Những phóng viên can trường nhất thế giới và câu chuyện ly kỳ chưa biết

Trong suốt sự nghiệp của mình, 10 phóng viên nổi tiếng thế giới đã hy sinh cuộc sống riêng, thậm chí là cả tính mạng để cống hiến cho độc giả những thông tin xác thực và quý giá nhất.

Larry Burrows

Larry Burrows (1926-1971) là một trong những phóng viên chiến trường vĩ đại với những bức ảnh gây rúng động thế giới về chiến tranh Việt Nam. Lần đầu tiên tới Sài Gòn năm 1962, những phóng sự ảnh của ông liên tục xuất hiện trên các tạp chí nước ngoài.

nhung phong vien can truong nhat the gioi va cau chuyen ly ky chua biet
Ảnh chụp ông Larry Burrows trước khi hy sinh vào năm 1971. Ảnh: Getty Image.

Các tác phẩm của ông xoáy sâu vào sự tàn khốc của chiến tranh; ánh mắt gây ám ảnh của những người lính trước lúc hy sinh, gương mặt tuyệt vọng của những đứa trẻ mất người thân trong chiến tranh, hình ảnh chân thực đến tàn nhẫn về những hình thức tra tấn dã man quân đội Mỹ trút lên người dân Việt Nam…

nhung phong vien can truong nhat the gioi va cau chuyen ly ky chua biet
Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của ông Larry được đăng trên bìa Tạp chí Life tháng 11/1968.

Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của ông được đăng trên trang bìa Tạp chí Life tháng 11/1968, thuộc phóng sự ảnh “Bên rìa hoà bình”. Tấm ảnh chụp cô bé Nguyễn Thị Tròn, mới 12 tuổi, mất một chân do bị đạn bắn từ trực thăng của Mỹ khi đang đi hái rau. Nạn nhân bé nhỏ của chiến tranh đứng nhìn chiếc chân giả của mình đang được gọt bằng máy với ánh mắt ngây ngô đến tội nghiệp. Tấm ảnh tuy không chụp những hình ảnh đau thương, máu me nhưng mang sức truyền cảm rất lớn đến những trái tim yêu chuộng hoà bình.

Sinh thời, mục tiêu lớn nhất của Larry Burrows là giúp toàn thế giới nhận ra sự thật về chiến tranh, thứ chỉ toàn mang lại đau thương và mất mát. Ông từng chia sẻ, mơ ước trong sự nghiệp của mình là được chụp những bức ảnh Việt Nam hoà bình.

Tháng 2/1971, ông Larry cùng ba đồng nghiệp bay sang Lào để tiếp tục sứ mệnh phản ánh “bộ mặt” tàn khốc của chiến tranh. Không may, bốn nhà báo can trường đã hy sinh anh dũng sau khi để lại những tấm ảnh vô giá, phản ánh cả một giai đoạn lịch sử.

Francoise Demulder

Francoise Demulder (1947-2008) là phóng viên ảnh tự do người Pháp, được các đồng nghiệp gọi với cái tên thân mật là Fifi. Đến Sài Gòn năm 1972, với lòng say nghề và quả cảm, bà ghi lại những bức ảnh về chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam, tố cáo với thế giới những tội ác mà người dân phải hứng chịu.

nhung phong vien can truong nhat the gioi va cau chuyen ly ky chua biet
Ảnh chụp nữ phóng viên chiến trường Demulder vào năm 1977. Ảnh: Getty Image.

Ông Robert Stevens, biên tập viên tờ Times từng chia sẻ: “Cùng với một số rất ít những nhiếp ảnh gia tự do khác, Francoise Demulder đã góp phần mở đường cho việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam”.

Ngày chiến thắng lịch sử 30/4/1972, giữa lòng Sài Gòn hỗn loạn, trong khi các phóng viên khác còn đang e sợ, bà Francoise là người duy nhất chụp được khoảnh khắc chiếc xe tăng 390 của Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, chính thức kết thúc cuộc chiến.

