Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến thời điểm này, 100% doanh nghiệp báo cáo dự kiến có thưởng Tết Nguyên đán với mức bình quân khoảng 1 tháng lương (6,5 triệu đồng/người), tăng khoảng 4% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2019.
Trong đó, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước bình quân 6 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh bình quân 6,3 triệu đồng/người; doanh nghiệp FDI bình quân 6,9 triệu đồng/người.
Ảnh minh hoạ. |
Bên cạnh hình thức thưởng bằng tiền mặt, các doanh nghiệp tùy tình hình sản xuất kinh doanh còn thực hiện thưởng bằng các hình thức khác như: hiện vật, hàng hóa, phiếu mua hàng siêu thị, các chuyến tham quan, du lịch trong và ngoài nước, cổ phiếu hoặc sản phẩm của chính doanh nghiệp sản xuất.... Ngoài ra, vẫn còn có một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khó khăn không có thưởng tết cho người lao động.Mức thưởng có sự khác biệt lớn giữa các ngành, nghề. Mức thưởng cao tập trung trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tốt trong năm 2019 như điện tử, ngân hàng, dịch vụ tài chính, kế toán, bất động sản … Các ngành nghề giá trị gia tăng thấp, gia công là chủ yếu, gặp khó khăn thì mức thưởng không cao, có một số doanh nghiệp mức thưởng chỉ khoảng 200.000 đồng/người.
Năm 2019, tiền lương bình quân chung ước đạt 7,85 triệu đồng/tháng, tăng 7,38% so với năm 2018, trong đó, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước bình quân 10,45 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp dân doanh bình quân 7 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp FDI bình quân 7,4 triệu đồng/tháng.
Hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện việc chi trả lương cho người lao động theo mức tăng lương tối thiểu vùng theo Nghị định mới. Mức tăng từ 150.000 đồng – 240.000 đồng/tháng, (tương đương từ 5,1 – 5,7%) theo mức tăng của Nghị định số 90/2019/NĐ-CP.
Một số doanh nghiệp tuy điều chỉnh mức lương tối thiểu của doanh nghiệp theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP nhưng số lương thực tế trả cho người lao động đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Nghị định.