Thủ tướng Đức Angela Merkel. Nguồn: phys.org. |
Ngày 20/12, Quốc hội Đức đã chính thức thông qua gói cải cách chống biến đổi khí hậu trên diện rộng, qua đó giúp giảm bớt sức ép ngày càng gia tăng mà Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải đối mặt trong việc thực hiện hành động bảo vệ môi trường.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, gói cải cách chống biến đổi khí hậu bao gồm kế hoạch giảm giá vé đường sắt và tăng thuế đi lại hàng không.
Gói này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, khép lại nhiều tháng tranh cãi giữa Chính phủ của Thủ tướng Merkel và đại diện chính quyền các bang ở Đức.
Trước đó cùng ngày, Thượng viện Đức cũng đã nhất trí thông qua gói cải cách khí hậu này sau khi các nghị sỹ đạt được sự đồng thuận về hệ thống định giá đối với khí thải carbon dioxide (CO2) hôm 16/12.
Chính phủ Đức đặt mục tiêu tới năm 2030 giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức khí thải năm 1990.
Mục tiêu này đã được nêu trong Chương trình Hành động khí hậu năm 2030 của Chính phủ Đức, phù hợp với các mục tiêu giảm khí thải của Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Mục tiêu dài hạn tham vọng hơn được Thủ tướng Merkel thông báo là vào năm 2050, Đức sẽ trở thành quốc gia hoàn toàn không thải khí carbon.
Chương trình Hành động khí hậu 2030 nêu rõ các mục tiêu đặt ra đồng nghĩa với một "sự thay đổi trong lối sống và cách làm kinh tế", đồng thời nhấn mạnh rằng việc ủng hộ quá trình chuyển sang năng lượng sạch và công nghệ ít thải khí sẽ tạo "cơ hội lớn cho Đức như một đất nước của kinh doanh, cải tiến và tạo công ăn việc làm".
Theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, gần 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đề ra mục tiêu giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ Trái Đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Để thực hiện được mục tiêu này, đặc biệt trong bối cảnh lượng khí thải thải vào khí quyển tiếp tục tăng lên, gây ra những cơn sóng nhiệt cũng như bão lũ như những năm gần đây, Liên hợp quốc khuyến khích các nước trên thế giới cần tiếp tục các nỗ lực của mình.