Elizabeth Jane Cochrane

Bà Elizabeth Jane Cochrane (1864 - 1922) có bút danh Nellie Bly, là một trong những nữ phóng viên đầu tiên ở Mỹ. Bà bắt đầu sự nghiệp của mình tại thành phố Pittsburgh (tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ). Tuy nhiên, khi bị yêu cầu viết về những chủ đề "nhàm chán" như làm vườn và thời trang vốn được "gắn mác" dành cho các phóng viên nữ, bà đã chuyển tới thời báo New York World (NYW) vào năm 1887.

nhung phong vien can truong nhat the gioi va cau chuyen ly ky chua biet
Elizabeth Jane Cochrane. Ảnh: conjuringart.

Kể từ đây, sự nghiệp báo chí của bà chính thức sang trang mới. Ban biên tập tại NYW đã giao cho Nelli Bly một nhiệm vụ vô cùng mạo hiểm: giả mất trí để thâm nhập vào một trại thương điên, báo cáo về những sai phạm trong việc khám chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân.

Trong 10 ngày nằm vùng tại đây, nữ nhà báo còn phải chịu sự ngược đãi dã man từ các nhân viên y tế, sống chung với chuột, uống nước thải và ăn thực phẩm ôi thiu. Sau này, một người thuộc ban biên tập kể lại, lúc bấy giờ, bà Cochrane là nữ nhà báo tiên phong và duy nhất dám dấn thân vào những công việc như vậy. Trước khi “đóng vai” bệnh nhân tâm thần, bà đã được cảnh báo rằng, toà soạn sẽ không đảm bảo có thể đưa bà ra ngoài sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Nhờ vào những nỗ lực của bà, nhiều nhà thương điên mắc sai phạm trên toàn nước Mỹ đã bị đóng cửa; đồng thời, ngân sách từ thiện quốc gia dành cho những bệnh nhân tâm thần tăng thêm tới 850.000 USD.

James Foley

nhung phong vien can truong nhat the gioi va cau chuyen ly ky chua biet
Hình ảnh nhà báo James Foley đang quỳ trong đoạn video được phiến quân IS đăng tải. Ảnh: NY Magazine.

James Foley (sinh năm 1973) là nhà báo người Mỹ, làm việc cho hãng thông tấn AFP và Global Post. Trước khi trở thành nhà báo vào giữa những năm 2000, anh Foley từng là giáo viên. Anh cống hiến cho nghề báo bằng cách dấn thân vào những điểm nóng chiến tranh – nơi nguy hiểm nhất thế giới. Anh Foley từng chia sẻ: “Nghề làm báo ở tiền tuyến là rất quan trọng. Nếu không có nó, chúng tôi không thể nói cho thế giới biết chiến tranh tồi tệ đến mức nào".

Năm 2011, anh và ba đồng nghiệp khác bị lực lượng Hồi giáo được cầm đầu bởi Muammar Gaddafi bắt giam tại Libya. May mắn trở về sau gần hai tháng bị cầm tù và tra tấn, anh Foley tiếp tục quay lại chiến trường Syria vào năm 2012. Tại đây, anh cùng người phiên dịch của mình bị bắt cóc. Những kẻ thủ ác liên tục di chuyển để lực lượng quân đội Mỹ không thể tìm ra James. Vì nhiều lý do chính trị, chính phủ Mỹ đã từ chối trả tiền chuộc và đàm phán trao đổi tù nhân. Tới ngày 19/8/2014, nhà nước Hồi giáo đã đăng một đoạn video trên Youtube, ghi lại cảnh James bị chặt đầu dã man. Phiến quân IS sau đó thậm chí còn “ra giá” 1 triệu USD cho thi thể của nhà báo xấu số.

Peter Warren

nhung phong vien can truong nhat the gioi va cau chuyen ly ky chua biet
Nhà báo quả cảm Peter Warren. Ảnh: Getty Image.

