Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm nguồn nước trên hầu hết các sông chính ở Việt Nam là do thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình còn hạn chế. Chỉ có một số thành phố lớn mới có hệ thống công trình thu gom, xử lý tập trung được một phần nhỏ, còn lại hầu hết nước thải từ các hộ dân đều xả trực tiếp vào hệ thống cống, rãnh, sông ngòi.
Tại các khu công nghiệp (KCN), cụm KCN và các nhà máy, xí nghiệp nhỏ lẻ, việc đầu tư và áp dụng công nghệ xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều KCN, cụm KCN không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc một số cơ sở sản xuất có xử lý nước thải nhưng không đạt quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, còn một lượng lớn nước thải công nghiệp từ các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, từ các hộ sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ gần như đều không được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước tiếp nhận.
Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, đã gây nhiều tác động tiêu cực tới chất lượng nguồn nước; môi trường nước bị ô nhiễm chất hữu cơ… Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về tài nguyên nước và môi trường đã làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước cả về mức độ lẫn quy mô.
PV: Theo ông, cần có giải pháp gì để quản lý và bảo vệ nguồn nước trong bối cảnh hiện nay?
Ông Châu Trần Vĩnh:
Sự cố tại Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà vừa qua là một bài học cảnh tỉnh về vấn đề bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt cho mọi người dân, nhất là tại các thành phố lớn.
Ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
Để quản lý tài nguyên nước nói chung và bảo vệ các nguồn nước cho các mục đích sử dụng khác nhau, thời gian qua, Bộ TN&MT đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định cụ thể nhằm hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời, triển khai thực hiện các quy định nhằm bảo vệ các nguồn nước. Trong đó, các văn bản đã ban hành và đang triển khai thực hiện có hiệu quả nhằm bảo vệ các nguồn nước như: Nghị định quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước (Nghị định số 43/2015/NĐ-CP) để tạo hành lang pháp lý bảo vệ nguồn nước nói chung.
Đối với việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, Bộ đã ban hành các Thông tư quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nhằm quy định cụ thể phạm vi bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho từng vùng, miền khác nhau; Thông tư quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân, theo đó, chất lượng nguồn nước là một trong những thông số bắt buộc phải giám sát trong quá trình khai thác.
Đồng thời, Bộ quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân thông qua công cụ Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, theo đó, các Giấy phép cấp cho các công trình khai thác, sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt có quy định rõ việc quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước trước khi vào hệ thống công trình để đảm bảo chất lượng nguồn nước đầu vào cấp cho công trình cấp nước sinh hoạt. Bộ đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, quy định áp dụng tiêu chuẩn cao nhất đối với việc xả nước thải vào nguồn nước có mục đích sử dụng cho sinh hoạt ngay từ khâu thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như việc cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
PV: Theo ông, nước ngầm và nước mặt hiện ô nhiễm đến mức độ nào? Những vấn đề gì cần thiết phải đưa vào khi sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước tới đây? Vấn đề bảo vệ môi trường nước cần được quy định như thế nào trong Luật để có chế tài đủ mạnh xử lý những hành vi vi phạm về tài nguyên nước xảy ra trên thực tế?
Ông Châu Trần Vĩnh:
Hầu hết, các sông chính ở Việt Nam đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, trong đó, ô nhiễm chủ yếu các vùng trung và hạ lưu; khu vực tập trung đông dân cư và các KCN hiện tượng ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm.
Hầu hết các sông chính ở Việt Nam đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau. Ảnh: MH |
Để quản lý tốt nguồn nước đảm bảo an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ chất lượng nguồn nước từ khâu khai thác đến việc bảo đảm xử lý nước thô thành nước sạch và khâu phân phối qua hệ thống đường ống đến từng hộ dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng người dân, đặc biệt, các đơn vị cung cấp nước sạch trong việc bảo vệ nguồn nước; theo dõi thường xuyên, quan trắc giám sát, chất lượng nguồn nước để kịp thời phát hiện những bất thường về chất lượng nước, cảnh báo và có các biện pháp cần thiết để ứng phó sự cố kịp thời.
Đồng thời, cần phải rà soát lại toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh cấp nước sinh hoạt.
Theo đánh giá của các Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 9.000 người chết vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; trên 100.000 trường hợp mắc ung thư mới phát hiện, một trong những nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Ngoài ra, ô nhiễm nguồn nước đang gây tổn thất lớn cho các ngành sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... |
Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, tới đây, Bộ TN&MT sẽ rà soát, sửa đổi Luật Tài nguyên nước để đáp ứng các yêu cầu về quản lý tài nguyên nước, đồng thời, hiện nay, Bộ đang rà soát, sửa đổi Nghị định số 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản để tăng cường chế tài trong xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!