Nhằm giúp báo chí thực hiện tốt trọng trách này, bên cạnh năng lực, trình độ và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo, kỹ năng của nhà báo trong việc nhận diện thông tin (thật, giả) để đảm bảo nguồn thông tin đó có giá trị chân thực rất cần sự hợp tác cung cấp thông tin từ các cơ quan, đơn vị, cá nhân. Luật tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua (19/4/2016) tại kỳ họp thứ 11 đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Đây là một đạo luật có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc cụ thể hóa quyền con người trong Hiến pháp năm 2013, đó là "quyền được biết, quyền được thông tin" của dân, cho phép người dân chuyển từ tâm thế "thụ động nhận thông tin" sang quyền chủ động tiếp cận thông tin.
Hiện nay, các cơ quan báo chí, người làm báo cần chủ động là đơn vị, người đầu tiên đưa thông tin kịp thời các sự kiện của đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa ... đến nhân dân cả nước. Trong thời đại hiện nay, việc đưa tin qua mạng internet là phương thức đưa tin có sức lan tỏa lớn, thu hút được nhiều người đọc, nhanh chóng và tiện lợi. Do đó, Báo chí cần khai thác tốt kênh thông tin này, tránh chậm chân hơn mạng xã hội. Báo chí hiện nay thông tin kém kịp thời hơn so với mạng xã hội, điều này có thể dẫn đến những thông tin thật, giả lẫn lộn đã được chia sẻ tràn mạng xã hội, sau đó báo chí mới thông tin định hướng thì không phát huy thực sự vai trò của báo chí với đời sống xã hội.
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty luật TAT Lawfirm. |
Nhà báo, phóng viên muốn phát huy tốt được vai trò của mình, cần phân biệt rõ các nguồn thông tin được phép khai thác, thông tin có điều kiện hay thông tin bị cấm để hạn chế tai nạn nghề nghiệp và kịp thời xử lý. Một trong những nội dung để đảm bảo việc thu thập xử lý thông tin là quyền tác nghiệp của nhà báo. Theo quy định tại khoản 2, Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định nhà báo có các quyền: "Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí".
Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo, tuy trong Luật không quy định cụ thể, nhưng thực tế thì cơ quan báo chí có thể cấp giấy giới thiệu để phóng viên đi tác nghiệp. Việc không chấp nhận giấy giới thiệu hợp pháp, với mục đích tác nghiệp hợp pháp, là hành vi cản trở báo chí hoạt động. Vấn đề này đã được điều chỉnh bởi quy định tại khoản 12, Điều 9 Luật Báo chí, nghiêm cấm cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Đối với nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, cũng cần lưu ý những hạn chế về quyền của nhà báo tại phiên tòa như: khoản 8, khoản 9, Điều 9: Nghiêm cấm báo chí đưa tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em (những vụ án có người chưa thành niên phạm tội hoặc bị hại là trẻ em). Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã thông tin.
Để bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, Luật Báo chí 2016 đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên bảo vệ người cung cấp thông tin.
Đi đôi với quyền của nhà báo khi tác nghiệp là nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, theo khoản 2, Điều 38 Luật Báo chí 2016 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp: "Thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; Thông tin về vụ án đang điều tra hoặc chưa xét xử..". Cùng với quyền từ chối cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân là nghĩa vụ phải thực hiện của các nhà báo và sự cẩn trọng của nhà báo khi đăng hình ảnh của một cá nhân thì phải được sự đồng ý (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) trong hoạt động nghề nghiệp của mình.
Phóng viên tác nghiệp. Ảnh minh họa. |
Quy định này hoàn toàn không có sự mâu thuẫn hay cản trở đối với quyền tác nghiệp của nhà báo. Bởi vì quyền về bí mật đời tư, hình ảnh cá nhân là quyền nhân thân đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự 2015 và có tương thích với Luật Báo chí 2016 và Luật tiếp cận thông tin 2016.
Về thực trạng hiện nay, vẫn có một số nhà báo bị hành hung hoặc đe dọa hành hung trong quá trình tác nghiệp. Theo quy định hiện hành đã có hành lang pháp lý bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo mạnh mẽ không chỉ riêng Luật Báo chí mà còn có các quy định pháp luật liên quan như Bộ luật Dân sự 2015, Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017. Về cơ chế bảo vệ cho nhà báo, phóng viên để đảm bảo quyền tác nghiệp hiện nay đã có trong Luật Báo chí hiện hành như sau: "Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật".
