Những dòng sông chở nặng phù sa

Nước ta có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước. Gìn giữ để những mạch nguồn này chảy mãi là trách nhiệm không của riêng ai.
Thuận thiên nhiên: Tiêu chí mới mà cũ trong tìm kiếm không gian sốngKhôi phục sức sống cho dòng kênh ‘chết’ sau 15 năm bị lấpQuy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng: Phát triển kinh tế...Đa dạng sinh học: 'Chung tay xây dựng một tương lai cho mọi sự sống'

Hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Cửu Long là mạch nguồn làm nên 2 đồng bằng châu thổ lớn nhất cả nước – đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những dòng sông chở nặng phù sa, ngày đêm đắp bồi cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Mạch nguồn làm nên “vựa lúa” đất Chín rồng

Dòng sông Mê Kông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, nối liền 6 quốc gia: Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Với khoảng 4.800 km chiều dài, con sông quốc tế này tạo ra nhiều sinh cảnh độc đáo, các hệ sinh thái giàu có và nhiều vùng châu thổ phì nhiêu. Phần lãnh thổ Việt Nam nằm trong lưu vực Mê Kông chiếm khoảng 8% diện tích lưu vực và đóng góp khoảng 11 % tổng lượng nước. Phần lãnh thổ này bao gồm thượng nguồn sông Nậm Rốm (Điện Biên), thượng nguồn sông Sê Kông và Sê Băng Hiêng, lưu vực sông Sê San, sông Srepok và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Những dòng sông chở nặng phù sa - Ảnh 1
Đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong. (Ảnh: AFP)

Sông Cửu Long - hay Cửu Long Giang, là tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ Việt Nam. Tại đây, sông chia thành hai sông Tiền Giang, Hậu Giang rồi đổ ra biển qua 9 cửa: Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc (Bassac) và Trần Đề. Chín sông của Mê Kông như 9 con rồng uốn lượn nên được gọi tên khác là sông Cửu Long. Lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông theo thời gian đã bồi lắng thành vùng đồng bằng màu mỡ, trù phú, gắn liền với tên gọi của 9 dòng sông –ĐBSCL.

Khu vực ĐBSCL có diện tích tự nhiên 3,9 triệu hecta, trong đó 75% đã được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh là “vựa lúa” của cả nước, khu vực này cũng là vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất Việt Nam với 71% diện tích nuôi, 72% sản lượng và 75% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. ĐBSCL đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và tăng trưởng kinh tế cho cả nước.

Theo thống kê sơ bộ, hiện có hơn 20 triệu người dân Việt Nam sống trong lưu vực sông Mê Kông; trong đó có hơn 17 triệu ở ĐBSCL. Phần lớn dân số phụ thuộc vào nguồn sinh kế nông nghiệp và thủy sản – liên quan mật thiết đến nguồn tài nguyên nước. Nguồn lợi từ sông Mê Kông và các dòng nhánh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người nghèo, 75% trong số họ sống phụ thuộc vào sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản.

ĐBSCL chịu tác động mạnh mẽ từ nguồn nước sông Mê Kông, trong đó lũ là yếu tố quan trọng nhất. Mỗi năm, khu vực này có từ 1,3-1,5 triệu hecta bị ngập lũ. Dưới tác động của dòng chảy và chế độ lũ, các hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng, đất nông nghiệp bị xâm nhập mặn và chua phèn, các hoạt động sản xuất nông nghiệp bị cản trở. Bên cạnh đó, lũ cũng có nhiều mặt tích cực đối với sự hình thành và phát triển của ĐBSCL. Con sông Mê Kông mang về cho đồng bằng nguồn phù sa màu mỡ và nguồn thủy sản tự nhiên giàu có.

Sông Hồng – dòng sông đi suốt chiều dài lịch sử dân tộc

Không ai biết sông Hồng hình thành từ đời nào. Từ Việt Trì, sông Hồng có thêm hai phụ lưu là sông Đà và sông Lô với hàng ngàn lạch khe, suối nhỏ, suối to, ngòi nhỏ, ngòi to đổ vào Sông Hồng với 609 km bắt nguồn từ dãy Ngụy Sơn cao 1.776 mét thuộc huyện Nhị Đô, tỉnh Vân Nam trên Cao nguyên Vân Nam (Trung Quốc) và 556 km trên đất Việt Nam, vẫn là nguồn chủ công bào mòn những vùng đất nó đi qua, hòa trong 122 tỷ m3 nước/năm một khối lượng phù sa khổng lồ là 120 triệu tấn/năm.

Những dòng sông chở nặng phù sa - Ảnh 2
Sông Hồng khu vực cầu Chương Dương và Long Biên. Sông Hồng có tổng chiều dài là 1.149 km, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Việt Nam và đổ ra biển Đông. Đoạn chảy trên nước ta dài 510 km.

Cứ thế, nó cần mẫn bồi đắp nên một vùng châu thổ có bề dày từ 180m đến 60m ở trung tâm đồng bằng, càng đi ra rìa càng nông hơn, đến mức một vài nơi còn lộ cả nền đá gốc.

Tổng diện tích đất tự nhiên nhờ nó mà có ở vùng châu thổ cả sông Hồng và sông Thái Bình này là 1.479.416 ha gồm 8 tỉnh và 4 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Không chỉ bồi đắp cho đầy mãi lên sự màu mỡ mà nó còn chịu thương chịu khó mỗi năm mở mang bờ cõi cho đất nước nhờ lấn ra biển, trung bình 300 m qua 11 cửa sông là: Lạch Huyện, Nam Triệu, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình, Diêm Điền, Trà Lá, Ba Lạt, Lạch Giang và Đáy.

