Những người hùng thầm lặng với cuộc chiến "tử thần" không tiếng súng

Cuộc chiến với "tử thần" không có tiếng súng nhưng vô cùng khốc liệt. Trong căn phòng phẫu thuật kín mít chỉ có tiếng máy thở, tiếng píp píp của máy theo dõi và ánh đèn lạnh lẽo. Mệnh lệnh của phẫu thuật viên chính rất ngắn gọn: dao, kẹp cầm máu, kéo, kim... Không được phép có động tác thừa. Sai một chút, bệnh nhân có thể rơi vào tay "tử thần"…

Mẹ tôi lại bị gãy cổ xương đùi. Cụ tiếp tục được đưa vào Bệnh viện Quân y 103. Mẹ tôi đã 97 tuổi, mắc nhiều bệnh mãn tính của người già. Đã vậy, tháng Giêng vừa rồi mẹ tôi phải trải qua một cuộc phẫu thuật vô cùng nguy hiểm. Cuộc phẫu thuật ấy cũng do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 thực hiện và cụ đã hồi phục một cách kỳ diệu. Tuy nhiên, sau khi xuất viện, do việc tập luyện không đúng cộng với chế độ dinh dưỡng sai khiến nhu động ruột của cụ bị tê liệt, hệ hô hấp hoạt động kém, hơi thở yếu và không đều, huyết áp cao…

Trước ngày phẫu thuật, PGS.TS.BsCK2 Vũ Nhất Định (Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Phó Giám đốc Bệnh viện) đã trao đổi với tôi về bệnh tình của cụ. Ông cho biết, việc phẫu thuật lần này nhiều rủi ro hơn, thậm chí bệnh nhân có thể tử vong trên bàn mổ, gia đình cần cân nhắc kỹ. Tôi hiểu những điều bác sĩ đã nói. Song, với tình trạng của mẹ tôi, chỉ có phẫu thuật mới mang tới cho cụ cơ hội sống, từ chối phẫu thuật, sự sống sẽ được tính từng ngày.

nhung nguoi hung tham lang voi cuoc chien tu than khong tieng sung
Bà Hoàng Thị Định mỉm cười sau cuộc chiến cam go chống lại "tử thần".

Cùng vào gặp bác sĩ Vũ Nhất Định hôm ấy còn có người nhà của bệnh nhân Hoàng Thị Định (quận Hà Đông, Hà Nội). Ít tuổi hơn mẹ tôi, nhưng bà Định lại gặp nhiều nguy cơ khác. Tháng 3/2017, bà Định gãy cổ xương đùi, đã được phẫu thuật ngay và hồi phục tốt. Tháng 4/2019, bà không thể vận động và vô cùng đau đớn. Kết quả chụp X-quang cho thấy ổ khớp bị mòn dẫn đến thủng bên trong, nên khớp nhân tạo đã chui sâu vào khung xương chậu. Nếu không phẫu thuật, bệnh nhân chỉ nằm tại giường, thậm chí không ngồi dậy được. Những nguy cơ loét, viêm phổi dẫn đến tử vong là hiện hữu.

Sau khi nhận được sự đồng thuận của gia đình bệnh nhân, đầu tháng 5/2019, bác sĩ Vũ Nhất Định đã tiến hành phẫu thuật cho cả mẹ tôi và bà Định. Thời gian chờ đợi dài đằng đẵng để rồi niềm vui vỡ òa khi mẹ tôi xuất hiện với khuôn mặt tỉnh táo, bình thản, dường như chưa hề trải qua cuộc chiến cam go với "tử thần". Ba tiếng sau, cụ đã có thể ngồi dậy, thoải mái uống hết một ly sữa. Hỏi mẹ còn đau không, cụ bảo dễ chịu hơn trước khi phẫu thuật rất nhiều. Chúng tôi mừng rơi nước mắt.