Nhà báo Peter Warren (sinh năm 1941, người gốc London) đã dành 50 năm cuộc đời mình cho sự nghiệp báo chí và thám tử tự do ở Canada. Ông Warren đặc biệt tâm huyết với các vụ án có dấu hiệu vô nhân tính và kết án sai. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông từng “sắm” nhiều vai, từ bệnh nhân tâm thần cho đến nhà đầu tư “chịu chi”.

Nổi bật là sự việc xảy ra ở Toà án núi Stony ở Manitoba (Canada). Tại đây, một người đàn ông có tên David Milgaard bị kết án do cưỡng hiếp và giết một điều dưỡng địa phương. Nghi ngờ vụ án có uẩn khúc, ông Warren đã chấp nhận bị giam giữ gần nửa tháng để làm sáng tỏ vụ việc. Nhờ vào các nỗ lực của Warren, đến năm 1997, anh Milgaard được trả tự do và chứng minh vô tội sau 23 năm ngồi tù oan.

Anas Aremeyaw Anas

nhung phong vien can truong nhat the gioi va cau chuyen ly ky chua biet
Phóng viên ẩn danh Anas Aremeyaw Anas. Ảnh: Getty Image.

Phóng viên người Ghana có bút danh Anas Aremeyaw Anas với sự nghiệp cầm bút khi còn là sinh viên. Anas sau đó coi những phóng sự điều tra như hơi thở của mình. Để thuận tiện cho công việc, anh luôn ẩn danh với công chúng. Anas đặc biệt quan tâm tới các vấn đề về tham nhũng. Sau khi trở thành nhà báo phụ trách điều tra tại tờ The Crusading Guide của Ghana, Anas càng cương quyết hơn trong việc vạch trần các sai phạm.

Trong suốt quá trình công tác, Anas đã sử dụng hàng chục nhân dạng khác nhau, bao gồm bảo vệ nhà thổ để phơi bày mại dâm trẻ em; công nhân nhà máy bánh quy, nơi sử dụng bột có giòi làm nguyên liệu sản xuất; bệnh nhân của một bệnh viện tâm thần có dấu hiệu buôn bán ma tuý, bỏ đói người bệnh khiến họ phải ăn chất thải của chính mình, bỏ mặc thi thể bệnh nhân nhiều ngày,…

Mục tiêu cao cả của Anas là buộc chính phủ phải vào cuộc bằng cách đưa ra các bằng chứng về các tội ác và tham nhũng.

John Howard Griffin

nhung phong vien can truong nhat the gioi va cau chuyen ly ky chua biet
Nhà báo John Howard Griffin cải trang thành người da màu. Ảnh: Life.

John Howard Griffin là một tiểu thuyết gia, nhà báo người Mỹ da trắng. Trong suốt thời trai trẻ của mình, ông đã trải qua nhiều đau thương, từ rơi vào đường dây buôn người Do Thái cho đến bị thương nặng trong Thế chiến thứ II. Vốn giàu lòng trắc ẩn, ông Griffin luôn đau đáu về vấn nạn người da màu. Lúc bấy giờ, những đứa trẻ da trắng được dạy từ nhỏ rằng “dân” da màu là những người hạ đẳng, thấp kém.

Năm 1959, ông bắt đầu cạo đầu và dùng thuốc Oxsoralen, kết hợp với phơi nắng cao độ, thậm chí phẫu thuật thẩm mỹ để biến đổi vẻ bề ngoài thành người da đen. Vì khao khát mang lại công bằng xã hội, ông quyết định sẽ từ bỏ cuộc sống hiện tại, trở thành một người da màu để đưa đến công chúng những thông tin khách quan và chân thực nhất.

Sau khi biến đổi mình, ông Griffin đã đi sâu vào vùng phía Nam của Hoa Kỳ, sống cuộc sống của một người da màu. Trong suốt 6 tuần, vị tiểu thuyết gia liên tục bị những người da trắng xung quanh doạ giết, thậm chí còn bị treo cổ. Khi trở về, ông cho ra đời cuốn sách “Black Like Me”, nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả và tổ chức nhân quyền trên thế giới. Tuy nhiên, gia đình ông đã phải rời khỏi Mỹ do liên tục bị những kẻ cực đoan quấy rối và đe doạ.

