Chỉ số chất lượng không khí lúc 8h ngày 16/11 tại Hà Nội là 144, xấp xỉ ngưỡng đỏ, tại Việt Trì (Phú Thọ) là 156 (ngưỡng đỏ).
Đáng chú ý, nhiều điểm đo ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ còn ô nhiễm hơn Hà Nội như Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên.
Theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ, không khí lên ngưỡng đỏ bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe tất cả mọi người. Nhóm nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp bị tác động nghiêm trọng hơn.
Tổng cục Môi trường khuyến cáo, những ngày ô nhiễm này, người dân không nên tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ, đeo khẩu trang chống bụi mịn khi ra ngoài. Từ ngày 18/11, các tỉnh miền Bắc sẽ đón một đợt không khí lạnh mới, gây mưa rào và dông. Nhờ đó, chất lượng không khí có thể được cải thiện.
Đợt ô nhiễm không khí này được nhận định chỉ kéo dài khoảng 2 ngày cuối tuần. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ thứ Hai (18/11), các tỉnh miền Bắc sẽ đón một đợt không khí lạnh mới, gây mưa rào và dông. Nhờ đó, chất lượng không khí có thể được cải thiện.
Theo Tổng cục Môi trường, chất lượng không khí tại Hà Nội trong nửa đầu tháng 11 có xu thế xấu đi, đỉnh điểm là ngày 12/11, chất lượng không khí lên ngưỡng nguy hại, ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng nhất – nguy hiểm với sức khỏe, khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Nguyên nhân của ô nhiễm không khí ở Hà Nội là do cộng hưởng nhiều nguồn phát thải là giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rác, hút thuốc. Chất ô nhiễm từ các nguồn trên, trong điều kiện thời tiết nghịch nhiệt sẽ không khuếch tán được mà đọng lại sát mặt đất khiến không khí ô nhiễm nghiêm trọng.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí nặng hiện nay, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp quản lý, cải thiện môi trường không khí trên địa bàn. Đặc biệt, thành phố xác định lộ trình hỗ trợ người dân loại bỏ bếp than tổ ong đến hết năm 2020 và từ năm 2021 sẽ áp dụng hình thức xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong.
Cùng với đó, thành phố triển khai chiến dịch "Cánh đồng không đốt rơm rạ" nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng này vào năm 2020. Theo đó, nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền để người dân ký cam kết không đốt rơm rạ, sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Tuy nhiên, tình trạng đốt rơm rạ vẫn xảy ra, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Có thể thấy, những chủ trương này mặc dù nhận được sự đồng thuận của người dân nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng kịp thời để khắc phục diễn biến ngày càng xấu của chất lượng không khí.