Trường hợp của bà Định, ca phẫu thuật kéo dài gần 2 tiếng, nhưng bà cũng an toàn rời phòng mổ, hiện tại phục hồi tốt. Hai ngày sau phẫu thuật, bà Định bớt đau nhiều và đã có thể tươi cười trò chuyện cùng mọi người...

nhung nguoi hung tham lang voi cuoc chien tu than khong tieng sung
Cụ Phạm Thị Đôi, 97 tuổi (mẹ chồng tôi) tỉnh táo ngay sau khi phẫu thuật.

Tại khoa Phẫu thuật khớp, hầu hết bệnh nhân là người cao tuổi nên ca nào cũng ẩn chứa vô vàn rủi ro. Cuối tháng 4, khoa tiếp nhận cụ Vũ Thị Trì (88 tuổi, ở Bắc Ninh). Cụ bị gãy cổ xương đùi trái, nhập viện trong tình trạng nguy kịch: nặng 36kg, bị u phổi, huyết sắc tố chỉ đạt 80gram/lít (ở người bình thường là 130-140 gram/lít)... Cụ Trì cũng vừa được phẫu thuật thay khớp chân phải chưa đầy một tháng…

Tình trạng của cụ Trì khá giống với mẹ chồng tôi. Tuy nhiên, PGS.TS.BsCK2 Phạm Đăng Ninh cho hay: "Tổn thương có thể giống nhưng mỗi bệnh nhân là một tình huống hoàn toàn khác biệt. Vì vậy, mỗi ca phẫu thuật phải có một chiến thuật riêng, phải tính toán từng chi tiết mới đảm bảo thành công". Bác sĩ Phạm Đăng Ninh đã trực tiếp phẫu thuật hàng trăm ca ở cao điểm Vị Xuyên và Bệnh viện Quân y 103. Những tưởng việc phẫu thuật "như cơm bữa" sẽ khiến cảm xúc của ông "chai lỳ" đi ít nhiều, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Ông luôn đồng cảm với sự đau đớn của người bệnh. Ca phẫu thuật dù đơn giản hay phức tạp đều được ông "lập trình" cẩn thận và tập trung cao độ cả trí tuệ lẫn sức lực để cứu bệnh nhân thoát khỏi bệnh tật, đau đớn.

Nếu bệnh nhân của Khoa Phẫu thuật khớp hầu hết là người cao tuổi thì bệnh nhân của Khoa Chấn thương chung & Vi phẫu (CTC&VP) đều ở độ tuổi lao động. Họ thường nhập viện trong tình trạng đa chấn thương do tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động. Mới đây, khoa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thu Huyền (quận Hoàng Mai, Hà Nội) với những tổn thương rất phức tạp: khuôn mặt bầm dập, gãy xương đùi, gãy xương chậu, dập gót chân, bắp chân phải dù đã được ga rô nhưng máu vẫn phụt ra như vòi nước… Không ai nghĩ cô có thể sống được trong tình trạng ấy, vậy mà Huyền đã sống. Cô mỉm cười khi kể cho tôi nghe về cuộc chiến đấu một mất một còn với "tử thần".

nhung nguoi hung tham lang voi cuoc chien tu than khong tieng sung
Bác sĩ thăm khám cho nữ bệnh nhân sau phẫu thuật chân phải.