Stuart Goldman

Ông Stuart Goldman là phóng viên người Mỹ làm việc cho tờ Los Angeles Times, được người trong giới mệnh danh là “nhà báo huỷ diệt”. Ông hoạt động ngầm nhiều năm với bí danh Will Runyon.

Trong những năm 90, ông Goldman đã vạch trần hàng loạt tổ chức tội phạm “đội lốt” các kênh truyền thông. Kết quả các cuộc điều tra của “nhà báo huỷ diệt” đã gây rúng động báo giới lúc bấy giờ. Theo đó, các tổ chức truyền thông “ma” có mạng lưới gián điệp rộng khắp, bao gồm nhiều bác sĩ, vệ sĩ,… chuyên cung cấp thông tin cá nhân của những nhân vật quan trọng, phục vụ cho mục đích tống tiền.

Sau phát hiện gây sốc, ông Goldman đã “gây thù chuốc oán” với rất nhiều đồng nghiệp. Tuy nhiên, để bảo vệ được sự cao quý của nghề làm báo, ông cho biết mình sẵn sàng đối diện với mọi hiểm nguy và đe doạ, kể cả phải trả giá bằng tính mạng.

Tim Lopes

nhung phong vien can truong nhat the gioi va cau chuyen ly ky chua biet
Nhà báo dũng cảm Tim Lopes. Ảnh: Getty Image.

Tim Lopes là nhà báo người Brazil, lớn lên ở một khu “ổ chuột” ở Rio de Janeiro. Những năm tháng tuổi thơ cay đắng đã làm nên một phóng viên dũng cảm, quyết tâm vạch trần những tội ác diễn ra trong các “hang cùng ngõ hẻm” tại một trong những thành phố có tỉ lệ tội phạm cao nhất thế giới.

Trong nhiều năm, ông Lopes đã thâm nhập các khu “ổ chuột” ở Rio de Janeiro và bí mật quay lại các hành vi bất hợp pháp, bao gồm buôn ma tuý, buôn người, hiếp dâm,… Đây được gọi là những nơi “cai trị” bởi các trùm mafia khét tiếng thế giới, nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền thành phố.

Năm 2001, Lopes công bố đoạn video ghi lại hình ảnh những kẻ buôn người và ma tuý cầm sung AK-47 ngang nhiên “tuần tra” trên phố. Trước những tư liệu này, cảnh sát đã phải vào cuộc và trấn áp hoạt động của các băng đảng xã hội đen, ông Tim cũng chính thức “gây thù chuốc oán” với những tên tội phạm nguy hiểm nhất thế giới.

Đến ngày 2/6/2002, ông Tim bị những kẻ buôn ma tuý bắt cóc. Nhà báo người Brazil đã hy sinh sau khi bị tra tấn và thiêu sống dã man.

Robert Fisk

nhung phong vien can truong nhat the gioi va cau chuyen ly ky chua biet
Nhà báo người Anh Robert Fisk. Ảnh: Agos.

Nhà báo người Anh Robert Fisk là phóng viên tại Trung Đông của tờ The Independent trong hơn 20 năm qua.

Robert Fisk là một trong số ít các nhà báo phương Tây từng 3 lần phỏng vấn trùm khủng bố Osama Bin Laden. Vượt qua sự sợ hãi, luôn sẵn sàng tiếp cận cả những khu vực nguy hiểm, ông đã có mặt trong cả chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Afghanistan và Iraq từ 1990-2003 để đem đến cho độc giả những thông tin chân thực nhất về chiến tranh.

Robert Fisk đã từng được Hiệp hội Báo chí Anh (British Press) tôn vinh là nhà báo quốc tế của năm - hạng mục mà ông đã từng được bình chọn 7 lần. Số giải thưởng báo chí mà Robert Fisk có được (gồm cả giải của Anh và quốc tế) nhiều hơn bất cứ một phóng viên nước ngoài nào khác.

Diệu Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường