Greta bày tỏ sự thất vọng của cô về sự dửng dưng của giới lãnh đạo. Ảnh: The Atlantic |
Là một trong những gương mặt nổi bật nhất đại diện cho giới trẻ trong phong trào hoạt động vì môi trường, Greta Thunberg lên tiếng: “Tôi không nên đứng đây. Tôi nên quay trở lại trường học ở bên kia bờ đại dương“.
Thế nhưng nữ sinh 16 tuổi buộc phải lên tiếng bày tỏ sự thất vọng của cô về sự dửng dưng của các nhà lãnh đạo thế giới trước những hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu.
"Các vị đã lấy cắp giấc mơ và tuổi thơ của tôi bằng những ngôn từ sáo rỗng. Mọi người đang chịu đựng, đang chết dần, toàn bộ hệ sinh thái đang sụp đổ. Chúng ta đang bắt đầu một sự tuyệt chủng trên diện rộng và tất cả những gì các ngài có thể nói về chỉ là tiền bạc và viễn cảnh tăng trưởng kinh tế vĩnh viễn“, Thunberg phát biểu.
Theo những thống kê mới nhất của đội ngũ khoa học khí hậu Liên Hiệp Quốc, tốc độ tuyệt chủng loài trên thế giới đang ở mức 200 loài mỗi ngày. Nói cách khác, cứ mỗi ngày trôi qua thì hơn 200 loài sẽ không còn tồn tại trên Trái đất.
“Hơn 30 năm nay, khoa học đã chỉ ra rất rõ (về việc biến đổi khí hậu). Sao các vị dám làm ngơ nó? Rồi các vị đến đây, dám nói rằng các vị đang làm hết sức có thể. Các vị dám nói rằng các vị lắng nghe chúng tôi, rằng các vị hiểu đây là vấn đề cấp bách. Nhưng các vị biết tại sao tôi vẫn rất giận dữ không?” - cô gái 16 tuổi người Thuỵ Điển dũng cảm đặt câu hỏi.
"Các ngài đang không làm tròn nhiệm vụ", Thunberg nói. "Nhưng giới trẻ đang bắt đầu hiểu được sự phản bội của các ngài… Toàn bộ các thế hệ tương lai đang dõi theo các ngài. Và nếu các ngài chọn làm cho chúng tôi thất vọng, chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ", nhà hoạt động người Thụy Điển tuyên bố.
Trong khi đó, một video ghi lại khoảnh khắc Thunberg nhìn thấy Tổng thống Trump tại hội nghị thượng đỉnh đã gây sốt mạng xã hội. Nhiều người cho rằng phản ứng của nhà hoạt động thể hiện sự bất mãn và giận dữ của cô với nhà lãnh đạo Mỹ cũng như lập trường của ông về thay đổi khí hậu.
Máy quay tình cờ bắt gặp ánh mắt của Greta khi cô nhìn thấy Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Sky News. |
Cuộc họp về biến đổi khí hậu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ có sự tham gia của lãnh đạo 60 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Tổng thống Brazil Jail Bolsonaro, hai quốc gia gánh chịu cháy rừng nghiêm trọng thời gian qua, không có mặt.
Trước thềm hội nghị, các nhà khoa học cảnh báo các dấu hiệu cũng như tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu đang ngày càng rõ rệt. Tổ chức Địa chất thế giới cho biết lượng khí thải CO2 thải vào bầu khí quyển đã tăng 20% trong giai đoạn 2015-2019 so với 5 năm trước đó.
Mục tiêu được đề ra của hội nghị là đẩy nhanh việc cắt giảm khí thải công nghiệp nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Theo báo cáo gần đây nhất của Liên Hiệp Quốc, Trái đất sẽ nóng lên tầm 3-4 độ C trong 50-80 năm tới nếu tiếp tục phát triển công nghiệp với tốc độ như hiện nay.
Biểu tình chống biến đổi khí hậu tại Melbourne, Australia. Ảnh: Getty Images |
Nhà hoạt động môi trường Isabel Cavelier chia sẻ sau hội thảo: “Trung Quốc vẫn từ chối hành động. Ấn Độ vẫn giữ những cam kết cũ. Mỹ, Canada và Úc thì không có mặt. Chúng ta đang nhìn thấy viễn cảnh những cường quốc tiếp tục làm ngơ về những hậu quả của biến đổi khí hậu đúng như lời Greta nói”.
Tuy nhiên, ngay sau hội thảo, một nhóm 90 tập đoàn lớn trên thế giới cùng cam kết sẽ theo đuổi mục tiêu “không khí thải” từ nay đến 2050. Một số các quốc gia khác cũng cam kết hạn chế việc sử dụng khí đốt, năng lượng than.