Phương án giảm thuế VAT mới: Nhiều lĩnh vực bị loại trừ, đề xuất giảm 2% từ tháng 7

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2%. Theo đó, các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản... không thuộc diện được giảm.
Có nên giảm thuế VAT 2% với lĩnh vực bất động sản, ngân hàng?Biến đổi khí hậu khiến nhiều loài sinh vật biển đứng trước nguy cơ tuyệt chủngNỗ lực bảo tồn và phục hồi các loài động vật hoang dãNgành xây dựng 'xanh' hơn với vật liệu bền vững

Tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tại tờ trình mới nhất, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 43) trong thời gian từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023.

Theo đó, Chính phủ đề nghị giảm 2% thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%, xuống còn 8% trong thời gian từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12 năm nay.

Đáng chú ý, điểm mới ở tờ trình này là Chính phủ quyết định không giảm thuế VAT 2% với tất cả hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 10% như trước đó.

Cụ thể, việc giảm thuế VAT sẽ không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây cũng là chính sách đã thực hiện trong năm 2022.

Phương án giảm thuế VAT mới: Nhiều lĩnh vực bị loại trừ, đề xuất giảm 2% từ tháng 7 - Ảnh 1
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2%.

Chính phủ ước tính, áp dụng giảm thuế này trong nửa cuối năm 2023, ngân sách giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng. Tức là so với phương án giảm thuế với tất cả hàng hóa, dịch vụ, mức giảm thu ngân sách là 35.000 tỷ đồng thì với phương án mới đề xuất, việc giảm thu ngân sách sẽ được hạn chế hơn.

"Mức giảm này là hợp lý trong bối cảnh thu ngân sách từ cuối năm 2022 đến nay có xu hướng giảm. Lũy kế thu quý I/2023 đạt 411.800 tỷ đồng, bằng gần 31% dự toán và tăng 5,4% so với cùng kỳ 2022.

Nhưng nếu trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 thì số thu ba tháng đầu năm nay giảm 6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, thu từ xuất nhập khẩu bằng gần 27% dự toán, giảm trên 16% so với cùng kỳ" - Chính phủ đánh giá.

Trước đó, ngày 16/5, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội họp thẩm tra, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo quy định tại Nghị quyết số 43 như đề nghị của Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho người dân và khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đang có những dấu hiệu suy giảm và các khu vực sản xuất, kinh doanh đang rất khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT trong thời điểm hiện nay, bởi còn băn khoăn về hiệu quả của chính sách, đồng thời, lo ngại về tác động giảm thu trong bối cảnh nhiệm vụ thu năm 2023 là rất khó khăn.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị có đánh giá tác động cụ thể các tác động dự kiến của chính sách đối với khả năng kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong nửa cuối năm 2023 như mục tiêu đặt ra.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2%, bên cạnh các giải pháp đã và đang thực hiện năm 2023 như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thu phí, lệ phí, là cần thiết, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.

Anh Thư

Xem thêm

Liên kết