Phát huy hiệu quả giá trị di sản - Mục tiêu cốt lõi

Ngay từ khi thành lập - năm 2007, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu trong hoạt động sưu tầm, nghiên cứu và phát huy giá trị tài liệu hiện vật của các nhà khoa học.
2/3 các nhà khoa học khí hậu hàng đầu dự đoán Trái Đất sẽ ấm hơn ít nhất 3 độ CCần có chiến lược và kế hoạch phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, trí thứcCác nhà khoa học tìm biện pháp mới nghiên cứu sự sống ngoài hành tinh

Là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực thu thập, bảo quản tài liệu của các nhà khoa học Việt Nam, trong suốt hành trình 15 năm qua, ban lãnh đạo, cán bộ, nghiên cứu viên Trung tâm Di sản đã nỗ lực không ngừng nghỉ và gặt hái nhiều thành công, được giới khoa học và xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Với quan điểm xuyên suốt trong hoạt động tác nghiệp: tư liệu của mỗi cá nhân nhà khoa học thực sự là những bằng chứng, không chỉ về lịch sử, về sự nghiệp của một đời người, mà đó còn là sự hiện diện của những vấn đề lịch sử, văn hóa của đất nước, của dân tộc qua từng giai đoạn, nên Trung tâm Di sản đã kiên trì tiếp cận, đến nay đã đặt vấn đề nghiên cứu trên 3.000 nhà khoa học, hoặc gia đình nhà khoa học, theo đó là hàng triệu đầu tài liệu cùng nhiều hiện vật có giá trị được sưu tầm, bảo quản.

Phát huy hiệu quả giá trị di sản - Mục tiêu cốt lõi - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Đặc biệt hoạt động phát huy di sản - mục tiêu cốt lõi, được Trung tâm hết sức chú trọng và tích cực thực hiện với nhiều loại hình, như xuất bản ấn phẩm, website, trưng bày, triển lãm… đã thu hút công chúng và đặc biệt là tạo môi trường học tập, trải nghiệm cho thế hệ trẻ ở nước ta. Có thể kể đến bộ sách “Di sản ký ức của nhà khoa học” (8 tập), “Những câu chuyện hiện vật” (5 tập), “Người anh hùng thầm lặng - Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm”, “Hồ sơ những hạt giống bí mật”, “Muôn nẻo đường đến thành công”… và hàng chục trưng bày, triển lãm được thực hiện trong thời gian qua như: “Khát vọng học hỏi và sáng tạo”, “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”, “Chuyện nghề địa chất”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam”.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, câu chuyện di sản, phát huy di sản đã được nhiều bảo tàng, di tích và các trung tâm lưu trữ trong cả nước quan tâm, hướng đến mục tiêu đưa giá trị di sản đến gần hơn và hiệu quả hơn với công chúng, với xã hội. Đặc biệt thông qua một số cuộc trưng bày, triển lãm, hoạt động trình diễn, chúng ta nhìn thấy những điểm sáng thể hiện cách tiếp cận mới, nhiều ý tưởng, nội dung và giải pháp trưng bày mới đã được thực hiện. Đó là những tín hiệu đáng mừng.

Làm thế nào để thức tỉnh được nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản? Làm thế nào để tạo dựng được những trưng bày, những triển lãm hấp dẫn, được công chúng quan tâm? Những câu hỏi này là những băn khoăn chung của những người làm công tác bảo tàng, lưu trữ và quản lý các di tích và của chính Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Nhận thức được đây là vấn đề lớn nổi cộm cần tháo gỡ, để tìm những câu trả lời cho bài toán trên, việc trao đổi, giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm thành công từ mỗi cuộc triển lãm, trưng bày nói riêng, từng hoạt động trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung của các đơn vị, của đồng nghiệp trong và ngoài nước là rất quan trọng, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam có kế hoạch tổ chức trong năm 2023 một chuỗi tọa đàm, sự kiện về các vấn đề xoay quanh công tác bảo tàng, lưu trữ, và phát huy giá trị di sản. Chủ đề mỗi cuộc tọa đàm là những vấn đề cấp thiết và được Ban lãnh đạo Trung tâm Di sản cùng các đơn vị bạn, những nhà chuyên môn tham gia tọa đàm đề xuất. Đối tượng tham dự là những nhà quản lý, nhà khoa học, nhà chuyên môn thực sự quan tâm tới việc đổi mới hoạt động của bảo tàng, lưu trữ, hướng đến hiệu quả thực sự trong phát huy giá trị di sản, trong hoạt động văn hóa.

Cuộc Tọa đàm đầu tiên có chủ đề “Kinh nghiệm từ những cuộc trưng bày, triển lãm của Trung tâm lưu trữ”, sẽ được tổ chức vào ngày 1-3-2023, tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình). Cuộc toạ đàm này sẽ thảo luận, trao đổi về hiệu quả, thành công của một số trưng bày, triển lãm do Trung tâm lưu trữ thực hiện. Những kinh nghiệm từ xây dựng ý tưởng, hình thành kịch bản, từ những khó khăn, trở ngại phải vượt qua, đến việc phối kết hợp với nhà thiết kế, đồ họa… để tạo dựng được những trưng bày hiện đại, hấp dẫn sẽ là nội dung được cử tọa quan tâm. Trung tâm Di sản chúng tôi hy vọng, thông qua tọa đàm này sẽ tạo ra một không gian học thuật cởi mở, bổ ích để những người làm lưu trữ, bảo tàng, quản lý di tích trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và hành động trong lĩnh vực công tác của mình.

Đó là tinh thần học hỏi để phát triển, đúng như nhận định của PGS.TS Nguyễn Văn Huy: “Những trưng bày, triển lãm thành công thực sự sẽ là những điểm sáng mang lại hiệu quả trong phát huy giá trị di sản, trong hoạt động văn hóa. Những điểm sáng này cần tiếp tục tỏa sáng hơn nữa để tạo sức lan tỏa rộng rãi, càng rộng càng phát huy được tính tích cực của loại hình thiết chế văn hóa này”.

Mai Phi Nga

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam