Theo đó, trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 25 km cửa biển, bờ biển và hơn 1,2 km bờ sông sạt lở cần khẩn cấp xử lý. Vị trí sạt lở tập trung ở các xã: Đất Mũi, Viên An, Viên An Đông, Tam Giang Tây, thị trấn Rạch Gốc thuộc huyện Ngọc Hiển; xã Nguyễn Huân thuộc huyện Đầm Dơi; xã Tam Giang Đông, thị trấn Năm Căn thuộc huyện Năm Căn.
Những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư, các khu hành chính, công trình giáo dục, y tế, QL1... và đai rừng phòng hộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là vào mùa mưa bão.
Một đoạn đê biển Tây ở Cà Mau bị sóng đánh vỡ vào đầu tháng 8/2019, được cơ quan chức năng và người dân gia cố. Ảnh: TTXVN |
Để thực hiện tình huống khẩn cấp, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện bị ảnh hưởng khoanh vùng khu vực bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn. Ngoài ra, phải lựa chọn giải pháp và tổ chức khảo sát, lập các thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định tình huống khẩn cấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thẩm định, đề xuất chủ trương đầu tư các dự án, trình cấp thẩm quyền thâm quyết định chủ trương đầu tư. UBND các huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi có trách nhiệm vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở để kịp thời ứng phó...
Trước đó, vào đầu tháng 8/2019, đê biển Tây của Cà Mau bị thời tiết cực đoan tàn phá dữ dội, nguy cơ dẫn đến vỡ đê và Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây.