoạn 2021 – 2030 và 1,9 tỷ USD/năm giai đoạn 2031 – 2050 tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp xây lắp, tư vấn khi các gói thầu thi công lưới điện tăng tuy nhiên cơ hội sẽ phân hóa vào các doanh nghiệp có năng lực triển khai dự án tốt và tình hình tài chính lành mạnh. Cơ hội đầu tư với các cổ phiếu nhóm này la PC1, TV2, PVS.

Ngày 15/5 vừa qua, Quy hoạch điện VIII chính thức được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây được xem là chính sách quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành điện nói chung và nền kinh tế nói riêng.

Một số điểm chính trong Quy hoạch điện VIII là gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện, ưu tiên phát triển nguồn điện gió; đồng thời giảm thiểu nguồn nhiệt điện theo lộ trình chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Mai Anh