Nỗi lo mùa lũ muộn

Dự báo mùa lũ năm 2020 tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ xuất hiện muộn, mực nước thấp; các địa phương ven biển đối diện với nguy cơ bị xâm nhập mặn khi triều cường.
Miền núi phía Bắc tập trung ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đấtMưa lũ gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng ở Đắk NôngCảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi Bắc Bộ

Đỉnh lũ xuất hiện cuối tháng 9

Số liệu quan trắc ghi nhận ngày 10/9 cho thấy, nước lũ mới đổ về một số nơi vùng đầu nguồn ĐBSCL là các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Dù nước về muộn gần 2 tháng so với những năm trước, nhưng mực nước thấp.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khả năng đỉnh lũ năm 2020 sẽ xuất hiện vào cuối tháng 9 và mực nước cao nhất năm trên sông Tiền (tại Tân Châu) và sông Hậu (tại Châu Đốc) có thể thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm, từ 0,2 đến 0,4 m. ĐBSCL có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt. Lũ về muộn và mực nước thấp còn khiến cho ĐBSCL đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn tại các địa phương ven biển khi triều cường.

noi lo mua lu muon
Dự báo mùa lũ năm 2020 tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuất hiện muộn, mực nước thấp. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia về ĐBSCL cho rằng, lượng nước ở khu vực này phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa ở phía thượng nguồn trong lưu vực sông Mê Công, trong đó, đặc biệt là lượng mưa ở phía tả ngạn con sông này, phần thuộc Lào.

Lũ về muộn và thấp, người dân ở đầu nguồn của ĐBSCL chủ yếu là ở Đồng Tháp và An Giang sẽ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Lũ thấp cũng khiến sản xuất nông nghiệp sẽ gặp khó khăn khi phù sa về ít, đồng ruộng không được rửa, chuột và dịch bệnh trên lúa sẽ nhiều hơn làm chi phí canh tác sẽ tăng cao.

Đối với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 - 2021, các chuyên gia đánh giá, năm nào lũ về thấp, sang mùa khô hạn, mặn sẽ gay gắt. Do đó, cần tiếp tục quan sát, nếu đến giữa tháng 10, nước lũ vẫn thấp, chúng ta phải tích cực đề phòng hạn, mặn sẽ xuất hiện vào khoảng tháng 3/2021 đối với các tỉnh ven biển.

Mặt khác, theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ nay đến cuối năm 2020, ĐBSCL còn khả năng xuất hiện 4 đợt triều cường với biên độ mỗi tháng xuất hiện một đợt. Cụ thể, đợt triều cường đầu tiên sẽ xuất hiện từ ngày 18 - 21/9; đợt thứ 2 từ ngày 15 - 9/10; đợt 3 từ ngày 14 - 18/11 và đợt 4 từ ngày 13 - 17/12. Nếu trùng với thời kỳ hoạt động của mùa gió chướng, độ cao của các đợt triều cường này có thể chạm mức kỷ lục vào ngày 18/10.

Chủ động thích ứng

Trước nhận định sớm về tình hình mùa lũ 2020 ở ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khuyến nghị các Sở NN&PTNT có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; tích nước ngọt đầy đủ để phục vụ sản xuất, kinh doanh đáp ứng diễn biến của thời tiết.

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương vùng đầu nguồn sông Cửu Long tranh thủ xuống giống sớm, tăng diện tích trồng lúa vụ Thu - Đông. Các tỉnh hạ nguồn, ven biển tăng cường tích trữ nước ngọt và chuyển đổi vật nuôi, cây trồng phù hợp với độ mặn tăng cao khi triều cường lấn sâu vào nội đồng. ĐBSCL có thể sản xuất 800.000 ha lúa Thu - Đông năm 2020 tăng 75.800 ha so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 4,4 triệu tấn, tăng 492.000 tấn so với năm 2019.

Tiến sĩ Hoàng Văn Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN& PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam cho rằng, để chủ động ứng phó, về lâu dài các địa phương vùng ĐBSCL cần chuyển dịch sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình mới.

Ứng phó với biến đổi khí hậu, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng, phát triển diện tích đất lúa quy mô lớn tại An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp. Các tỉnh ven biển như Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau... cũng đã thay đổi tập quán sản xuất, chuyển sang trồng lúa - màu; lúa - tôm tại một số khu vực chuyên trồng lúa 3 vụ nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Tuyết Chinh
Theo Báo TN&MT