Sau 2 ngày chất lượng không khí được cải thiện nhờ mưa, sáng ngày 10/10, ô nhiễm không khí ở Hà Nội với chỉ số quan trắc của nhiều trạm đo ở ngưỡng đỏ - ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người.
Trên tuyến đường Minh Khai (phường Vĩnh Tuy), nơi vừa giải phóng mặt bằng mở đường và đang xây dựng tuyến đường vành đai 2 trên cao, cùng công trình dân sinh khiến tuyến đường này luôn ô nhiễm bụi bẩn, mặt đường lổn nhổn sỏi đá nguy hiểm.
Người dân trên các tuyến phố cho biết, nhiều năm nay không còn thấy xe tưới nước rửa đường hoạt động nên đường rất bụi bặm, khói bụi, ô nhiễm, đặc biệt là vào thời điểm nắng nóng cao điểm. Thực tế, nhóm PV ngồi ở quán nước sát vỉa hè gần ngã tư cầu Mai Động - Kim Ngưu, chỉ trong vòng 5 phút, mặt điện thoại đã phủ lấm tấm những hạt bụi nhỏ.
Ông Đặng Văn Hòa (55 tuổi) cho biết, trước đây có xe rửa đường tôi thấy rất thiết thực, đặc biệt trong việc chống bụi. Những ngày nắng nóng, xe rửa đường đi qua cũng giúp hạ nhiệt mặt đường. Tuy nhiên, đã lâu không còn nhìn thấy loại xe này hoạt động nữa, người dân phải tự chống bụi bằng cách lấy nước trong nhà phun ra ngoài đường. “Nhưng cũng chỉ được một lúc, bởi đường khô thì bụi lại quẩn lên còn nhiều hơn trước”, ông Hòa nói.
Theo Báo Tiền Phong, ngày 11/10, tại buổi hội thảo “Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội”, ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TN&MT) nhận được đề nghị làm rõ việc 3 năm qua dừng hạng mục tưới nước rửa đường, có phải là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm trên địa bàn hay không.
Trả lời câu hỏi trên, ông Thái cho biết, từ cuộc họp giao ban tháng 3/2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cho phép công ty môi trường rửa đường trở lại. “Với thời tiết hanh khô, nhiệt độ cao gây ra bụi thì thành phố cho phép rửa đường bằng xe chuyên dụng”, ông Thái nói.
Xe chuyên dụng để rửa đường sẽ trở lại hoạt động sau 3 năm vắng bóng. |
Nhằm tiết kiệm ngân sách và cơ giới hóa việc vệ sinh môi trường, từ năm 2016, Hà Nội cho nhập hơn 100 xe hút bụi, quét rác. Cùng với đó, thành phố Hà Nội cũng dừng hạng mục tưới nước rửa đường. Tại thời điểm đó, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, mỗi chiếc xe quét rác, hút bụi bằng 12 công nhân làm việc. Qua việc cơ giới hóa như vậy, mỗi năm thành phố không phải chi khoảng 70 tỉ đồng tưới nước, rửa đường.
Ông Mai Trọng Thái cho rằng, việc thành phố Hà Nội cơ giới hóa như vậy bằng các phương tiện châu Âu đem lại hiệu quả cao cho việc vệ sinh môi trường Thủ đô. Tuy nhiên, với đặc điểm của thành phố Hà Nội có 2 mùa hanh khô, nóng ẩm có độ bụi cao nên thành phố đã cho phép tưới nước rửa đường.
Phản hồi trước thông tin này, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, hiện chưa nhận được văn bản của thành phố về việc rửa đường trở lại. Được biết, vài tháng trước, lãnh đạo Hà Nội đã cho phép rửa đường vào những ngày nắng nóng trên 40 độ để giảm nhiệt độ mặt đường. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay thời tiết hiếm khi nắng nóng trên 40 độ nên vẫn chưa thực hiện được.
Trước đó, Ông Vũ Đăng Định, người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm gồm: Khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các nguyên nhân khác là: đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa. Thực tế hiện nay, Hà Nội được ví như “đại công trường” với hàng loạt dự án, công trình lớn nhỏ đang triển khai thi công khiến lượng bụi phát sinh rất lớn.
Theo cơ quan chức năng Hà Nội, một trong những biện pháp giảm bụi là phải rửa đường đã bị thành phố cho dừng. Các biện pháp giảm phát bụi từ các xe vận chuyển đất đá, công trình xây dựng không tuân thủ quy định che chắn, hoặc che chắn sơ sài khiến bụi phát sinh...