Bụi tồn tại song hành với đời sống con người. Bụi mặc định như yếu tố tất yếu của công nghiệp hóa, của cuộc sống văn minh với những bãi khai thác cát, chế biến than, tổ hợp công trình xây dựng và mạng lưới giao thông ngày một hiện đại.
Những ngày qua, chất lượng không khí ở Hà Nội vượt quá giới hạn. Ảnh: Hoàng Minh |
Trải qua thời gian, nhiều người “miễn dịch” với bụi khi cuộc sống của họ ngập ngụa trong bụi từ năm này sang năm khác. Mỗi ngôi nhà, mâm cơm, đường thở chỉ được ngăn cách với bụi đất bằng một tấm bạt trước cửa đã đen kịt hoặc đỏ au, hay mấy phút dùng vòi phun nước để gột đi nhưng lăn tăn trong tâm lý.
Đó là những “xuê xoa” trong quá khứ. Đến hôm nay, khi mức sống nâng lên, chúng ta đòi hỏi chất lượng sống cao hơn, vì thế, bụi cần được nhìn nhận theo một giác độ nghiêm túc và cẩn trọng hơn.
Trong dòng chảy 4.0, để mô tả chất lượng không khí, nhiều công nghệ hiện đại đã dùng những gam màu để cảnh báo. Bụi vàng, bụi hồng, hay tím… trên bản đồ đo đạc của các ứng dụng (App) không thể hiện màu sắc “lãng mạn” mà phản ánh một hiện thực nghiệt ngã về chất lượng không khí - giá trị sinh tồn quan trọng nhất của loài người.
Thực tế, các App chỉ là một thước đo, những số liệu đưa ra chỉ phản ánh thông số ở một thời điểm nhất định, với một địa điểm cụ thể. Nhưng chắc chắn mức độ cảnh báo của nó thực sự khiến chúng ta không thể làm ngơ.
Đã có không ít các tổ chức bảo vệ môi trường, nhà khoa học, báo chí, cộng đồng xã hội bùng nổ với những chỉ số quan trắc, lập luận khoa học và quan điểm cá nhân về những cảnh báo từ các ứng dụng. Người dân hoang mang, doanh nghiệp thức thời tung ra hàng loạt sản phẩm lọc không khí hay khẩu trang ngăn hạt siêu bụi… Dẫu còn nhiều ý kiến trái chiều, song bản đồ chấm điểm của các ứng dụng với nhiều gam vàng, tím tại các đô thị của nước ta suốt thời gian qua, thực sự đem đến cú huých trong nhận thức và thái độ của cộng đồng trước vấn đề trầm trọng của môi trường không khí.
“Chính quyền phải làm gì để khắc phục?” - câu hỏi quen thuộc của cộng đồng liên tục trong những ngày chìm trong lớp “sương mờ”. Xét cho cùng, đó là một câu hỏi đương nhiên được đặt ra, bởi khi có sự cố hay có hiện tượng bất thường, người dân vẫn nhìn về phía chính quyền như một chỗ dựa cũng như nơi để quy trách nhiệm.
Điều này cũng được Hiến pháp năm 2013 khẳng định rõ quyền được sống trong môi trường trong lành cũng như nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mọi người. Khi Nhà nước ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người cũng có nghĩa là Nhà nước ghi nhận trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường.
Bụi siêu mịn PM 2.5 gây ra nguy cơ rất cao với sức khỏe con người. Nó không những có thể xâm nhập vào hệ hô hấp gây các bệnh lý hô hấp mà còn có thể đi qua màng phế nang mao mạch ở phổi để vào tuần hoàn máu, đi tới các cơ quan khác trong cơ thể và gây ra các tác hại nghiêm trọng với cơ thể người. |
Song nhìn thấu đáo, tỉnh táo vấn đề chúng ta nhận ra rằng, chính quyền không thể ngăn hết bụi nói riêng và tình trạng ô nhiễm nói chung. Có chăng là các giải pháp để phòng ngừa, giảm thiểu. Đơn giản, nguồn khởi phát ô nhiễm đến từ quá nhiều nơi và để giải quyết triệt để trong ngày một ngày hai là bất khả kháng. Nhưng cũng cần phải nói thẳng điều mà người dân cần nhất là những cảnh báo, đưa ra những khuyến cáo hoặc hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng thay vì để họ “tự bơi” trong nỗi hoang mang, lo lắng và bức xúc.
Ô nhiễm không khí - “cha chung” không ai chịu trách nhiệm đã được cảnh báo từ nhiều năm. Có lẽ bởi tâm lý đó, đến nay, chúng ta vẫn chưa có một động thái quyết liệt cùng những giải quyết khả thi để chấn chỉnh, khắc phục.
Không nói đâu xa, ngay trong giảm phát thải từ hoạt động giao thông vận tải. Mặc dù, vấn đề này được chỉ rõ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm không khí tại các đô thị, song, sau gần 15 năm áp dụng quy chuẩn khí thải ở mức thấp nhất, tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 16/2019 nâng mức tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, thì xe máy cá nhân vẫn không ngừng tăng lên; nhiều phương tiện quá hạn, không đủ chất lượng vẫn ngày ngày nhởn nhơ lưu thông trên các tuyến đường, gieo rắc nỗi khiếp đảm với những làn khói đen kịt.
Đổ xô mua khẩu trang chống bụi mịn, máy lọc không khí gia đình… chỉ là giải pháp tình thế của mỗi người và không nên chỉ ích kỷ dừng lại tại đó. Chúng ta sống trong môi trường ô nhiễm. Chúng ta có quyền đòi hỏi quyền được hưởng một môi trường cần phải được cải thiện hơn nữa. Nhưng song song quyền chính đáng đó phải là trách nhiệm tương xứng với môi trường sống.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, 4,2 triệu người tử vong mỗi năm do tiếp xúc với ô nhiễm không khí; 3,8 triệu người tử vong mỗi năm do tiếp xúc với khói bếp và nhiên liệu bẩn; 91% dân số thế giới sống ở những nơi có chất lượng không khí vượt quá giới hạn cho phép của Tổ chức này. |
Trong khi những kế hoạch còn nằm trên giấy, những giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí còn dừng ở tuyên truyền, tiếp tục nghiên cứu… chúng ta cần bình tâm nhìn lại, cần có thái độ ứng xử chuẩn mực với môi trường bằng lối sống xanh nếu không muốn phải ngày ngày hít thở bầu không khí ô nhiễm trầm trọng hơn.