Nước sinh hoạt bốc mùi ở Hà Nội: Bao giờ dân có 'nước sạch' thực sự?
20/10/2019 07:47
Mọi việc đang dần được sáng rõ. Nhưng câu hỏi cần trả lời nhất hiện nay là khi nào người dân có "nước sạch" đúng nghĩa để ổn định cuộc sống.
|
Sự việc bắt đầu cách đây hơn 10 ngày khi nhiều người dân thủ đô phát hiện nguồn nước sạch không đảm bảo, đục ngầu và có mùi khét. Họ phải tự xoay sở tìm cách cứu lấy mình mà không có sự cảnh báo nào của TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan. |
|
Đến khi người dân có kiến nghị thì phải rất lâu sau, thì mới thấy sự vào cuộc “lác đác” của các cơ quan liên quan. Vào chiều 12/10, sau gần 1 tuần xảy ra sự cố, đoàn liên ngành thành phố Hà Nội gồm Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố và các đơn vị cung cấp nước sạch sông Đà mới có động thái đi kiểm tra, lấy mẫu về để xét nghiệm. |
|
Đến sáng 14/10, sau gần 1 tuần ngày xảy ra sự cố, Viwasupco mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9 - 11/10/2019. Văn bản này thừa nhận vào 12h00 ngày 9/10/2019, thời tiết khu vực mưa, nhân viên bảo vệ đi vớt rong rêu phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng dầu chưa rõ nguyên nhân. Bảo vệ đã báo cáo lên lãnh đạo công ty cho hướng xử lý. |
|
Ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty CP nước sạch sông Đà cũng thừa nhận, ngày 9/10, bộ phận vớt rong rêu phát hiện vết dầu loang trên hồ. Công ty đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên và thuê cả người bên ngoài làm vệ sinh; đồng thời dùng phao chuyên dụng quây cách ly không cho dầu lan vào khu bể ngăn lấy nước và vớt toàn bộ dầu loang. |
|
Đến chiều 15/10, UBND thành phố Hà Nội mới họp thông tin, kết quả mẫu nguồn nước sạch sông Đà. Theo đó, các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) từ 1,3 đến 3,65 lần. UBND thành phố khuyến cáo, khi chưa súc xả, thau toàn bộ hệ, thống đường dẫn, bể chứa… người dân chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống mà nên tạm thời dùng nước chai, bình do các đơn vị khác cung cấp. |
|
Sau đó, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo cung cấp nước sạch miễn phí cho người dân. Ở nhiều khu chung cư, người dân chờ đợi thâu đêm hoặc nghỉ làm để “xin” nước sạch từ xe téc. |
|
Nhưng khi đưa được nước về nhà, họ lại phải đổ đi vì nước có mùi tanh, váng đục, còn bẩn hơn cả “nước bẩn” được khuyến cáo không dùng. (Ảnh: Kênh 14) |
|
Ông Trần Ngọc Hưng - Giám đốc Nhà máy nước Pháp Vân thừa nhận xe chở nước sạch miễn phí đến các khu dân cư là xe téc chở·nước tưới cây xanh, bồn chứa nước sạch của xe có nhiều cặn đen, váng dầu và bụi bẩn nên nước có mùi hôi tanh. (Ảnh: Kênh 14) |
|
Ngày 16/10, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) thông báo cắt nước và không hẹn ngày cấp lại. Nhiều cư dân rơi vào cảnh bị động, không có giọt nước nào để dùng. |
|
Đêm 16/10, Công ty này cấp nước trở lại nhưng khuyến cáo “chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt”. |
|
Ngày 16/10/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ/CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ Luật Hình sự. |
|
Ngày 17/10, tại cuộc họp báo của UBND tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Đăng Khoa - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà không những không có lời xin lỗi đến người dân mà còn cho rằng "Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất". |
|
Ngày 17/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám để điều tra; tạm giữ xe ô tô 4 chỗ ngồi biển kiểm soát 89A-137.66. Đồng thời, tiếp tục xác minh truy bắt đối tượng Lý Đình Vũ và thu giữ các phương tiện, vật chứng có liên quan đến vụ án. Trong ảnh: Hai đối tượng Thám và Đại (từ trái sang phải) tại cơ quan công an. |
|
Cùng với việc xác minh làm rõ các đối tượng có hành vi xả chất thải, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đang phối hợp các đơn vị chức năng Bộ Công an xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan việc xử lý nguồn nước ô nhiễm cung cấp cho TP. Hà Nội. Tập trung xác minh truy bắt đối tượng Lý Đình Vũ và các đối tượng liên quan; thu giữ xe ô tô tải biển kiểm soát 99C- 087. 83; tổ chức truy xét nguồn chất thải. Trong ảnh: Chiếc ô tô dùng để chở dầu thải là tang vật của vụ án đã bị công an tỉnh Hòa Bình tạm giữ để phục vụ điều tra. |
|
Qua điều tra, truy xét, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình xác định được hai xe ô tô nghi vấn liên quan việc xả chất thải gồm ô tô tải biển kiểm soát 99C-087. 83 thuộc Công ty TNHH TM và vận tải du lịch Minh Phương, có địa chỉ tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, trong lĩnh vực kinh doanh của Công ty được thu gom chất thải không nguy hại; xe ô tô 4 chỗ ngồi biển kiểm soát 89A-137. 66, chủ phương tiện là Nguyễn Văn Quyền, có địa chỉ tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Trong ảnh: Bên trong cơ sở tái chế, nơi phát hiện chiếc xe tải đã đổ trộm chất thải gây ô nhiễm nước sạch Sông Đà. (Ảnh: Giao thông). |
|
Cảnh sát cũng xác định được 3 đối tượng nghi vấn tổ chức thực hiện hành vi xả chất thải gây ô nhiễm môi trường nêu trên, gồm: Lý Đình Vũ, sinh năm 1982 và Nguyễn Chương Đại, sinh năm 1994, cả hai cùng trú xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và Hoàng Văn Thám, sinh năm 1986, trú xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Vnexpress) |
|
Mọi việc đang dần được sáng rõ. Nhưng điều người dân cần là chính quyền và các cơ quan liên quan trả lời câu hỏi: Khi nào họ có nước sạch đúng nghĩa để ổn định cuộc sống? (Ảnh: Vietnamplus). |