Hơn 2 tháng trước, Huyền đang lái xe gắn máy trên đoạn đường ở quận Long Biên thì bất ngờ một chiếc container tông thẳng từ phía sau. Cô bị hất tung lên cao rồi văng ra xa, còn chiếc xe máy nằm gọn trong gầm ôtô. Trước khi chuyển đến Bệnh viện Quân y 103, Huyền được đưa đến cấp cứu, điều trị tại hai bệnh viện lớn khác của Hà Nội. Càng điều trị, tình trạng của Huyền càng nguy kịch và đỉnh điểm là cuộc phẫu thuật mạch chầy sau khiến máu phun ra xối xả… Huyền được chuyển thẳng đến Khoa CTC&VP, Bệnh viện Quân y 103. Sau khi cầm máu cho cô, PGS.TSBsCK2 Đặng Hoàng Anh cùng cộng sự đã tiến ghép da, cố định và phẫu thuật tất cả những vùng xương bị gãy. Gần 2 tháng tích cực điều trị, sức khỏe của cô ngày càng tốt hơn. Huyền bảo: "Em chắc chắn sẽ chết nếu không gặp bác sĩ Đặng Hoàng Anh. Bác sĩ là người đã tái sinh em một lần nữa...". Mừng cho Huyền vượt cửa tử một cách ngoạn mục bao nhiêu, càng cảm phục tay nghề cùng sự hết lòng cứu chữa bệnh nhân của các y, bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 103 bấy nhiêu.

Có thể nói, mỗi bệnh nhân là một câu chuyện ly kỳ về cuộc chiến đấu cam go giữa các bác sĩ với "tử thần". Khi bệnh nhân được cứu sống, họ vui mừng và dành sự cảm kích cho những người đã dùng phép lạ giúp họ thoát khỏi “quỷ môn quan”. Song, mấy ai biết đằng sau cánh cửa phòng mổ kia, các bác sĩ phải đối diện với điều gì? Đó là ngày ngày phải tiếp xúc với máu, mủ và những căn bệnh có độ lây nhiễm cao? Đó là rất nhiều ca phẫu thuật, cả ê kip phải đứng dưới máy chụp x-quang? Đó là sẽ gặp rắc rối với người nhà bệnh nhân và chịu sự chỉ trích hà khắc của xã hội khi xảy ra rủi ro?

Đó vẫn chưa phải là tất cả... Niềm đau đáu, sự khó khăn lớn nhất của họ chính là làm sao để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Chuyện không hề đơn giản. Bác sĩ giỏi đến mấy cũng sẽ bất lực nếu bệnh nhân và gia đình họ không phối hợp. Về vấn đề này, tôi đã hỏi thẳng bác sĩ Vũ Nhất Định rằng ông và các bác sĩ có ngại phẫu thuật cho những bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao không? Có ngại gặp rắc rối với gia đình họ không? bác sĩ Vũ Nhất Định cũng thẳng thắn chia sẻ: "Trong trường hợp ấy, bác sĩ nào cũng có phản xạ bảo vệ bản thân nhưng ở Bệnh viện Quân y 103, nếu thấy khó mà từ chối thì đâu phải là tuyến cuối, đâu phải là cơ sở đào tạo nữa…"

Để tránh tối đa những rủi ro, bất trắc và đảm bảo giành thắng lợi, trước khi phẫu thuật, bác sĩ Vũ Nhất Định, bác sĩ Phạm Đăng Ninh, bác sĩ Đặng Hoàng Anh cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Quân y 103 đều phải tính trước chiến thuật, nghĩ trước những tình huống sẽ xảy ra để vào phòng mổ là "chỉ có bấm nút và chạy". Chạy càng nhanh càng tốt. Phẫu thuật cũng giống như một trận đánh, càng kéo dài thì thương vong, chết chóc càng nhiều. Đúng là áp lực chồng chất áp lực…

Vâng, nghề nào cũng có áp lực nhưng dường như nghề phẫu thuật chịu nhiều áp lực hơn cả. Vừa xong ca phẫu thuật khó khăn này lại gặp ca phẫu thuật vô cùng khó khăn khác. Chính vì vậy, mỗi bác sĩ phẫu thuật không chỉ cần giỏi nghề mà còn phải có sức khỏe tốt, thần kinh thép, và trên hết là kiến thức chuyên môn, đôi tay thành thạo cùng lòng yêu nghề và trái tim yêu thương bệnh nhân. Có như vậy họ mới đủ khả năng liên tục chiến đấu và chiến thắng "tử thần", mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân.

Phong Lan
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường