Phụ nữ Khmer nói không với rác thải nhựa dùng một lần

Dùng giỏ nhựa thay túi ni-lon đã đóng góp tích cực trong việc xây dựng và hình thành ý thức tự giác bảo vệ môi trường.
Vi khuẩn ‘ăn nhựa’, giải pháp thần kỳ cho vấn đề rác thải nhựa toàn cầu?Hệ thống “bẫy” rác thải nhựa trên đại dương hoạt động thành côngNgành Y tế bắt tay giảm thiểu rác thải nhựa: Thiết lập lộ trình phù hợp

Việc các bà nội trợ, người dân tộc Khmer, tay xách theo giỏ nhựa để đựng thực phẩm, đồ dùng đã mua dù nhỏ và tưởng chừng đơn giản, nhưng đã và đang góp phần chung tay bảo vệ môi trường, nhất là hạn chế việc sử dụng túi ni-lon và rác thải nhựa nguy hại như hiện nay.

Sáng nào cũng vậy, chị Sơn Hồng Nhị, người dân tộc Khmer ở ấp Đào Viên, xã Thạnh Quới cũng xách theo một cái giỏ nhựa để đi chợ mua thực phẩm và các vật dụng thiết yếu cho gia đình. Chị Nhị cho biết, thói quen này đã được chị làm từ hơn một tháng nay, đặc biệt khi Hội phụ nữ địa phương phát động phong trào “Tổ Phụ nữ nói không với sản phẩm nhựa chỉ sử dụng một lần”. Chỉ cần một cái giỏ nhựa đơn giản, chị đã có thể đựng tất cả mọi thứ mà không cần phải dùng đến nhiều túi ni-lon như trước đây.

phu nu khmer noi khong voi rac thai nhua dung mot lan
Tặng giỏ xách và sọt rác cho chị em phụ nữ ở xã Thạnh Quới.

“Sử dụng nhiều túi ni-lon khi đi chợ sẽ ô nhiễm môi trường. Nếu chúng ta đốt thì cũng hít phải khí độc và gây bệnh cho mình. Sau khi được hội phụ nữ tuyên truyền, tôi đã hiểu và ý thức được nên chuyển qua sử dụng giỏ xách”, chị Nhị nói.

Nếu trước kia, mỗi lần đi chợ, các bà nội trợ phải mang về gần chục túi ni-lông đựng các loại rau, củ, quả, thịt, thậm chí có một vài loại thức ăn tươi sống còn được bọc trong hai ba lớp túi nilon, thì nay đã được thay thế chỉ bằng một giỏ nhựa. Giỏ nhựa này, có thể sử dụng lâu dài, chỉ cần rửa sạch sau mỗi lần đựng đồ.

“Phong trào Tổ Phụ nữ nói không với sản phẩm nhựa chỉ sử dụng một lần” tại xã Thạnh Quới được triển khai từ trung tuần tháng 9 vừa qua, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các hội viên phụ nữ tại địa phương.

phu nu khmer noi khong voi rac thai nhua dung mot lan
Các chị em được hướng dẫn phân loại rác thải.

Dùng giỏ nhựa thay túi ni-lon, việc làm tưởng chừng rất nhỏ, nhưng đóng góp tích cực trong việc xây dựng và hình thành ý thức tự giác bảo vệ môi trường, rất thiết thực đối với cuộc sống hàng ngày. Chị Thạch Thị Ngọc Quý, Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Ngọn, xã Thạnh Quới, cho biết: “Chúng tôi đã vận động để chị em trồng hoa trước nhà, hạn chế sử dụng túi ni-lon, thu gom rác, phân loại rác... Đồng thời, chị em ở nhà thu chai lọ, gây quỹ duy trì câu lạc bộ. Chúng tôi sẽ ở rộng thêm các hoạt động cho chị em trong ấp”.

Tại xã Thạnh Quới, chị em còn được tư vấn về cách phân các loại rác, đâu là rác vô cơ, đâu là rác hữu cơ. Những chai nhựa đã qua sử dụng không còn vứt bỏ khắp nơi mà được phân ra một nơi để bán lấy tiền gây quỹ phụ nữ tại địa phương.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thạnh Quới, bà Sơn Thị Ái Phương cho biết, “Phong trào Tổ Phụ nữ nói không với sản phẩm nhựa chỉ sử dụng một lần” ở xã có trên 100 thành viên, tập trung ở các ấp Đào Viên, ấp Ngọn và ấp Hòa Khanh. Đây là những ấp có đông bà con người dân tộc Khmer sinh sống. Mỗi gia đình hội viên được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 2 sọt đựng rác và 1 giỏ đi chợ. Trung bình, mỗi ngày chỉ cần hạn chế sử dụng 3-4 túi ni-lon, thì mỗi gia đình trong 1 năm cũng đã hạn chế sử dụng được cả ngàn túi ni-lon.

“Mô hình phòng chống rác thải nhựa sẽ được nhân rộng và lan tỏa hơn ở nhiều các ấp khác. Toàn xã thì có 12 ấp, kỳ vọng là mỗi thành viên thì sẽ tuyên truyền trước hết là trong gia đình, người thân, kế đến là những hàng xóm xung quanh để tạo ra một sức lan tỏa đối với mô hình”, bà Phương nói.

Theo VOV