Khi bữa ăn học đường thành nơi gieo mầm bệnh
Chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học lại “nóng” như thời gian gần đây. Chỉ từ đầu năm học 2018 – 2019 đến nay đã xảy ra hàng loạt vụ việc nghiêm trọng khiến dư luận hoang mang lo lắng. Mới đây, lại tiếp tục xảy ra một vụ việc ngay giữa thủ đô.
Theo đó, khoảng 6h ngày 3/4, những người trực tiếp tham gia tiếp nhận và kiểm tra thực phẩm tại trường Trường tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phát hiện 35kg thịt gà đông lạnh có mùi lạ. Sau khi phát hiện, những người làm nhiệm vụ kiểm tra đầu vào thực phẩm đã báo cáo với Ban giám hiệu nhà trường. Sau đó, nhà trường yêu cầu đơn vị cung cấp thực phẩm đổi lại số gà bị hư hỏng trên. Hơn 1 giờ sau, nhân viên của công ty An Việt đổi lại thịt gà cho bếp ăn. Được biết, công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt (công ty An Việt) cung cấp thực phẩm cho trường tiểu học Chu Văn An. Đơn vị này giao thực phẩm đến trường học vào sáng sớm.
Việc kiểm tra thực phẩm ở trường theo quy trình: Xem cân đủ khối lượng, sau đó dùng mắt thường kiểm tra rau củ quả có vấn đề gì hay không. Đối với thực phẩm tươi sống thì ngửi xem có mùi lạ hay không. Khoảng 10h30 phút cùng ngày, công ty An Việt đã lập biên bản với công ty Halofoods – đơn vị cung cấp thịt gà cho công ty An Việt, về sự việc. Theo biên bản này, ban giám hiệu Trường tiểu học Chu Văn An phản ánh thịt gà giao cho bếp ăn nhà trường sáng 3/4 một số miếng có mùi lạ nhưng để đảm bảo cho học sinh, trường đã yêu cầu đổi trả cả túi 35kg.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Giám đốc công ty Halofoods, nguyên nhân của mùi lạ trong thịt gà có thể do hai túi hàng xếp chồng lên nhau trong quá trình bảo quản và vận chuyển, nhiệt độ phần tiếp xúc không đủ lạnh nên gây ra mùi lạ. “Thịt gà giao cho bếp ăn nhà trường vào sáng 3/4 là hàng sản xuất trong ngày (ca sản xuất từ 12h-2h sáng 3/4). Các lô hàng này đều là hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng. Toàn bộ quá trình sản xuất đều được sự giám sát chặt chẽ của cán bộ thú y tại lò mổ tập trung của thành phố (Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội). Hiện công ty An Việt đã chỉ đạo các đơn vị đưa mẫu sản phẩm đi xét nghiệm, đồng thời yêu cầu Halofoods bảo quản riêng số hàng bị trả lại để đợi kết quả xét nghiệm”, ông Hoàng khẳng định.
Trước đó, sáng 5/3, một phụ huynh có con học tại trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) đã vào bếp ăn của nhà trường. Vị phụ huynh này thấy một rổ thịt gà đã làm chín đặt ở trên bếp, khi đặt tay vào miếng thịt và vê thì miếng thịt nát vụn ra. Cho rằng đây là thịt gà đông lạnh đã để lâu, phụ huynh này gọi thêm nhiều phụ huynh khác, đồng thời yêu cầu Hiệu trưởng xuống để làm rõ.
Sau đó, lực lượng công an, UBND xã đã có mặt để thu giữ số thịt gà đó để kiểm tra. Sau khi có thông tin công ty cung cấp thực phẩm cho trường Thanh Khương đồng thời cũng cung cấp thực phẩm cho 18 trường khác trong địa bàn huyện. Hàng trăm phụ huynh có con học tại gần 20 trường trên địa bàn huyện Thuận Thành đã đưa con đi xét nghiệm và kết quả là hơn 80 cháu trong số đó bị kết luận có nhiễm sán lợn gạo (số liệu của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tính đến sáng 17/3/2019).
Vụ việc đang được tiếp tục xác minh, làm rõ. Dư luận hết sức bất bình, đòi hỏi phải có câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này, cần thiết phải khởi tố công ty cung cấp thực phẩm bẩn và lãnh đạo các trường học để xảy ra vi phạm trên. Bởi vụ việc ở Bắc Ninh như “giọt nước làm tràn ly” khi mà trước đó đã từng xảy ra nhiều vụ thực phẩm bẩn len lỏi vào bếp ăn trường học gây rúng động dư luận.
Cũng tại Bắc Ninh, từ ngày 15 đến ngày 20/11/2018, đã có 209 trẻ mầm non và 3 giáo viên trường Mầm non Xuân Nộn (Bắc Ninh) nhập viện điều trị trong tình trạng sốt cao, buồn nôn tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh và Bệnh viện Bắc Thăng Long. Sau khi tiến hành xét nghiệm, cơ quan y tế đã xác định nguyên nhân là do vi nhiễm Salmonella tub 2 trong bánh ngọt.
