Nóng vội trong phát triển du lịch sẽ hủy hoại môi trường

Việc phát triển hạ tầng du lịch và bảo vệ môi trường, bảo tồn cảnh quan tự nhiên phải là hai nhiệm vụ song song, có tính chất tương hỗ, không phải mang tính loại trừ lẫn nhau.
Môi trường tan hoang vì những dự án mang danh 'du lịch nghỉ dưỡng'Tàn phá hệ sinh thái có thể làm gia tăng đại dịch như Covid-19Phát triển du lịch địa học bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Phát triển ồ ạt để lại nhiều hệ lụy cho môi trường

Trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 ập đến Việt Nam, sự tăng trưởng của ngành du lịch đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, resort, khu du lịch sinh thái. Các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản tìm kiếm các quỹ đất tại khu vực có tiềm năng lịch biển lớn như Ninh Thuận, Bình Thuận, Quy Nhơn, Tuy Hòa…

Ở miền Bắc, các nhà phát triển bất động sản săn lùng quỹ đất ở vùng có núi, có hồ như Sa Pa, Hòa Bình, Tam Đảo, Đại Lải, Thanh Hóa… nhằm tận dụng các ưu thế về về khí hậu và địa hình.

tm-img-alt
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhận định, trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ về kinh tế, đặc biệt du lịch tăng trưởng mạnh (đạt 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 16,2%, đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á) nên hầu hết các thành phố ven biển Việt Nam đều phát triển loại hình khách sạn, nghỉ dưỡng, đặc biệt là Condotel, các tỉnh miền núi đồng bằng đẩy mạnh mô hình du lịch trải nghiệm kết hợp ứng dụng công nghệ mới…

Bên cạnh các mặt tích cực như góp phần phát triển, hiện đại hóa hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra kênh đầu tư nhiều tiềm năng thì sự phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát của các dự án này cũng đã để lại nhiều hệ lụy đối với môi trường và cảnh quan tự nhiên.

tm-img-alt
Dự án khu du lịch đảo Hòn Tằm tự ý san lấp biển, cải tạo mặt bằng để xây dựng. (Ảnh: Báo Tiền Phong)

Tại nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi được thiên nhiên ưu đãi có bờ biển, cảnh quan thiên nhiên đẹp, địa điểm du lịch nổi tiếng thì các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, cơ sở lưu trú mọc lên khắp nơi, nhiều khi phá vỡ cả quy hoạch, xâm hại nghiêm trọng đến môi trường, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, trong đó có không ít những danh lam, thắng cảnh, di sản thiên nhiên quý giá của đất nước cũng đã bị xâm lấn, hủy hoại nghiêm trọng.

Điển hình như Công ty Cổ phần Hòn Tằm biển Nha Trang, chủ đầu tư Dự án Khu du lịch đảo Hòn Tằm, thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lấn chiếm đất nông nghiệp, tự ý sử dụng đất, san ủi mặt bằng với diện tích hơn 2.300 m2 đất để thi công công trình khi chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định.

Ngoài ra, công ty này đã có hành vi hủy hoại hơn 400 m2 đất, san lấp làm biến dạng địa hình phần tiếp giáp với danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang. Với các sai phạm trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang tổng cộng 117 triệu đồng. Riêng đối với diện tích 172 m2 đất nằm ngoài ranh giới của dự án bị làm biến dạng địa hình phần tiếp giáp với danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa buộc chủ đầu tư phải hoàn trả nguyên trạng.

Đáng chú ý, trước đó, UBND TP Nha Trang đã xử phạt 40 triệu đồng đối với công ty này về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Sở Xây dựng tỉnh này cho rằng, hành vi tự ý san ủi mặt bằng, đầu tư xây dựng công trình kiên cố (kể cả trong và ngoài phạm vi dự án) khi chưa có giấy phép xây dựng là vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường và xây dựng…

Còn nhớ vụ việc Dự án khu nghỉ dưỡng Cereja Hotel & Resort Đà Lạt (tiêu chuẩn 4 sao, quy mô 30ha) do Công ty Cổ phần Thiên Nhân làm chủ đầu tư có hành vi phá rừng trái phép và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất phòng hộ, vi phạm trật tự xây dựng, xâm lấn vùng bảo vệ số I - Di tích thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm, cũng khiến dư luận bức xúc.

Không chạy theo lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường

Trao đổi với PV Kinh tế Môi trường, Thạc sĩ - Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên có thể là những thiếu sót, bất hợp lý trong công tác quy hoạch, những sai phạm trong công tác phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, hoặc những hành vi phạm pháp luật của các chủ đầu khi thực hiện dự án, xây dựng không đúng nội dung giấy phép, thậm chí là cố ý lấn chiếm đất trái phép, hủy hoại môi trường, cảnh quan thiên nhiên trái phép.

tm-img-alt
ThS - Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH TGS.

Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương còn buông lỏng quản lý, thiếu sự kiểm tra, giám sát dẫn đến các hành vi vi phạm ngang nhiên mà không kịp thời bị ngăn chặn và xử lý. Nhiều địa phương vì mục tiêu phát triển du lịch, thu hút các dự án mà nóng vội, thiếu chặt chẽ trong việc cấp phép đầu tư, xây dựng, không đánh giá đúng những tác động tiêu cực của các dự án đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái.

“Do đó, vấn đề đầu tiên mà chúng ta phải thực hiện là phải chỉnh đốn, tăng cường hiệu quả của công tác quản lý, giám sát và trách nhiệm thực hiện công vụ của các cơ quan chức năng tại các địa phương; kiểm tra và rà soát, tổng kết lại toàn bộ các khâu từ việc lập và thực hiện quy hoạch, cho đến việc cấp phép đầu tư, xây dựng, cũng như quá trình thực hiện dự án của các chủ đầu tư, kịp thời phát hiện những bất cập, thiếu sót và sai phạm và có biện pháp xử lý phù hợp”, Luật sư Hùng nói.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng phải nghiên cứu và hoàn thiện hơn nữa những quy định của pháp luật, khắc phục những lỗ hổng, những nội dung còn có thiết sót, không để các doanh nghiệp hoặc bất kỳ cá nhân, tổ chức nào lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, để thực hiện các hành vi xâm hại đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên của đất nước. 

Ngoài ra, pháp luật cần có những chế tài nghiêm khắc hơn đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm, các hành vi phạm cũng phải kịp thời bị phát hiện và xử lý nghiêm minh, để tăng cường tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Các địa phương cũng cần coi trọng hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, sự phát triển mang tính bền vững, không thể vì chạy theo lợi ích kinh tế mà đánh đổi, chấp nhận việc môi trường và cảnh quan tự nhiên bị xâm hại, tàn phá. Việc phát triển hạ tầng du lịch và bảo vệ môi trường, bảo tồn cảnh quan tự nhiên phải là hai nhiệm vụ song song, có tính chất tương hỗ, không phải mang tính loại trừ lẫn nhau. 

Cẩm Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường