Phụ nữ xách giỏ đi chợ để giảm rác thải tại Quảng Nam

Với việc hạn chế sử dụng túi nilon, phân loại rác để xử lý, Quảng Nam đã giảm được khoảng 40% lượng rác thải ra môi trường.
Ngành Y tế bắt tay giảm thiểu rác thải nhựa: Thiết lập lộ trình phù hợpCanada cam kết giảm khí thải carbon xuống bằng không vào 2050Quảng Nam 'giải cứu' hơn 17.000 khối rác thải sinh hoạt ùn ứ

Trước tình trạng rác thải ùn ức khắp nơi do người dân chặn xe chở rác vào bãi chôn lấp, những ngày qua, các cấp hội phụ nữ ở tỉnh Quảng Nam tích cực vận động chị em mang giỏ xách đi chợ thay vì sử dụng túi nilon. Phong trào lập tức thu hút đông đảo phụ nữ tham gia, góp phần giảm gánh nặng trong xử lý rác thải ở các địa phương.

Hơn 2 tháng kể từ khi bãi rác ở xã Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) không tiếp nhận rác do người dân địa phương ngăn cản xe chở rác vào bãi tập kết, hàng chục ngàn tấn rác ùn ứ khắp nơi. Tại xã biển Bình Minh, huyện Thăng Bình, rác thải trở thành nỗi ám ảnh đối với chính quyền và người dân địa phương.

Điểm trung chuyển rác ở huyện Thăng Bình không còn chỗ chứa.

Trung bình mỗi ngày, trên địa bàn xã Bình Minh phát sinh khoảng 3 tấn rác thải. Trong đó, phần lớn là rác thải khó phân hủy như đồ nhựa, túi nilon. Hiện, lượng rác ùn ứ tại các thôn lên đến hơn 200 tấn. Trong lúc chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để giảm lượng rác thải, các hội đoàn thể ở xã Bình Minh tích cực vào cuộc vận động chị em xách giỏ đi chợ mua đồ.

“Trước đây tôi đi chợ đem túi nilon về đến nhà đổ cá ra là tôi vứt, không thể bảo đảm được môi trường sạch sẽ. Bây giờ có túi xách tôi đi chợ mua đồ về dùng, khi đổ rau ra là tôi có thể dùng lại nhiều lần như vậy. Nếu như cấm sử dụng túi nilon là tôi hoan nghênh” - bà Đinh Thị Liễu ở Tổ 3, thôn Hòa Bình, xã Bình Minh nói.

Tuy nhiên, để thay đổi thói quen sử dụng túi nilon trong dân không phải dễ. Nhất là đối với những hộ gia đình ở xa chợ, đi chợ bằng xe máy hoặc xe đạp. Ông Lê Xuân Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng 1 lần được triển khai hằng năm nhưng số người ủng hộ không cao.

Cấp phát giỏ đi chợ cho người dân xã Bình Minh, huyện Thăng Bình.

UBND xã Bình Minh quyết định trích nguồn kinh phí khoảng 30 triệu đồng để mua 400 giỏ xách, 800 hộp đựng thực phẩm bằng nhựa dùng nhiều lần cấp phát cho người dân. Theo ông Lê Xuân Tới, UBND xã liên tục tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã kêu gọi người dân hưởng ứng, chung tay bảo vệ môi trường.

“Suy nghĩ của địa phương cố gắng trong giai đoạn này tác động đến người dân, cố gắng hạn chế 30% số lượng sử dụng bao nilon người dân đi chợ. Vì hiện nay trên địa bàn xã Bình Minh có khoảng hơn 200 tấn rác tồn dư, nếu giảm được 30% thì giảm được 60 tấn rác thải từ bao nilon. Nhân dân cũng có phần ý thức được việc này” - ông Tới cho biết.

Hiện trung bình mỗi ngày, lượng rác thải và chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hơn 1.120 tấn. Trong khi đó, năng lực thu gom, xử lý khoảng hơn một nửa. Hai đô thị lớn là thành phố Tam Kỳ và Hội An, tỉ lệ thu gom rác thải đạt từ 88 đến 95%, trong khi khu vực nông thôn và miền núi chỉ đạt 35 - 42%.

Từ đầu tháng 10 đến nay, hưởng ứng đợt phát động của UBND tỉnh Quảng Nam, nhiều địa phương ở các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Tiên Phước tích cực tuyên truyền người dân “xách giỏ đi chợ”. Xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên triển khai chương trình “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa chỉ dùng một lần” với sự tham gia của hàng trăm hội viên nông dân, phụ nữ. 270 chiếc túi xách thân thiện với môi trường cùng nhiều bộ hộp nhựa, 270 chiếc bình thủy tinh đựng nước uống được cấp phát đến người tiêu dùng.

Thị xã Điện Bàn phát tờ rơi tuyên truyền người dân về giảm thiểu rác thải nhựa, kêu gọi chị em tiểu thương, người dân địa phương sử dụng sách báo, lá chuối thay thế túi nilon khi ra chợ. Huyện Tiên Phước hướng dẫn người dân xử lý rác tại nguồn, để đúng nơi quy định tránh gây ô nhiễm. Cán bộ công chức làm gương, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm có thể tái chế, dùng giỏ xách để đi chợ, không mang túi nilon về nhà…

Bà Trương Thị Lộc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam cho biết: “Khi mà các địa phương chậm thu gom rác thì như huyện Tiên Phước hướng dẫn chị em phân loại rác tại nguồn. Rác có thể làm phân bón được thì đào hố để trồng cây xanh. Rác thải cứng không tiêu hủy được thì có thể sắp xếp ra sau vườn. Chai nhựa cái nào thu phế liệu được thì tận dụng. Phát động gắn thêm bây giờ mang túi đi chợ. Đặc biệt Hội An bây giờ thay thế túi gói quà bằng túi giấy hết rồi.”

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Quảng Nam cho biết, với cách làm như vừa qua đã giảm được khoảng 40% lượng rác thải ra môi trường.

Theo (VOV)