Loại bánh ngọt này do Công ty thực phẩm Bảo An cung cấp cho nhà trường. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Nguyên Cát (ở Phố Và, phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh) lại là đơn vị sản xuất. Điều đáng nói, kiểm tra thực tế hoạt động của công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Nguyên Cát, các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở không bảo đảm. Sau đó, địa phương đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Hiệu trưởng trường Mầm non Xuân Nộn và kiểm điểm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân.
Khủng khiếp hơn, tháng 10/2018, 352 học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình đã phải nhập viện sau bữa ăn trưa tại trường với triệu chứng đau bụng, buồn nôn nghi do ngộ độc thực phẩm. Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Ninh Bình sau đó khẳng định đây là vụ ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân do món ruốc gà trong bữa trưa.
Cụ thể, kết quả xét nghiệm cho thấy trong món ruốc gà có độc tố tụ cầu vàng, bắt nguồn từ thịt gà sống sử dụng làm ruốc, độc tố này khi nấu chín vẫn không tiêu diệt được. Đây chính là nguyên nhân khiến các học sinh bị đau bụng, buồn nôn phải nhập viện. Độc tố tụ cầu vàng còn có thể xuất hiện khi thực phẩm để lâu không được bảo quản tốt, quá trình chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh…
Ngay khi biết nguồn gây ngộ độc thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình tiến hành niêm phong cửa hàng, tiêu hủy toàn bộ lô hàng tại hộ kinh doanh cung cấp ruốc gà cho nhà trường, có địa chỉ tại thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Tương tự, ngày 3/10/2018, sau khi ăn bữa sáng do nhà trường tổ chức, gồm có xôi và thịt băm thì khoảng 170 em học sinh phải đưa đi bệnh viện do bị đau bụng, buồn nôn, đi ngoài. Kết quả điều tra cho thấy thịt lợn dùng để chế biến món thịt băm cho học sinh đã bị nhiễm khuẩn vì ôi thiu.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước những lo lắng về an toàn thực phẩm trong học đường, Hiệu trưởng trường mầm non Chim Non – Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: “Để xảy ra những trường hợp như vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban giám hiệu nhà trường. Tiếp theo, trách nhiệm của tất cả các nhân viên, giáo viên. Mỗi nhà trường phải luôn luôn để ý đến vấn đề an toàn thực phẩm và coi đó là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết nhất.
Nếu những tình trạng đó đã xảy ra, đầu tiên, các cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc để xác minh nguyên nhân ở đâu, do đơn vị cung ứng thực phẩm, do nguồn nước, hay phía nhà trường… để có hình thức xử lý. Từ đó, cũng cần có các hình thức xử phạt thích đáng để đảm bảo không còn xuất hiện những vụ việc tương tự.
Quy trình giao nhận thực phẩm đối với các trường mầm non, phải đảm bảo, trước tiên, gồm có một kế toán, thủ kho, bếp trưởng, đại diện Ban giám hiệu, đại diện giáo viên, đại diện phụ huynh tham gia giám sát. Bên cạnh đó, ban thanh tra nhân dân không theo kế hoạch mà sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất. Trạm y tế phường phối hợp, tham gia giám sát chặt chẽ các quy trình.
Trong các quy trình có thể đeo găng tay, cắt thịt, cắt rau ra kiểm tra chất lượng trực tiếp. Ngoài ra, có thể xem nhãn mác, xuất xứ có đảm bảo hay không, đối chiếu với các giấy tờ như phiếu xuất kho, phiếu giao hàng mà bên giao thực phẩm mang đến”.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng: “Khi xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học là điều không mong muốn của tất cả các đơn vị, phải nhanh chóng khắc phục, đưa học sinh đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Sau đó, tìm hiểu nguyên nhân cụ thể xem vấn đề nằm ở đâu, truy trách nhiệm cụ thể và để lần sau không lặp lại những vấn đề tương tự. Nếu vội vàng quy chụp do nguyên nhân này, nguyên nhân kia cũng chưa thể chắc chắn hiệu quả”.
Với bất kỳ lý do gì thì việc đưa thực phẩm không đảm bảo vào trường học là một việc làm bất nhẫn, vô nhân tính. Vệ sinh thực phẩm trong trường học cần trải qua nhiều khâu, với nhiều đơn vị, cá nhân kiểm định chất lượng. Và, tất cả các đơn vị, cá nhân này đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp thực phẩm cho học sinh. Người chịu trách nhiệm đầu tiên, nặng nhất phải là nhà trường và các đơn vị cung cấp thực phẩm. Bởi họ là khâu cuối cùng, trước khi đưa thực phẩm đi chế biến cho học sinh. Nhà trường chính là đơn vị cam kết với phụ huynh học sinh trước khi cho con em tới trường. Cần nghiêm túc loại bỏ những đối tượng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm học đường ra khỏi môi trường giáo dục.
Xuân Đoàn(T/h)