Những hy vọng trong chiều cuối năm 11/02/2021 15:10
Your browser does not support the audio element. Miền Bắc Miền Nam Thêm một cái Tết nữa đến trong phấp phỏng, lo lâu với hàng triệu người Việt vì Covid. Nhưng Tết đến cũng luôn mang theo những hy vọng, chờ mong. Rất nhiều nông dân, tiểu thương hy vọng, sang năm mới, rồi mọi chuyện sẽ ổn hơn.
Chị Hường chọn được vị trí bán rau đẹp nhất chợ Xuân Phương (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Năm nay Covid đột ngột xuất hiện tại phường Xuân Phương khiến chị lo đứng lo ngồi, nhưng thật may mắn, đến giờ phút này cả nhà vẫn an toàn. Chị Hường cho biết, năm nay do canh tác nhờ được ở khu đất dự án đang bỏ hoang, chị có thu nhập khá ổn định, mỗi tháng được chừng 6,7 triệu. Chị hy vọng, sang năm tới, người ta vẫn để cho trồng trọt, canh tác. Nếu không còn đất, chị cũng có thể đi buôn bán lặt vặt và chỉ mong dịch bệnh sẽ không còn để mọi người buôn bán, làm ăn thuận lợi hơn. Nguyễn Văn Lực, sinh viên năm thứ 2 khoa Cơ Khí, Đại học Bách Khoa đang cùng mẹ rốn lại chợ, bán nốt cành đào cuối cùng. Năm nay cả nhà Lực (ở An Khánh, Hoài Đức) lo đứng lo ngồi vì Covid ập đến bất thần khiến ai cũng lo đào sẽ ế chỏng ế chơ. Nhưng thật may mắn, hơn 1000 gốc đào nhà Lực đã bán hết dù giá có rẻ hơn mọi năm chút ít. Mặc áo đồng phục của Đại học Bách Khoa nhưng Lực chẳng ngại mang đào đi chào mời khắp phố. Mẹ của Lực bảo, bà rất hãnh diện vì thằng bé, nó đẹp trải, nhanh nhẹn, học giỏi nên là niềm tự hào của cả nhà. Hy vọng sang năm, kinh tế không khó như năm nay, thương lái sẽ đến tận ruộng đào để mua buôn với giá tốt, như vậy, Lực sẽ có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi nhiều hơn. Người phụ nữ này ở Vân Canh, Hoài Đức Hà Nội, bà không giấu nổi sự ưu tư, lo lắng trong phiên chợ chiều cuối năm, không phải lo không bán hết bưởi. Bà bảo, bưởi này còn ít thôi, cái chính là lo sang năm chỗ đất nông nghiệp mà đang trồng canh tác sẽ không còn vì được quy hoạch để làm dự án, mỗi m2 đất bà nghe bảo được đền bù khoảng 1 triệu đồng. Nỗi lo không còn vườn bưởi, không được tiếp tục gắn bó với mảnh đất đã nuôi sống cả nhà nhiều năm khiến gương mặt bà nặng trĩu. Tất nhiên nếu dự án có lấy đất, gia đình bà sẽ được đền bù nhưng ở cái thời dịch bệnh liên miên như thế này, bà chẳng biết phải xoay xở kinh doanh thế nào, vì thế chỉ mong dự án sẽ vào chậm hơn, sao cho qua cái đận Covid này đã. Ông Nguyễn Vinh Thắng hơn 70 tuổi, là người khiếm thị đang sống tại phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm, HN. Thấy có người chụp ảnh, ông bảo, đưa tôi lên báo cũng được, nhưng phải nói rõ là tôi đi bán tăm chứ không phải ăn xin nhé. Dạo trước họ "bế" tôi lên trung tâm bảo trợ rồi. Nhưng tôi không muốn phụ thuộc vào ai cả, vì vẫn tự kiếm sống được. Khi nghe phóng viên hỏi về hy vọng, ông Thắng cười xòa bảo, tôi năm nay đã hơn 70 tuổi, lại mù lòa, hy vọng chẳng có gì cả, chỉ mong đừng yếu hơn, mong qua Covid đi chứ tôi tuổi này, nghe mọi người bảo "dính" là hỏng hẳn. Bà Xuân mang bán mấy chùm sung trong vườn nhà với giá 10.000đ/lạng. Bà cười vang cả góc chợ rồi bảo, bán sung cuối năm, như bán may mắn, bán lộc cho mọi người lấy may thôi, ai chẳng mong năm mới được sung sướng, hạnh phúc. Bà Xuân bảo, năm nay cây sung nhà tôi kết trái sai lúc lỉu, quả lại rất đẹp, chắc chắn là năm mới sẽ mưa thuận gió hòa, vì thế tôi muốn ra chợ, ngồi bán lấy may. Mong sao dự cảm của tôi là đúng để mọi người không còn vất vả vì dịch bệnh nữa.