Người dân khu đô thị Hapulico (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) xếp hàng chờ nước sạch lúc nửa đêm. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN |
Sự cố của Nhà máy nước sông Đà mới đây gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các cấp chính quyền, cơ quan chức năng trong việc nghiêm túc xem xét lại quy trình kiểm soát, phòng ngừa những sự cố tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Ý kiến trên được các đại biểu đưa ra tại tọa đàm “An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý", do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam, Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) tổ chức ngày 23/10 tại Hà Nội.
Tại tọa đàm, phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam, nhấn mạnh thực tế cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và các đơn vị sản xuất nước sạch chưa thực sự quan tâm đến việc cấp nước an toàn, khi xảy ra sự cố còn lúng túng, đổ lỗi trách nhiệm.
Vấn đề pháp lý còn nhiều lỗ hổng trong việc tiến hành kiểm tra chất lượng nước, dễ dẫn tới khả năng mất kiểm soát. Sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà không chỉ là bài học cho thành phố Hà Nội, tỉnh Hòa Bình, mà là bài học chung cho các địa phương trong cả nước trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch.
Đề cập về trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành liên quan, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho rằng về chức năng quản lý nhà nước thì các văn bản quy phạm pháp luật quy định rất rõ.
Cụ thể là theo nội dung Nghị định 117, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp nước đô thị; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về cấp nước nông thôn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sẽ phải đảm bảo nguồn lực; Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các quy chuẩn.
Đối với bảo vệ nguồn nước, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Nhân dân các địa phương phải chịu trách nhiệm liên đới, còn doanh nghiệp cung cấp nước chịu trách nhiệm trực tiếp.
Bàn về an ninh nguồn nước, kỹ sư Trần Quang Hưng, chuyên gia cao cấp về nguồn nước, cho biế an ninh nguồn nước là đảm bảo sự trong sạch, phân phối nước từ đầu nguồn. Đối với Việt Nam, phần lớn các con sông lớn đều bắt nguồn từ nước ngoài, bởi vậy việc đảm bảo nguồn nước như thế nào để được trong sạch là trách nhiệm không chỉ của doanh nghiệp mà còn là của địa phương. Nói đến an ninh nguồn nước là nói đến sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các bộ, ngành chức năng.
Tại toạ đàm, các chuyên gia ngành nước đã nêu rõ quy trình cấp thoát nước an toàn ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Các luật sư cũng đã chỉ ra yếu tố pháp lý trong mối quan hệ giữa đơn vị cung cấp nước và người tiêu dùng; trách nhiệm của doanh nghiệp, của chính quyền, cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố...
Các đại biểu cũng nêu ra sự cần thiết phải phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà nước; cổ phần hóa nhằm huy động các nguồn lực phát triển ngành cấp nước; việc xây dựng chiến lược ứng phó, các biện pháp thay thế, xây dựng thêm các nguồn nước dự phòng để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt ổn định và chất lượng cho người dân.