Nỗ lực loại bỏ khí thải carbon trong các ngành kinh tế toàn cầu

Theo nhà vận động chống biến đổi khí hậu, việc xây dựng kế hoạch quốc tế cụ thể nhằm loại bỏ carbon trong các ngành có lượng khí thải cao và giúp các nước đang phát triển nắm bắt cơ hội tăng trưởng kinh tế carbon thấp.
Hình thành thị trường phát thải carbon hiệu quả và bền vữngPhát triển thị trường carbon trong việc thực hiện cam kết tại COP26Mô hình 'Carbon thấp, chống chịu cao' có thực sự hiệu quả?

Khí thải CO2 có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại

Ngày 11/11 tại Hội nghị COP27, báo cáo “Global Carbon Budget” được công bố một lần nữa cho thấy khoảng cách từ lời nói đến hành động của các chính phủ, công ty và nhà đầu tư trên thế giới trong việc cắt giảm lượng khí thải làm nóng lên toàn cầu trong những năm tới.

Theo đó, lượng khí thải từ dầu mỏ có thể sẽ tăng hơn 2% so với năm ngoái, trong khi lượng khí thải từ than đá, vốn được cho là đã đạt đỉnh hồi năm 2014, sẽ ghi nhận kỷ lục mới.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, có thể sẽ tăng 1% trong năm 2022, thậm chí có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Nỗ lực loại bỏ khí thải carbon trong các ngành kinh tế toàn cầu - Ảnh 1
Lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, có thể sẽ tăng 1% trong năm 2022, thậm chí có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Lượng khí thải CO2 toàn cầu từ tất cả các nguồn phát thải, bao gồm cả nạn phá rừng, sẽ đạt 40,6 tỷ tấn, chỉ thấp hơn không đáng kể so với mức kỷ lục được ghi nhận vào năm 2019. Khoảng 90% trong lượng này là kết quả của việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Tính đến thời điểm hiện tại, mức tăng nhiệt 1,2 độ C đã gây ra nhiều kiểu thời tiết khắc nghiệt hơn, như các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và các cơn bão nhiệt đới với sức tàn phá khủng khiếp. Đồng thời, việc giảm lượng khí thải đủ nhanh để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris là “giữ mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp” là điều không hề dễ dàng.

Báo cáo tại Hội nghị COP27 cũng cho thấy lượng khí thải trong năm nay tại Mỹ sẽ tăng 1,5%, tại Ấn Độ là 6%. Đây là nước phát thải lớn thứ hai và ba trên thế giới. Còn tại Trung Quốc - quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, lượng khí thải CO2 có khả năng giảm 0,9% do chiến lược “zero COVID” của Bắc Kinh. Lượng khí thải của châu Âu cũng giảm nhẹ.

Xây dựng kế hoạch 12 tháng giúp giảm nhanh lượng khí thải

Ngày 11/11, các nước chiếm hơn một nửa nền kinh tế thế giới đã đề ra các bước cụ thể mà họ sẽ thực hiện nhằm đẩy nhanh việc giảm khí thải trong nhiều lĩnh vực sản xuất.

Kế hoạch được công bố trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại thành phố Sharm el-Sheikh (Ai Cập).

Tại hội nghị, các nước nói trên, trong đó có Đức, Nhật Bản và Canada, ủng hộ kế hoạch gồm 25 “Hành động ưu tiên” dự kiến sẽ được công bố tại hội nghị COP28 diễn ra ở Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) vào năm tới.

Thông qua việc nhất trí một loạt biện pháp giảm khí thải, những nước này hy vọng có thể phát đi tín hiệu rõ ràng về định hướng chính sách để thúc đẩy các nhà đầu tư và công ty hành động.

Khởi đầu được thiết lập là “Chương trình nghị sự đột phá” tại hội nghị COP26 ở Glasgow (Anh) năm ngoái, kế hoạch “Hành động ưu tiên” còn bao gồm các lĩnh vực sản xuất hydro và nông nghiệp.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, 13 quốc gia đã nhất trí đẩy nhanh hành động, chẳng hạn tăng cường đầu tư để tạo ra các giải pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu và thích ứng với các tác động do biến đổi khí hậu gây ra.

Dự kiến vào năm 2023, các lĩnh vực xây dựng và sản xuất xi măng sẽ được bổ sung vào kế hoạch. Các công ty cũng sẽ tham gia từng lĩnh vực và do một nhóm nòng cốt dẫn dắt cũng như được các nhóm công nghiệp và tài chính hỗ trợ.

Nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc Nigel Topping cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ để đạt mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 1,5 độ C vào giữa thế kỷ này theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

“Chương trình nghị sự đột phá” là nỗ lực phối hợp lớn nhất từ trước đến nay nhằm giảm chi phí kiểm soát khí thải trong các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, sản xuất thép và hydro, hướng tới mục tiêu nói trên.

Theo nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, ông Mahmoud Mohieldin, đây là một kế hoạch quốc tế cụ thể nhằm loại bỏ carbon trong các ngành có lượng khí thải cao và giúp các nước đang phát triển nắm bắt cơ hội tăng trưởng kinh tế carbon thấp đi cùng với thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo mới của Greenpeace, để hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, các nhà sản xuất ôtô chỉ được phép bán ra tối đa 315 triệu xe mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà sản xuất ô tô lớn có thể bán tới 712 triệu xe chạy xăng và dầu vào năm 2040, gấp hơn 2 lần so với mức khuyến nghị.

Greenpeace cho rằng các nhà sản xuất ô tô phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các phương tiện không phát thải để đảm bảo sự kết nối giữa mục tiêu bán hàng và doanh số thực tế.

Với áp lực cắt giảm khí thải ngày càng lớn, các nhà sản xuất ô tô hàng đầu đang đẩy nhanh nỗ lực loại bỏ động cơ đốt trong và chuyển sang sản xuất nhiều xe điện hơn. Đặc biệt, một số chính phủ đã công bố kế hoạch cấm bán các loại xe mới chạy bằng xăng và dầu, như một phần trong nỗ lực đưa mức phát thải ròng carbon về 0, song nhiều nước vẫn chưa thực hiện điều này.

Lan Anh