Trên thực tế có một số trường hợp khi nhà báo bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp họ thường nhờ đồng nghiệp trước khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng. Khi có hành vi cản trở tác nghiệp báo chí, các nhà báo và cơ quan báo chí thông báo và đề nghị chính quyền địa phương giải quyết, thì cơ quan chức năng tại địa phương đó cần có phương án bảo vệ nhà báo, phóng viên kịp thời. Nhiều nhà báo chưa biết đến công cụ hành chính giải quyết vụ việc là Thanh tra ngành Thông tin và Truyền thông, hoặc có biết đến nhưng cho rằng lực lượng này còn mỏng, yếu trong khi yêu cầu bảo vệ nhà báo cần ngay tức khắc.
Trong giai đoạn hiện nay, báo chí truyền thống cần phải phát huy vai trò chủ đạo, tiên phong của mình không để cho những thông tin giả, thật giả lẫn lộn, thông tin thật nhưng được đưa tin trước báo chí và biên tập với chủ đích xấu trên mạng xã hội, internet lấn lướt ảnh hưởng đến người dùng. Báo chí ở thời kỳ nào cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, do đó ngoài việc giữ gìn truyền thống, báo chí cần có sự đổi mới, cập nhật xu hướng và định hướng dư luận trên các phương tiện khác nhau để đến gần với nguồn tiếp nhận thông tin. Mặt khác, báo chí muốn nêu cao vai trò của mình thì cần phải có tâm có tầm vì người viết có tâm thì người đọc mới tin yêu, có tầm để độc giả tôn trọng.
Báo chí định hướng thông tin là định hướng dư luận xã hội bằng thông tin và định hướng việc tiếp nhận thông tin cho công chúng. Đây là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của người làm báo. Bởi vì hàng ngày công chúng tiếp nhận khối lượng thông tin tràn ngập từ nhiều nguồn và có các thông tin chưa được kiểm chứng, nên có thể thấy rằng việc định hướng thông tin đối với công chúng là một nhu cầu khách quan và cần thiết.
Bên cạnh đó, cũng có thể thấy rằng công dân cũng có quyền cung cấp thông tin cho báo chí và công dân cũng thực hiện các quyền của mình là đưa các phát biểu, quan điểm cá nhân của mình phát biểu trên báo chí, vì đây cũng là diễn đàn của nhân dân. Công dân thực hiện quyền của mình và cũng đảm bảo nghĩa vụ của mình. Do đó, trên thực tế khi cơ quan báo chí tác nghiệp lấy thông tin thì công dân không nên thực hiện quyền "im lặng" mà nên hợp tác để cơ quan báo chí công tác thuận lợi trong việc cung cấp thông tin cho các nhà báo. Các cơ quan có thẩm quyền, phải đảm bảo an toàn cho công dân và gia đình họ, khi công dân cung cấp thông tin cho báo chí, mới có thể thúc đẩy người dân tin tưởng cung cấp thông tin cho báo chí ngay khi biết về thông tin, thay vì đăng lên mạng xã hội rồi sau đó có hàng ngàn lượt chia sẻ, biên tập lại với ý đồ của mỗi đối tượng. Đối với cơ quan nhà nước cũng tránh việc "im lặng", né tránh thông tin dẫn tới những nhận định tiêu cực về "bưng bít thông tin" hay "bao che" trên mạng xã hội và vi phạm Luật tiếp cận thông tin 2016.
Như vậy, một vấn đề quan trọng hiện nay trong việc sử dụng, khai thác và cung cấp thông tin là phát huy vai trò của báo chí chính thống không đi sau mạng xã hội. Để được như vậy, giữa nhà báo và các cơ quan tổ chức cá nhân phải biết được quyền và nghĩa vụ của mình trong việc chia sẻ, khai thác, sử dụng, cung cấp thông tin phù hợp với quy định của pháp luật. Nghề báo cũng là nghề lao động đặc thù, vất vả và đầy rủi ro đặc biệt là nhà báo tác nghiệp trong lĩnh vực đấu tranh, phòng chống tham nhũng, các vấn đề tệ nạn xã hội. Nghề báo, nhà báo luôn ý thức được sứ mệnh của người làm báo đứng trước thách thức trong thời đại công nghệ số để bản lĩnh vượt quá theo đúng định hướng của nghề nghiệp.