Ðồng bằng sông Hồng là một trong ba tiểu vùng của Bắc bộ có đất đai màu mỡ, được hình thành từ sự bồi đắp phù sa của hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Trước khi đổ ra vịnh Bắc bộ, hai hệ thống sông nói trên với mười cửa sông đã tạo nên một vùng châu thổ trù phú gồm mười tỉnh đồng bằng. Hàng nghìn năm qua, vùng đất này đã làm nên biết bao kỳ tích trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Ngày nay, trên con đường đổi mới, vùng đồng bằng sông Hồng với gần 550 nghìn ha canh tác, là nơi có cơ sở hạ tầng và trình độ phát triển nông nghiệp tốt nhất cả nước, vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn. Vùng đồng bằng sông Hồng còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, tập trung mật độ cao các viện nghiên cứu, các trường đại học đầu ngành của nền giáo dục nước nhà.

Khu trung tâm của đồng bằng sông Hồng rất bằng phẳng, phần lớn nằm ở độ cao từ 0,4 m đến 12 m so với mực nước biển, với 56% có độ cao thấp hơn 2 m. Giữa lòng miền đồng bằng Bắc bộ, cái nôi của nền văn minh sông Hồng, nền văn hóa Việt cổ, có vùng văn hóa Thăng Long - Hà Nội và chung quanh bốn phương, tám hướng có bốn vùng văn hóa Ðông, Ðoài, Nam, Bắc đã làm nên đặc trưng vùng văn hóa Bắc bộ Việt Nam, bảo lưu được nhiều giá trị truyền thống hàng nghìn năm nay.

Đừng “ngược đãi” các dòng sông

Cũng như hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long, các lưu vực sông lớn nhỏ của nước ta là những mạch nguồn chở nặng phù sa, bồi đắp cho sự phát triển vững bền vững đất nước. Đây là nguồn nước mặt – nguồn nước chính bảo đảm cho đời sống và các hoạt đọng sản xuất của hơn 100 triệu người dân Việt Nam.

Những dòng sông chở nặng phù sa - Ảnh 3
Lưu vực sông Thái Bình. (Ảnh: nawapi)

Tuy nhiên, hiện nguồn nước quan trọng này đang bị đe dọa từ nhiều phía, vì nhiều lý do. Một trong những nguyên nhân khiến nguy cơ mất an ninh nguồn nước luôn thường trực là do hầu hết các con sông lớn của Việt Nam có nguồn gốc từ các nước lân cận. Do đó, tài nguyên nước của Việt Nam dễ bị tổn thương do những hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn.

Ô nhiễm nước gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 12,4-18,6 triệu USD mỗi ngày cho chi phí xử lý do ô nhiễm vào năm 2030 nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời.

Ở vị thế là một quốc gia cuối nguồn, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải gánh chịu nhiều tác động to lớn chưa thể lường trước từ các chương trình, dự án phát triển trên dòng chính ở phía thượng nguồn. Với viễn cảnh các kịch bản phát triển của các quốc gia láng giềng, Việt Nam rất cần có các giải pháp ứng phó và hạn chế tối đa nguy cơ trở thành nạn nhân của những tính toán, sắp đặt trái với tinh thần hợp tác phát triển trong lưu vực.

Cùng với đó, chất lượng nước ở các dòng sông cũng đã và đang bị đe dọa bởi hoạt động khai thác thủy điện, vật liệu xây dựng, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản. Việc xả thải từ các nhà máy, khu công nghiệp, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng cũng như trong sinh hoạt của người dân đang tác động lớn đến chất lượng nước của hệ thống sông ngòi.

Một thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện chỉ có 46% hộ gia đình ở đô thị có đầu nối vào đường ống thoát nước và chỉ 12,5% nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước. Bộ Xây dựng dự báo, trong 15 năm tới, nước thải đô thị dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất của nước thải (khoảng 60%). Nước thải công nghiệp sẽ chiếm 25 - 28% và nước thải nông thôn là 12 - 15%.

Nguồn cung cấp nước sạch được dự báo sẽ giống như tình trạng khan hiếm dầu hiện nay. Giải pháp cấp bách là cần quản trị nguồn nước hiệu quả. Ngăn chặn hành động “ngược đãi” các dòng sông, hợp tác xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước trên các dòng sông là những vấn đề cần phải ưu tiên để cho mạch nguồn chảy mãi. Bởi nếu không, tình trạng thiếu hụt nước sạch, những căn bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm vẫn ngày một trầm trọng.

Để đảm bảo an ninh tài nguyên nước, đủ nước cho sinh hoạt, sản xuất, môi trường, phòng tránh rủi ro do nước gây ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ Đề án an ninh tài nguyên nước quốc gia đến năm 2045, trong đó đã đề ra 9 giải pháp chủ yếu. Những giải pháp mang tính trọng tâm đột phá gồm:

Tăng cường hoàn thiện, đổi mới thể chế, chính sách, cơ chế tài chính; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành nước; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hòa phân bổ tài nguyên nước đảm bảo chủ động nguồn nước cấp cho các mục đích sinh hoạt và sản xuất. Cải thiện, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng, đảm bảo an ninh nước cho môi trường; tăng cường đầu tư, nâng cấp, nâng cao hiệu quả sử dụng nước; nâng cao năng lực ứng phó tác động biến đổi khí hậu và các rủi ro khác liên quan đến nước.

Bùi Hằng

Xem thêm

Liên kết