Ô nhiễm không khí lan rộng khắp Bắc Bộ, Thái Bình, Bắc Ninh chạm ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng

Sáng 21/9, chất lượng không khí tại nhiều điểm đo ở đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục ở ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng, vượt qua Hà Nội.
'Môi trường bị ô nhiễm bởi chất độc hại khác, không phải thủy ngân'Bệnh nhân nhập viện phổi tăng cao liên quan đến chất lượng không khí?Không khí ô nhiễm nghiêm trọng tại Hà Nội là do hiện tượng nghịch nhiệt

Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Bình đứng đầu bảng không khí ô nhiễm nhất Bắc Bộ

o nhiem khong khi lan rong khap bac bo thai binh bac ninh cham nguong o nhiem nghiem trong
Chỉ số ô nhiễm của nhiều tỉnh ở miền Bắc lúc 6h sáng 21/9 cho kết quả còn cao hơn ở Hà Nội. Ảnh chụp màn hình.

Sau một vài ngày được cải thiện, sáng nay (21/9) chất lượng không khí ở Hà Nội lại quay trở lại ngưỡng kém với nhiều nơi có chỉ số AQI phổ biến từ 100-150. Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Việt Nam, AQI từ 100-200 thuộc nhóm kém, những người mắc bệnh nhạy cảm như hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là chất lượng không khí tại nhiều điểm đo ở đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục ở ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng, vượt qua Hà Nội. Theo ghi nhận của hệ thống PAMAir, ngay từ 6h sáng ngày 21/9, nhiều điểm đo đã đỏ rực (ngưỡng AQI từ 150 trở lên).

Cụ thể, vào thời điểm 6h50 sáng nay (21/9), chỉ số AQI điểm đo ở Đồng Phúc (Châu Khê - Bắc Ninh) lên tới 177; tại Vân Giang (TP. Ninh Bình) là 165; tại Trường Chinh (TP. Phủ Lý, Hà Nam) là 162 và tại Hoàng Diệu (TP. Thái Bình) là 156.

Trước đó, vào lúc 8h20 sáng 20/9, chỉ số AQI điểm đo ở Thái Thụy (Thái Bình) ở mức 173, ở thành phố Thái Bình lên 167, ở Đông Hưng (Thái Bình) là 165, ở Kiến An (Hải Phòng) là 168, ở Hải An (Hải Phòng) là 155, thành phố Bắc Ninh là 155.

Theo bảng phân cấp AQI của Mỹ, chỉ số AQI từ 150-200, mọi người có thể bắt gặp một số vấn đề về sức khỏe, người nhạy cảm có thể gặp tác động nghiêm trọng hơn. Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Úc, AQI trên 150 thuộc nhóm rất kém, tất cả mọi người chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên nhân khiến các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có thời điểm ô nhiễm hơn Hà Nội là do đốt rơm rạ. Vì vậy, thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng thường tập trung vào buổi sáng và chiều tối, trùng thời điểm người dân hay đốt rơm rạ.

Trước đó vào tháng 6/2019, hệ thống quan trắc PAMAir cũng ghi nhận nhiều thông tin bất ngờ, như các huyện ven đô còn ô nhiễm hơn nội thành, nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ô nhiễm hơn Hà Nội. Thời điểm này trùng với thời điểm sau vụ gặt ở miền Bắc. Người dân đốt rơm rạ dẫn đến ô nhiễm.

o nhiem khong khi lan rong khap bac bo thai binh bac ninh cham nguong o nhiem nghiem trong
Việc đốt rơm rạ phát thải vào không khí nhiều chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM 2.5.

Khói rơm rạ - “sát thủ" không khí

Theo Tiền Phong, báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí ghi nhận, việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết có thể tạo ra Aldehyde và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Chỉ riêng tỉnh Thái Bình, theo tính toán của Đại học Quốc gia Hà Nội, lượng khí CO2 phát ra từ đốt rơm rạ lên tới 738,8 nghìn tấn/ năm, lượng CO thải ra môi trường lên tới 58,3 nghìn tấn.

Các nghiên cứu quốc tế và trong nước chỉ ra, việc đốt rơm rạ tạo ra lượng lớn bụi mịn PM2.5- vốn được coi là sát thủ trong không khí. Bụi PM­2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người, được sát thủ nguy hiểm nhất trong không khí bởi khả năng len lỏi sâu vào các cơ quan trong cơ thể, gây ra hàng loạt các căn bệnh về hô hấp, tim mạch.

Không chỉ gây ra bụi mịn, việc đốt rơm rạ còn gây ra nhiều khí độc khác dẫn đến làm gia tăng hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu.

Riêng tại Việt Nam, đốt rơm rạ còn góp phần gây ra hiện tượng sương mù quang hóa, một loại ô nhiễm không khí đặc biệt do sự tương tác giữa bức xạ tia cực tím của Mặt trời với khí thải từ động cơ xe máy, khí thải công nghiệp, khói từ cháy rừng, đốt nương rẫy theo mùa vụ.

Hiện tượng sương mù quang hóa đã xuất hiện những năm gần đây, biểu hiện rõ vào các tháng mùa hè khi thời tiết khô nóng. Hiện tượng này đặc biệt rõ nét ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM do sự cộng hưởng nhiều nguồn ô nhiễm không khí.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây nên 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu của Việt Nam. Vấn đề sức khỏe thường gặp là những loại bệnh về đường hô hấp như viêm đường hô hấp cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, hen, các bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Cũng theo WHO, năm 2016, Việt Nam có khoảng 34.232 ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí. Trong đó có 11.189 ca đột quỵ; 3.845 ca viêm đường hô hấp dưới; 2.423 ca ung thư phổi, phế quản, khí quản; 10.741 ca thiếu máu tim cục bộ và 5.034 ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Liên Hợp Quốc từng công bố 10 sự thật về ô nhiễm không khí, về tác động của con người đối với ô nhiễm không khí và mối liên hệ của nó với biến đổi khí hậu. Theo đó, cứ mỗi một giờ đồng hồ là lại có 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, hay 13 người mỗi phút, gấp ba lần tổng số người tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm.

Ngọc Châu (t/h)
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường