Nếu như không còn được sự hỗ trợ của Google, Huawei vẫn có thể tự phát triển hệ điều hành dựa trên mã nguồn mở của Android. Thị trường tỷ dân Trung Quốc cũng không sử dụng các dịch vụ của Google nên chí ít Huawei vẫn “ổn”. Nhưng việc ARM ngưng hợp tác lại là một câu chuyện khác.
ARM nắm giữ công nghệ cốt lõi của hầu hết chip di động. Ảnh: Internet |
Trong một bức thư lưu hành nội bộ có ghi rõ các thiết kế của ARM cũng chứa "một số công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ". Và vì vậy, ARM cũng nằm trong phạm vi cấm vận của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lệnh cấm cũng được áp dụng với ARM China, công ty có trụ sở tại Trung Quốc mà ARM Holdings nắm giữ 49% cổ phần. Công ty này được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa ARM và một tập đoàn đầu tư Trung Quốc nhằm cho phép ARM phát triển, bán và cung cấp dịch vụ hỗ trợ đối với các sản phẩm của hãng tại quốc gia tỷ dân này.
ARM là ai và tại sao lại có quyền lực lớn như vậy?
ARM là một công ty thiết kế chip có trụ sở tại Vương quốc Anh được thành lập năm 1990. Đến tháng 9 năm 2016, công ty này được Softbank - một tập đoàn của Nhật Bản mua lại nhưng vẫn tiếp tục duy trì trụ sở chính tại Cambridge, Vương quốc Anh.
Trước đây, ARM được coi là công ty công nghệ lớn nhất tại Anh cho đến khi bị Softbank mua lại. Công ty có trụ sở tại thành phố Cambridge này có 6.000 nhân viên và 8 văn phòng đại diện tại Mỹ. Trụ sở chính của ARM tại Mỹ nằm ở thành phố California. Ngoài ra công ty còn có văn phòng tại các bang Washington, Arizona, Texas và Massachusetts.
Cả CPU lẫn GPU của Huawei đều sử dụng kiến trúc của ARM. Ảnh: Internet |
ARM không tự sản xuất chip để bán như Intel hay AMD đang làm mà giữ vai trò thiết kế kiến trúc, phát triển các tập lệnh để CPU có thể xử lý các lệnh. ARM sẽ cấp phép công nghệ bán dẫn của mình cho các nhà sản xuất khác để tự sản xuất chip hoặc có thể tùy biến như cách mà Qualcomm tùy biến nhân Kryo.
Hiện nay, ARM là cơ sở cốt lõi của đa số vi xử lý di động trên toàn cầu bao gồm cả Samsung Exynos, Qualcomm Snapdragon, MediaTek Helio và Apple A11. Tất nhiên Kirin - con chip di động do Huawei tự sản xuất cũng sử dụng công nghệ của ARM.
Mali-G76 là do ARM thiết kế. Ảnh: Internet |
Ngoài việc sử dụng lõi Cortex-A của ARM để phát triển CPU thì nhân đồ họa (GPU) Mali trong chip Kirin cũng là do ARM thiết kế. Điều đó có nghĩa là không có ARM, Huawei không thể tự sản xuất chip!
Tương lai của Huawei sẽ ra sao
Sau khi Google thông báo ngừng hỗ trợ Android cũng như các ứng dụng độc quyền của mình cho Huawei thì tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc thông báo họ đã có "kế hoạch B". Họ đang phát triển một hệ điều hành riêng từ lâu và sẵn sàng thay thế Android. Nhưng việc ARM ngưng hợp tác có lẽ không nằm trong “kế hoạch B” của công ty này.
Bởi ngay cả những tập đoàn hàng đầu về công nghệ bán dẫn như Samsung, Qualcomm hay cả Apple đều chưa thể thiết kế được lõi chip thay cho công nghệ của ARM. Và tất nhiên điều đó cũng là không thể với các nhà sản xuất Trung Quốc.
Nhưng vẫn còn một chút may mắn với Huawei, những con chip hiện tại và Kirin 985 được lên kế hoạch sẽ xuất hiện trong các thiết bị của Huawei ra mắt trong nửa cuối năm nay sẽ vẫn tiếp tục được sản xuất. Có nghĩa là ít nhất công ty vẫn trụ được đến hết năm nay và thậm chí là đến đầu năm sau.
Tình huống xấu nhất cho Huawei
ARM ngưng hợp tác, Huawei vẫn còn cơ hội mua chip của MediaTek - một công ty sản xuất chip Trung Quốc. Nhưng quay lại với bức thư lưu hành nội bộ: các thiết kế của ARM cũng chứa "một số công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ" nên ARM cũng nằm trong phạm vi cấm vận của Chính phủ Mỹ.
Mediatek cũng sử dụng kiến trúc ARM. Ảnh: Internet |
Nếu cách hiểu của ARM là đúng và những công nghệ có liên quan đến Mỹ đều sẽ bị cấm vận với Huawei thì tình huống xấu nhất sẽ xảy ra, tức là bất kỳ công ty nào sử dụng những công nghệ này đều không thể bán chip cho Huawei, trong đó có MediaTek hay bất kỳ nhà sản xuất chip nào khác.