Tài nguyên đất toàn cầu hiện đang bị suy thoái nghiêm trọng do xói mòn, rửa trôi, bạc màu, biến đổi khí hậu… Đáng chú ý nhất là hiện tượng nhiễm kim loại nặng độc hại gây ra bởi quá trình công nghiệp hóa. Ô nhiễm đất để lại những hậu quả nghiêm trọng mà con người chưa thể lường trước được.
Rác thải khó phân hủy khiến bề mặt đất bị ô nhiễm nặng nề. Ảnh minh họa. |
Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất được xác nhận là do nhiều yếu tố như: ô nhiễm do chất thải công nghiệp, do các hoạt động nông nghiệp và do tác động của các hoạt động sinh hoạt dân cư. Ngoài ra, ô nhiễm đất còn do nạn phá rừng, đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn...
Ô nhiễm đất đang ở mức báo động
Theo thống kê cho thấy, tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước là trên 33 triệu ha: Trong đó đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản chiếm 26,1 triệu ha; Đất sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp 3,7 triệu ha; 3,3 triệu ha còn lại là tổng diện tích đất chưa được đưa vào sử dụng.
Điểm đáng lưu ý là phần lớn số diện tích chưa được sử dụng đều đã và đang bị suy thoái, hoang mạc hóa hoặc bị mất giá trị sử dụng do không được khai thác hợp lý. Không ít diện tích đất thuộc quỹ đất sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng trước xu hướng gia tăng dân số và phát triển đô thị, công nghiệp.
Trên thực tế, dù đất được sử dụng cho mục đích nông nghiệp hay phi nông nghiệp thì đều bị ô nhiễm ở mức độ nhất định. Nếu như trong nông nghiệp, việc sử dụng không hợp lý lượng phân bón hóa học hoặc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đều có thể dẫn đến ô nhiễm nguồn đất, nước, không khí thì trong hoạt động công nghiệp, xây dựng và dân sinh, mức độ ô nhiễm nhiều khi còn đáng lo ngại hơn.
Ô nhiễm đất do sản xuất công nghiệp. Ảnh minh họa. |
Các hoạt động này không chỉ làm tồn đọng nhiều kim loại nặng khó phân hủy như chì, kẽm, đồng, cadimi… mà còn gây phát thải nhiều loại khí, phóng xạ nguy hiểm, các chất thải xây dựng độc hại như gạch, ngói, thủy tinh, ống nhựa, bê tông, đặc biệt là các chất gây ô nhiễm đất ở mức độ cao như chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, màu vẽ, công nghiệp sản xuất pin, thuộc da, công nghiệp sản xuất hóa chất.
Hiểm họa khôn lường
Ô nhiễm đất không chỉ tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe con người và động vật.
Đất ngày bị ô nhiễm, thoái hóa nghiêm trọng do hoạt động sản xuất của con người. Ảnh minh họa. |
Đất bị ô nhiễm trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc qua đường hô hấp do sự bốc hơi của chất gây ô nhiễm đất; các mối đe dọa tiềm tàng lớn hơn được đặt ra bởi sự xâm nhập của ô nhiễm đất vào tầng nước ngầm được sử dụng cho con người, đôi khi ở những khu vực dường như rất xa so với bất kỳ nguồn gây ô nhiễm rõ ràng trên mặt đất.
Ngoài ra, ô nhiễm đất còn ảnh hưởng đến sự phát triển hệ sinh thái. Chất gây ô nhiễm thường làm thay đổi quá trình chuyển hóa thực vật, gây giảm năng suất cây trồng. Đất bị ô nhiễm, cây cối kém phát triển nên việc bảo vệ đất tránh xói mòn bị hạn chế.
Ô nhiễm và suy thoái đất ngày càng phổ biến. Ảnh minh họa. |
Nhiều năm qua, nước ta đã nỗ lực ban hành nhiều chính sách bảo vệ môi trường đất thông qua các kế hoạch hành động và biện pháp phục hồi, xử lý. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện các chính sách này vẫn chưa cao do gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý và phân bổ nguồn tài chính.
Để thúc đẩy hoạt động xử lý ô nhiễm tại Việt Nam, chúng ta cần đầu tư hơn nữa nguồn kinh phí cho công tác này, đồng thời đẩy mạnh nhiệm vụ quản lý các điểm ô nhiễm tồn lưu trong đất và nhân rộng các mô hình xử lý ô nhiễm đất đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là ý thức của người dân cần được nâng cao. Vì thế, cần phải thực hiện các công tác truyền thông đại chúng, tuyên truyền và phổ biến cho người dân những kiến thức căn bản về môi trường để trên cơ sở đó họ có trách nhiệm hơn về hành động của mình trong việc bảo vệ môi trường đất.