Quảng Bình: Tặng bò cho người gần 100 tuổi nuôi để… thoát nghèo?

Nhiều cụ ông, bà cao tuổi tại xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bỗng dưng được tặng bò để thoát nghèo nhưng đáng nói là những trường hợp này có người đã gần 100 tuổi, không còn sức lao động, sống neo đơn. Việc tự chăm sóc cho bản thân đã khó nay được địa phương “quy hoạch” vào diện tặng bò dự án về tự nuôi để…thoát nghèo.
Lao đao nghề cá xa bờChủ tịch tỉnh Quảng Bình rà soát công tác thu gom, xử lý rác thảiQuảng Bình: 1.000 người xung phong tham gia chiến dịch Hãy làm sạch biển

Bán bò dự án vì không thể chăm sóc

Thời gian gần đây người dân tại xã Trường Thủy bức xúc về cách xét tặng bò cho những hộ nghèo tại địa phương này. Những hộ được nhận bò đều là các cụ sống neo đơn, sức khỏe yếu, việc tự chăm sóc cho bản thân đã khó chứ chưa nói gì đến việc nuôi bò của dự án để thoát nghèo.

quang binh tang bo cho nguoi gan 100 tuoi nuoi de thoat ngheo
Bà Nguyễn Thị Khế (sinh 1935) không còn sức lao động vẫn được tặng bò để thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Khế (sinh năm 1935, thôn Cồn Thi) sống một mình trong căn nhà nhỏ khoảng 30m2, dột nát chờ sập. Sức khỏe bà Khế rất yếu, chân bị đau, tai điếc nặng, mắt đã kém nên hằng ngày việc nấu từng bữa ăn cho bản thân cũng rất khó khăn. Nhưng đầu năm 2019, bà được người trên xã thông báo được tặng một con bò, nên phải nhờ người cháu họ bên xóm lên dắt về nhà.

“Tôi cũng không biết thế nào, chỉ nghe có người gọi ngoài cổng là mệ (bà) được tặng con bò, lên mà dắt về. Tôi đi không được nên nhờ người dắt về. Đưa bò về, không có chuồng nên tôi phải buộc ngoài vườn cây. Bò họ tặng cho tôi về không chịu ăn cây chuối, không gặm cỏ, nên phải nhờ người mua cám gạo trộn nước cho ăn. Giờ các cháu đứng gần rứa mệ cũng không nhìn thấy rõ, chân đau nữa làm sao mà chăn được bò. Sợ chết nên tôi phải gửi, thuê người chăm sóc và nuôi giúp. Được hai tháng, tôi bán con bò đó đi được 4 triệu đồng, rồi trả tiền công và tiền thức ăn nuôi bò hết 1,5 triệu”, bà Nguyễn Thị Khế cho biết.

quang binh tang bo cho nguoi gan 100 tuoi nuoi de thoat ngheo
Bà Trương Thị Lanh (sinh năm 1932- ngồi giữa) bắt ngờ khi được tặng bò.

Ngay sau khi phát hiện bà Khế bán bò, cán bộ xã Trường Thủy đã về và yêu cầu bà mua lại bò để tránh trường hợp các đoàn tổ chức huyện, tỉnh về kiểm tra. “Họ nói bò tặng thì phải nuôi được 36 tháng rồi mới được bán. Nhưng giờ tôi lo cho bản thân không nổi, sức đâu mà đi chăn bò được, nên tôi đã không mua lại. Mà mua cũng không có tiền mua và tiền thuê người chăm sóc nữa”. Vì không thể nuôi được bò nên bán đi, sau khi bán bò thì bà cũng bị cắt chế độ hộ nghèo, bà Khế cho hay.

Tương tự trường hợp bà Trương Thị Lanh (sinh năm 1932, thôn Hương Thi) sống một mình và cũng thuộc diện hộ nghèo của xã nhiều năm nay. Tháng 11/2018, bà Lanh được xã cho đi tập huấn về chăn nuôi bò, nhưng chân đau, mắt kém nên bà phải nhờ người cháu đi tập huấn thay. Đầu năm 2019, bà được tặng một con bò để thoát nghèo.

