Nhiều siêu thị bắt đầu sử dụng lá chuối để gói thực phẩm. (Ảnh: Youtube) |
Rác thải nilon khó phân hủy là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng rất lớn, làm ô nhiễm môi trường sống của con người. Đối phó với thực trạng này, nhiều siêu thị, cửa hàng ăn uống, quần áo... đã sử dụng những đồ dùng, sản phẩm thay thế được sản xuất từ nguyên vật liệu tự nhiên, tái chế dễ phân hủy, nhằm hạn chế lượng rác thải nhựa xả ra môi trường.
Sữa gián hay bia sản xuất từ nước thải... là những sản phẩm được ra đời từ xu hướng này và đã được đưa lên thực đơn của một số nhà hàng hay bày bán trên các kệ hàng siêu thị trong năm 2019. Các nhà sản xuất đều cam kết những sản phẩm này sẽ không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Bánh mì kẹp "thịt thực vật" cũng đã trở thành xu hướng mới trong cộng đồng những người ưa chuộng đồ ăn nhanh, trong bối cảnh các "đại gia" Burger King và McDonalds đang cạnh tranh khốc liệt để dẫn đầu xu thế. Hiện dòng sản phẩm Impossible Whopper của Burger King đang tỏ ra rất thành công với nhiều lựa chọn về vị nhân bánh chay.
Không chỉ dừng lại ở thịt, các nhà sản xuất cũng đã nghiên cứu và tung ra thị trường một số sản phẩm thay thế cho cá, trong đó được lòng người tiêu dùng nhất có lẽ là "cá ngừ" được làm từ hỗn hợp 6 loại đậu và dầu tảo biển. Theo giới chuyên gia, những loại protein thay thế này sẽ giúp cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính liên quan chăn nuôi gia súc, gia cầm và đánh bắt thủy hải sản ở quy mô công nghiệp.
Granola (món ngũ cốc, yến mạch, hạt khô rang cùng mật ong) với thành phần chính là những con ấu trùng, sữa gián và kem vani từ nhộng tằm là một vài ví dụ tiêu biểu về thực đơn, để cho thấy các loài côn trùng cũng hấp dẫn thực khách chứ không hề tạo cảm giác ghê người như chúng ta thường nghĩ.
Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng côn trùng chứa rất nhiều protein và vitamin nhưng lại sản sinh ra ít khí thải và có thể sống tốt trong môi trường hạn chế với chỉ cần một ít đất và một ít nước. Không những được tận dụng làm một nguồn thực phẩm dồi dào, một số người thậm chí còn đang ấp ủ kế hoạch lập trang trại nuôi côn trùng để làm nguyên liệu làm sạch những bức tranh dầu cọ bị xỉn màu.
Trong bối cảnh toàn thế giới tăng cường nỗ lực chống "ô nhiễm trắng", nhiều nhà hàng hiện sử dụng mỳ ống để làm ống hút, trong khi các siêu thị sử dụng lá chuối bọc sản phẩm tươi sống thay vì túi nilon. Người tiêu dùng cũng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có bao bì thân thiện môi trường hơn, chẳng hạn như giấy gói sáp ong có thể tái sử dụng nhiều lần.
Các loại thực vật giàu vitamin và dễ thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu, ví dụ như cây cọ babassu ở Amazon, cây kê ở Ấn Độ và cải bó xôi Maya từ Guatemala... đã trở thành những thực phẩm được các đầu bếp và nhà khoa học tiên phong chuộng sử dụng. Hiện có tới 75% số thực phẩm trên thế giới được khai thác từ 12 loại thực vật và 5 loài động vật chủ chốt, việc mở rộng lựa chọn cho chế độ ăn uống cũng là một chiến lược tốt để đối phó với những ảnh hưởng do tình trạng khí hậu gây ra.
Các nhà hàng ở Helsinki (Phần Lan), New York (Mỹ) và Berlin (Đức) đã tận dụng hầu hết mọi nguyên liệu thô để giảm thiểu việc bỏ đi những phần thực phẩm mà trước đây họ vốn cho là thừa thãi. Trong khi đó, Trash Tiki - một công ty cocktail với tôn chỉ "chống lãng phí" - cũng đã làm nên những món đồ uống tuyệt hảo từ sử dụng phế liệu thực phẩm như sữa còn thừa, vỏ và hạt trái cây hay bã cà phê...Trash Tiki truyền cảm hứng về việc "hô biến" những nguyên liệu thừa này tới người dân ở Toronto (Canada), Amsterdam (Ha Lan) và Rome (Italy) trong năm nay.
Các loại bia thân thiện với môi trường - được ủ bằng nước tái chế hoặc nước thải sinh hoạt - cũng đã được tung ra thị trường, trong đó một phần doanh thu được sử dụng cho các công tác bảo tồn rùa biển. Rượu vang tự nhiên sản xuất từ nho hữu cơ và hoàn toàn không có chất phụ gia hóa học cũng được nhiều người tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ hưởng ứng, do loại vang này tinh khiết hơn và thân thiện với môi trường hơn là loại vang truyền thống.
Sản phẩm bánh burger chay của Burger King. (Ảnh: Business Insider) |