Chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội có những thời điểm lên tới ngưỡng rất xấu. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN) |
Thông tin kết luận tại cuộc họp khẩn để tìm các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng không khí tại các đô thị lớn, diễn ra chiều 19/12, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết "buổi họp hôm nay chưa tìm được nguyên nhân chính, nhưng việc nhận diện nguồn gây ô nhiễm không khó".
Theo số liệu quan trắc chính thức của Trung ương và địa phương, mức độ ô nhiễm tập trung vào nhiều thời kỳ, trong từng giai đoạn. Đáng chú ý, có lúc ô nhiễm vượt ngưỡng, ảnh hưởng sức khoẻ con người - đây là điều mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như các bộ, ngành và người dân hết sức quan tâm.
Nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm
Đánh giá về tình trạng ô nhiễm thời gian vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Qua số liệu từ các trạm quan trắc ở thành phố Hà Nội, trạm quan trắc quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, và 2 trạm quan trắc của Đại sứ quán Pháp, từ năm 2013 đến 2019, các thành phần quan trắc, trừ bụi mịn thì các thông số khác như SO2, CO… cho thấy vẫn trong quy chuẩn cho phép.
Về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở hai thành phố lớn trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, buổi họp hôm nay chưa tìm được nguyên nhân chính, nhưng việc nhận diện nguồn gây ô nhiễm không khó.
Thứ nhất đó là phương tiện giao thông tăng cao, xả ra các chất ô nhiễm rất lớn. Theo thống kê, ở Hà Nội có khoảng 5,8 triệu xe máy, vài trăm nghìn ô tô. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, phương tiện giao thông cũng rất lớn với 7,5 triệu xe máy… đó là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất.
“Bên cạnh đó vấn đề nguyên liệu, trung tâm sản xuất lọc dầu ở hai thành phố này cũng cần phải xây dựng lộ trình phù hợp để không phát tán nguồn gây ô nhiễm. Bởi, quy chuẩn đối với ô tô, xe máy ở Việt Nam so với thế giới còn rất thấp”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ở Hà Nội hiện nay có hơn 1.000 công trình đang xây dựng, vỉa hè, đường xá thì bị đào xới. Thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy. Thực tế này đã biến hai thành phố này trở thành đại công trường, đó là tác nhân gây ô nhiễm rất lớn. Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh còn có hơn 900 nhà máy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công cũng gây ô nhiễm.
“Ở Hà Nội có một số nguyên nhân đặc thù khác, đó là vấn đề đốt rơm rạ. Đây là nguồn gây ô nhiễm theo mùa nhưng tác hại của nó là rất lớn. Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong”, ông Hà nói.
Theo vị tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường thì việc đốt rơm rạ, nhất là đốt rác thải nguy hại ở ngoại thành Hà Nội cũng đã khiến các chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong những tháng cuối năm tăng cao.
Còn liên quan đến nhận định ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên quan đến nguồn phát thải nhiệt điện từ Quảng Ninh về, ông Hà cho rằng “điều đó là chưa có cơ sở”. Thay vào đó, ông Hà khẳng định ô nhiễm không khí ở Hà Nội cần xác định là “ở ngay trong Hà Nội, chứ chưa nói ở đâu xa”.
"Hiện nay các nguồn sản xuất điện than, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những yêu cầu để đảm bảo đạt quy chuẩn, không để 'lọt'. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng hơn là phải thay đổi công nghệ và áp dụng theo đúng quy chuẩn", ông Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ tại cuộc họp. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Những giải pháp cấp bách
Trước thực trạng nêu trên, theo vị tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần phải thúc đẩy lô trình kiểm soát ô nhiễm không khí nhanh hơn so với các địa phương khác, nhất là áp dụng quy chuẩn đối với khí thải giao thông.
“Ngoài ra, hiện nay thế giới đang chuyển đổi sử dụng phương tiện bằng năng lượng tái tạo, vậy tại sao Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lại không đi đầu trong vấn đề này để lựa chọn các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường”, ông Hà nêu ý kiến và cho rằng cũng không nên dùng cơ chế cấm, mà nên quy định sử dụng xe cũ trong nội thành thì phải trả chi phí môi trường lớn hơn.
Mặt khác, ông Hà cho rằng cần phải có lộ trình quản lý đối với việc tái chế, kiểm soát một cách bài bản đối với phương tiện cơ giới, nhất là các xe ở ngoại thành vào mà không đảm bảo về môi trường.
Ngoài ra, nếu người dân phát hiện việc đổ trộm rác thải có thể chụp ảnh gửi lực lượng chức năng để phạt nguội như xử phạt vi phạm giao thông.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Luật Bảo vệ môi trường đang sửa đổi có lộ trình để xem xét tái cấu trúc lại một số ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch tạo ra ô nhiễm không khí, trong đó có bụi mịn.
Để đảm bảo vấn đề sức khỏe cho người dân, ông Hà kiến nghị trước mắt Hà Nội cần phải có trách nhiệm tập trung nguồn, bằng mọi phương pháp huy động ngân sách, huy động lực lượng để duy trì các hệ thống quan trắc tự động nhằm xác định chính xác về môi trường không khí và cung cấp thông tin mỗi ngày 2 lần để người dân nắm bắt được.
Nếu tình trạng chất lượng lượng không khí vượt quá quy chuẩn phải cho người dân ra đường phải thực hiện các biện pháp mà Bộ Y tế khuyến cáo.
Trước đó, mở đầu cuộc họp, lấy lý do phòng họp chật và để tạo không khí thoải mái cho các đại biểu phát biểu thẳng thắn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị báo chí chia sẻ, tác nghiệp trong 15 phút đầu, sau đó bộ sẽ cung cấp thông cáo về toàn bộ nội dung cuộc họp. Ông Hà cũng trình bày hạ tầng thông tin của Bộ chưa có hệ thống truyền âm thanh sang phòng họp khác để báo chí cùng theo dõi, vì vậy, đến phần kết luận cuộc họp, phóng viên mới được vào tác nghiệp trực tiếp. |