“Nhận bò về được một hôm, tôi phải gửi cho đứa con sống ở nơi khác nuôi chứ giờ sức đâu nữa mà chăn. Tôi ở một mình, già rồi nên sợ có việc gì xấu, nên tối lại có đứa cháu ngoại ở gần đến ngủ cùng. Bò không dám bán, mà nhờ con nuôi cũng phiền hà, giờ cứ đến đâu biết đến đó thôi”

quang binh tang bo cho nguoi gan 100 tuoi nuoi de thoat ngheo
Ông Lê Xuân Ký (áo trắng) có danh sách tặng bò nhưng không được nhận bò.

Oái ăm hơn là trường hợp của hộ ông Lê Xuân Ký (sinh năm 1915) nằm trong danh sách nhận bò và cũng được đi tập huấn công tác chăn nuôi bò trong giai đoạn này nhưng đến nay không được nhận bò. Theo ông Ký cho biết thì do gia đình ông đăng ký sửa chữa nhà nên bò đã được trao cho nhà khác, nhưng đến nay gia đình ông vẫn chưa được nhận tiền để sửa lại nhà.

Miễn cưỡng thực hiện theo chỉ đạo?

Trao đổi với PV, về việc tặng bò cho các cụ hết tuổi lao động, không có sức khỏe để chăm sóc, phát triển đàn bò đã gây nên dư luận trái chiều tại địa phương, ông Lê Ngọc Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Trường Thủy lý giải: “Dự án trao tặng bò ở địa phương là của tổ chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện, trong đó chia làm nhiều đợt. Do áp lực giảm nghèo mạnh, nên trong năm 2018, xã Trường Thủy còn 21 hộ thuộc diện hộ nghèo. Hầu hết các hộ nghèo là những gia đình người cao tuổi, sống neo đơn, nên các hộ này gọi là nghèo “vĩnh viễn”. Tuy nhiên, vừa rồi có mấy đợt trao tặng bò của UBMTTQ Việt Nam huyện Lệ Thủy triển khai, UBMTTQ xã đã báo cáo Đảng ủy và tổ chức cho các đối tượng được tặng bò đi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho nhiều đối tượng. Trong chỉ đạo bên UBMTTQ huyện, các đối tượng được tặng bò phải là các hộ nghèo, nên UBMTTQ xã đã căn cứ vào đó để xét và thực hiện”.

quang binh tang bo cho nguoi gan 100 tuoi nuoi de thoat ngheo
Ngôi nhà xập xệ của bà Nguyễn Thị Khế có thể sập bắt cứ lúc nào

Trong khi đó, ông Trương Tấn Châu, Chủ tịch UBMTTQ xã Trường Thủy cho biết: Từ năm 2017 đến nay có 3 đợt trao tặng bò trên xã với 12 con; trong đó năm 2017 tặng 2 con; tháng 6/2018 trao tặng 5 con, đầu năm 2019 mới thực hiện trao tặng 5 con (của đợt II năm 2018 chưa kịp thực hiện- PV). “Theo hướng dẫn của Ban thường trực UBMTTQ huyện Lệ Thủy, chủ trương phân bổ bổ sung số lượng bò giống sinh sản cho các hộ nghèo bị thiệt hại do lũ năm 2016 và vùng thường xuyên bị thiên tai để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017-2018 cho người dân. Các tiêu chuẩn hộ nghèo được trao bò giống là: Các hộ nghèo có trong danh sách được UBND huyện phê duyệt năm 2018; Phải có nhu cầu chăn nuôi và có lao động; Ưu tiên các hộ chưa có trâu, bò chưa được thụ hưởng hỗ trợ trâu, bò…”

quang binh tang bo cho nguoi gan 100 tuoi nuoi de thoat ngheo
Liệu việc xét trao tặng bò chính sách cho người dân đã thực hiện đúng và có hiệu quả?

Cũng theo Chủ tịch UBMTTQ xã Trường Thủy, bò về tặng hộ nghèo không có đối tượng nào khác ngoài 21 hộ trong danh sách cả. Sau khi họp bàn, xem xét các hộ dân để trao bò, đã mời các hộ dân đi tập huấn kỹ thuật. Tuy nhiên, các hộ nghèo ở địa phương lại rơi vào các gia đình già cả, không có sức lao động; nhưng đối tượng trao bò phải thực hiện đúng hướng dẫn của cấp trên nên xã “đành” phải miễn cưỡng thực hiện.

Việc xem xét lựa chọn tặng bò dự án cho những trường hợp không còn sức khỏe lao động khiến dự luận bức xúc, khó hiểu về cách làm của các tổ chức, trong khi đó chính quyền địa lại cho rằng phải thực hiện theo chỉ đạo?

Theo (TNMT)