Hiện nay, tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội, TP.HCM, nhiều nơi vẫn đang thiếu nước sạch sinh hoạt. Nguồn nước ngầm đang bị khai thác không thể kiểm soát. Ước tính, trung bình một người sử dụng khoảng 500 - 800 lít/ngày so với 60 - 150 lít/người/ngày ở các nước đang phát triển.
Theo đánh giá của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Hàng năm có khoảng hơn 100.000 trường hợp mắc ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Thống kê cho thấy, hiện tổng trữ lượng khai thác nước dưới đất trên toàn quốc đạt gần 30 triệu m3, tổng công suất của hơn 300 nhà máy khai thác nguồn nước này vào khoảng 1,47 triệu m3/ngày. Tuy nhiên, trên thực tế các nhà máy chỉ khai thác được 60 - 70% so với công suất thiết kế.
Vấn đề đáng báo động là nguồn nước dưới đất của Việt Nam đã và đang đối mặt với vấn đề xâm nhập mặn trên diện rộng, ô nhiễm vi sinh và ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng, do khoan nước dưới đất thiếu quy hoạch và không có kế hoạch bảo vệ nguồn nước.
Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động phát triển các ngành công nghiệp và nông nghiệp ở nước ta lớn và là nguyên nhân gây nên chất ô nhiễm trong nước ngầm. Nhiều nơi đã phát hiện dấu hiệu ô nhiễm Coliform vượt quy chuẩn cho phép từ hàng trăm đến hàng nghìn lần. Ở nhiều khu vực, nguồn nước dưới lòng đất cũng đã cho thấy dấu hiệu ô nhiễm phốt phát (P-PO4), mức độ ô nhiễm có xu hướng tăng theo thời gian.
Cụ thể, tại Hà Nội, số giếng khoan có hàm lượng P-PO4 cao hơn mức cho phép (0,4 mg/l) chiếm tới 71%. Còn tại khu vực Hà Giang, Tuyên Quang, hàm lượng sắt ở một số nơi cao vượt mức cho phép Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) thường trên 1 mg/l, có nơi đạt đến trên 15-20 mg/l, tập trung chủ yếu quanh các mỏ khai thác sunphua.
Chỉ nói riêng vùng lưu vực sông Cửu Long, kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất vào tháng 3/2021 của Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TN&MT cho thấy, diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 2 so với cùng thời điểm 1 năm trước, 5 năm trước, 10 năm trước và 20 năm trước có xu thế hạ.
Mực nước suy giảm được đánh giá là lớn nhất trong hai thập kỷ qua. Thêm thông tin ĐBSCL đang chìm dần khi mỗi năm sụt lún 1 cm, với tốc độ trung bình lên tới 5,7 cm/năm tại một số điểm với nguyên nhân chính là do khai thác nước ngầm quá mức.
Chưa kể đến, hệ thống nước ngầm ở những vùng ven biển còn có thể gặp phải hiện tượng xâm nhập mặn, thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của triều cường, nước biển dâng hoặc bởi các tác động khác của con người. Hiện tượng này là nguyên nhân chính khiến nguồn nước ngọt dưới đất ở vùng ĐBSCL sụt giảm mạnh trong nhiều năm nay.
Trong bối cảnh đó, Bộ TN&MT đang hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động cấp phép, khai thác, sử dụng nước và xả nước thải; đồng thời, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước...
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết: "Ngành TN&MT đang xây dựng quy hoạch tài nguyên nước cho cả nước, các lưu vực sông lớn và kế hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở các vùng khan hiếm nước và hải đảo; nghiên cứu, đề xuất giải pháp giữ nước cho khu vực ĐBSCL, miền Trung và Tây Nguyên.
Đồng thời, sớm đưa vào hoạt động 6 Ủy ban lưu vực sông nhằm hợp tác, đấu tranh bảo đảm quyền, lợi ích của Việt Nam đối với các nguồn nước liên quốc gia theo Công ước và thông lệ quốc tế".
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Hội Quy hoạch phát triển Ðô thị Việt Nam nhấn mạnh, muốn quản lý tốt nguồn nước, cần đồng thời tập trung giám sát và bảo vệ nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào nguồn nước cũng như khai thác sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý và từng bước giảm lưu lượng khai thác nước ngầm tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM và ở các đô thị vùng ÐBSCL…
Cụ thể hóa các giải pháp này, theo Ðiều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2030 dự kiến tổng lượng nhu cầu dùng nước của toàn thành phố đạt 2,882 triệu m3/ngày đêm và khoảng 3,633 triệu m3/ngày đêm vào năm 2050.