Nỗ lực vì môi trường “xanh – sạch – đẹp”

Những năm gần đây, mô hình phân loại, xử lý rác thải ở hộ gia đình tại khu dân cư Tạ Hạ (xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, Hưng Yên) thu được kết quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường…
no luc vi moi truong 8220xanh 8211 sach 8211 dep8221
Các loại rác thải sinh hoạt trong gia đình được thu gom và phân loại để xử lý.

Được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các đoàn thể cơ sở, từ năm 2016 đến nay, xã Chính Nghĩa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình. Đến nay, tại khu dân cư Tạ Hạ, xã Chính Nghĩa hiện có 130 hộ xây bể xử lý rác thải đạt tiêu chuẩn, 170 hộ đăng ký nhận thùng phân loại rác thải. Trong khu dân cư Tạ Hạ đã có hơn 90% số hộ tham gia chương trình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình.

Sau thời gian triển khai, nhờ sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa Ban công tác Mặt trận và Ban cán sự thôn, kết quả đạt được rất khả quan, mô hình dần đi vào nề nếp, có hiệu quả thiết thực. Hiện trong khu dân cư không còn rác thải vứt bừa bãi. Môi trường thực sự “xanh – sạch – đẹp”, nhận thức của người dân về việc phân loại rác thải chuyển biến tích cực.

Quy trình xử lý rác thải rất đơn giản, người dân được trang bị thùng phi nhựa dung tích 200 lít, xung quanh khoan nhiều lỗ tròn, bên dưới có cánh cửa diện tích 20cm2 hoặc đào hố rác với kích thước 70x70cm, sâu khoảng 1m bên trên đặt lắp hố rác di động. Hàng ngày, các loại rác thải sinh hoạt trong gia đình được thu gom và phân loại, rác hữu cơ sẽ cho vào thùng phi hoặc hố rác đào sẵn. Sau đó, người dân tưới chế phẩm vi sinh gốc EM vào và đậy nắp. Khoảng 30 ngày sau rác thải sẽ phân hủy thành phân hữu cơ.

Bước đầu, mô hình đã tiết kiệm cho các hộ dân mỗi năm là 180.000 đồng/hộ do không phải thuê thu gom rác thải và các chi phí khác của địa phương phát sinh, như: sắm sửa dụng cụ, bảo dưỡng, sửa chữa chuyên dụng. Huyện cũng không còn phải lo cấp xe chuyên dụng, cấp phương tiện bảo hộ cho công nhân, nhất là hàng tuần, hàng tháng ở khu dân cư không còn tình trạng rác thải tập trung chờ được đưa đi xử lý.

Chị Nguyễn Thị Thơm, một người dân thôn Tạ Hạ cho rằng, mô hình đã xây dựng và củng cố ý thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường. Mỗi người dân cũng dần nhận ra rằng “mình vì mọi người và mọi người sẽ vì mình” tạo ra những lợi ích tốt đẹp của cộng đồng dân cư. Mô hình này cũng tạo thói quen cho nếp sống mới phù hợp với tiêu chí của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và thực hiện tốt phong trào “Xây dựng khu dân cư 3 không”.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên, việc xử lý theo biện pháp phân loại rác, dùng chất vi sinh gốc EM cho phân hủy thành phân hữu cơ, vừa có nguồn phân chăm sóc cây trồng, cải tạo đất, vừa góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. So với việc chở rác đi xử lý, việc phân loại, xử lý tại hộ gia đình có nhiều ưu điểm hơn từ mức phí thấp, dễ triển khai, dễ làm, thuận tiện cho người sử dụng, phù hợp với điều kiện kinh tế, tập quán sinh hoạt của người dân vùng nông thôn.

Có thể thấy, mô hình phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình ở khu dân cư Tạ Hạ mang lại hiệu quả thiết thực. Người dân nhờ được tuyên truyền, vận động đã tích cực tham gia xây dựng môi trường sống. Thiết nghĩ, đây thực sự là mô hình hiệu quả cần được nhân rộng, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng môi trường ngày càng “xanh – sạch – đẹp”.

Quang Đạo

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết