Phát triển các khu kinh tế ven biển Bắc Trung bộ

Tại khu vực Bắc Trung Bộ, việc hình thành và phát triển các khu kinh tế biển nhằm tập trung phát triển các ngành mà khu vực có lợi thế, nhằm tạo đà phát triển các trung tâm kinh tế ven biển mạnh, tạo nên các hạt nhân tăng trưởng kinh tế cho địa phương.
Việt Nam hành động vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dươngLần đầu tiên Việt Nam công bố báo cáo về kinh tế biểnHoàn thiện chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững kinh tế biểnNhìn lại Kinh tế Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh đại dịch toàn cầu

Để các khu kinh tế biển (KKTB) Bắc Trung Bộ thực sự trở thành hạt nhân tăng trưởng kinh tế cho địa phương, vùng và tạo điểm nhấn trong liên kết vùng thì việc xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội đa mục tiêu, đồng bộ, nhất là tập trung phát triển mạng lưới giao thông liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các vùng biển và cảng biển của địa phương, vùng và liên vùng;

Hình thành hệ sinh thái biển bền vững về mặt kinh tế và tự nhiên, tạo ra những lợi thế chiến lược, kết nối các vùng biển từ Bắc đến Nam, giữa Đông và Tây, giữa kinh tế trong nước và quốc tế; phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư trong KKTB, nhất là các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật các khu kinh tế ven biển Bắc Trung bộ - Ảnh 1
Việc hình thành và phát triển các khu kinh tế biển là nhằm tập trung phát triển các ngành mà khu vực có lợi thế, nhằm tạo đà phát triển các trung tâm kinh tế ven biển mạnh. (Ảnh: minh họa)

Tạo đà phát triển các trung tâm kinh tế ven biển mạnh

Theo phân tích của cá nhà kinh tế, nhờ quá trình đầu tư, phát triển và hoàn thiện của cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội mà các địa phương Bắc Trung Bộ đã thu hút được nguồn vốn đầu tư rất lớn (ví dụ như Thanh Hóa đứng thứ ba toàn quốc về tổng vốn đăng ký đầu tư năm 2019), biến bất lợi thành lợi thế khi đầu tư phát triển các trung tâm điện gió với 08 nhà máy xây dựng tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Tuy vậy, nếu so sánh khu vực Bắc Trung Bộ với các vùng khác trong cả nước và ở các quốc gia lân cận, quy mô kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ còn khá khiêm tốn, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp, lại chưa thuận tiện trong giao lưu hàng hải quốc tế.

Mặc dù quá trình mở cửa nền kinh tế của Việt Nam thời gian qua đã tạo nhiều điều kiện mở rộng, giao thương với bên ngoài, nhưng kinh tế vùng vẫn chỉ phát triển ở mức trung bình, chưa phát huy tối đa lợi thế so sánh của vùng, chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) bởi nguyên nhân chủ yếu là các cảng biển, cảng sông pha biển của vùng Bắc Trung Bộ quy mô nhỏ, các ngành công nghiệp như: đóng tàu, vận tải quốc tế, logistics chưa phát triển, nếu không muốn nói là rất lạc hậu. Đặc biệt, các KKTB như:

Đông Nam Quảng Trị, Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên- Huế) có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, chưa thu hút được các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, có uy tín vào đầu tư, dẫn tới quá trình các KKTB này còn chậm so với quy hoạch ban đầu, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, hiệu quả không cao.

Vì vậy, việc tăng cường đầu tư có trọng điểm cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật các KKTB, thúc đẩy cách tiếp cận mới trong phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp là cần thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển của các KKTB, đạt được các mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Để tăng cường vai trò động lực, hạt nhân tăng trưởng của các KKTB, đòi hỏi cần phải xây dựng được hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội đa mục tiêu, đồng bộ, nhất là tập trung phát triển mạng lưới giao thông liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các vùng biển và cảng biển của địa phương, vùng và liên vùng; hình thành hệ sinh thái biển bền vững về mặt kinh tế và tự nhiên, tạo ra những lợi thế chiến lược, kết nối các vùng biển từ Bắc đến Nam, giữa Đông và Tây, giữa kinh tế trong nước và quốc tế.

Khi các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế nói chung, việc xem xét, đánh giá kết cấu hạ tầng kỹ thuật là yếu tố tiên quyết, được ưu tiên trong việc ra quyết định có đầu tư hay không. Việc khu kinh tế và các KKTB sở hữu cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại tạo ra có lợi thế to lớn giúp thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật hiện đại cho phép các doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong tiến hành xây dựng nhà máy, rút ngắn thời gian xây lắp và chạy thử. Từ đó, các nhà đầu tư có thể nhanh chóng tập trung vào hoạt động sản xuất, tăng tính khả thi cho dự án, giảm rủi ro cho dự án do rút ngắn được thời gian thực hiện (Arvind Panagariya, 2019).

Phát triển mạng lưới giao thông liên vùng

Việc đầu tư phát triển cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật là hoạt động trọng tâm, bao gồm các hoạt động chính:

Một là, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông trong và ngoài KKTB

Đầu tư xây dựng hệ thống giao thông trong và ngoài KKTB hay là việc hình thành các mạch máu kết nối nội bộ các phân khu của KKTB và kết nối KKTB với bên ngoài. Nhiệm vụ chính của hoạt động này là phát triển hệ thống giao thông nội vùng và ngoại vùng của KKTB, tạo nên các tuyến đường chính dọc, ngang trong liên khu đô thị - công nghiệp, nối các khu vực chức năng, gắn kết các khu đô thị với các cấu phần trong KKTB, phục vụ giao thông của KKTB, hình thành nên các bến, bãi, cầu cảng, các trạm trung chuyển, các nút giao thông chính.

Đồng thời, cần xây dựng các tuyến đường kết nối KKTB với bên ngoài, nhằm kết nối KKTB với các hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không… tạo điều kiện dễ dàng trong quá trình trao đổi nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ, du lịch và nhân công giữa KKTB với môi trường bên ngoài khu kinh tế.

Việc hình thành hệ thống giao thông trong và ngoài KKTB theo hướng đồng bộ, hiện đại, không chỉ giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian chờ đợi giữa các khâu sản xuất, đẩy nhanh vận chuyển sản phẩm, hàng hóa, thúc đẩy giao lưu, kết nối và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế trong và ngoài KKTB, mà còn mang lại lợi ích cho cơ quan quản lý nhà nước và dân cư trong các KKTB, giúp tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy KKTB cũng như tăng khả năng thụ hưởng của cư dân KKTB.

Hai là, đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp điện năng cho KKTB

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai trong xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội cho các KKTB là việc đầu tư xây dựng các trạm phát điện, xây dựng mạng lưới đường dây, truyền tải điện nhằm kết nối các trạm phát điện, cung cấp đầy đủ, kịp thời phục vụ nhu cầu sử dụng điện để sản xuất và sinh hoạt của các đối tượng sinh sống, làm việc trong KKTB.

Trong thời đại hiện nay, việc xây dựng hệ thống cung cấp điện năng được ví như việc cung cấp máu cho cơ thể, là nguồn lực thiết yếu phục vụ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phục vụ sinh hoạt cá nhân, hộ gia đình. Việc thiết kế công suất cho các trạm phát điện, truyền tải điện phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, triển vọng phát triển KKTB trong tương lai.

Ba là, đầu tư và phát triển hệ thống cấp thoát nước trong KKTB

Có thể nói, nhu cầu sử dụng nước sạch cũng là yêu cầu tất yếu của hoạt động sinh hoạt, sản xuất, tiêu dùng bên cạnh nhu cầu về điện năng. Đối với các KKTB, việc đầu tư, phát triển hệ thống cấp thoát nước là thành phần tất yếu tạo nên hạ tầng của KKTB.

Việc quản lý đầu tư và phát triển hệ thống cấp thoát nước trong KKTB không chỉ là xây dựng các nhà máy nước, xây dựng hệ thống dẫn nước phục vụ đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng nước cho hoạt động sản xuất, tiêu dùng; mà còn phải quản lý việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, quản lý việc xả thải ra môi trường.

Đặc biệt, khi các KKTB được xây dựng ven các bờ biển, việc thiếu kiểm soát mạng lưới cấp thoát nước có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường cả trong và ngoài KKTB, thậm chí gây ảnh hưởng tới sự bền vững của môi trường sinh thái, sinh kế của người dân vốn sống nhờ vào biển, đồng thời gây ảnh hưởng tới chất lượng sinh hoạt của người dân trong và ngoài KKTB.

Bốn là, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông

Trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay, thông tin được coi là lực lượng sản xuất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt khi thế giới đã tiến sâu vào Cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của thông tin không chỉ là đảm bảo tính kịp thời mà chất lượng của thông tin còn ảnh hưởng trực tiếp tới các quyết định sản xuất, lưu thông, tiêu dùng của các doanh nghiệp trong và ngoài KKTB.

Cùng với sự phổ biến của Internet kết nối vạn vật (IoT), việc sử dụng dữ liệu lớn (Big data) và chuỗi khối (Block chain) trong kết nối sản xuất giữa thành phần của chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), việc trao đổi thông tin trong nội bộ doanh nghiệp, giữa các chi nhánh của công ty đa quốc gia (MNC) và giữa các doanh nghiệp với nhau trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Việc đảm bảo băng thông, đường truyền tín hiệu viễn thông, Internet trở thành một lợi thế so sánh mềm của từng KKTB trong thu hút các nhà đầu tư từ các nền kinh tế phát triển hơn.

Nhiệm vụ xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông gồm: hình thành mạng lưới tổng đài vệ tinh, xây dựng mạng cáp quang, mở rộng dung lượng mạng cáp và tổng đài, xây dựng các mạng truyền dẫn thông tin và kết nối với bên ngoài; thiết lập các antten thu phát sóng, xây dựng các trạm BTS thu phát sóng, cung cấp các dịch vụ viễn thông (Internet băng thông rộng, 4G, truyền hình vệ tinh, truyền hình số, viễn thông di động…) phục vụ hoạt động cả doanh nghiệp và dân cư trong các KKTB.

Thông qua nghiên cứu thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật của chính quyền địa phương tại các KKTB khu vực Bắc Trung Bộ, từ đó chỉ ra hạn chế, nguyên nhân hạn chế và đề xuất giải pháp giúp chính quyền các tỉnh nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong các KKTB trong thời gian tới.

Bùi Hằng

Xem thêm

Liên kết