khu dân dụng và kho nhiên liệu hàng hóa tại sân bay.
Cảng hàng không Vân Đồn, Quảng Ninh vừa đi vào hoạt động do SunGroup tham gia góp vốn đầu tư
Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến về việc đầu tư Cảng hàng không Sapa là sân bay lưỡng dụng gồm cả dân dụng và quân sự, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, UBND tỉnh Lào Cai vừa có báo cáo do ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch kí, trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất dự án sân bay Sapa theo hướng kết hợp giữa đầu tư công thuần túy với đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Cụ thể, cảng hàng không Sa Pa là sân bay lưỡng dụng kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng an ninh, gồm sân bay cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO và sân bay quân sự cấp II. Công suất khai thác từ 2,5 – 3 triệu khách/năm với 9 vị trí tàu bay code C (hoặc tương đương) có thể đón được các loại máy may A320, A321 và tương đương.
Cảng hàng không Sa Pa dự kiến sẽ đặt ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai với quy mô diện tích 371 ha. Dự kiến, dự án sẽ được tổ chức khởi công xây dựng công trình trong năm 2019 và hoàn thành trong năm 2021.
Tổng mức đầu tư sân bay Sapa khoảng hơn 5.900 tỷ đồng. Theo đề xuất của tỉnh Lào Cai, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 3.100 tỷ đồng, bao gồm tiền xây dựng khu bay và đường trục vào cảng.
Tỉnh Lào Cai hỗ trợ 910 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh để giải phóng mặt bằng, tái định cư và rà phá bom mìn. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) sẽ góp gần 132 tỷ đồng để đầu tư các công trình quản lý bay.
Số vốn còn lại là hơn 1.772 tỷ đồng, chiếm 30% tổng mức vốn, theo Lào Cai sẽ kêu gọi nhà đầu tư tham gia theo hình thức PPP (loại hợp đồng BOT) để đầu tư xây dựng khu hàng không dân dụng và kho nhiên liệu hàng không.
Nhà đầu tư nhắm tới là Tập đoàn SunGroup và đã được Lào Cai nêu trong một kiến nghị gửi Thủ tướng trước đó về cho biết: “SunGroup muốn đầu tư khu hàng không dân dụng và kho nhiên liệu hàng hóa với kinh phí dự kiến là 1.772 tỷ đồng”.
Lào Cai đề nghị Thủ tướng giao cho UBND tỉnh này là cấp quyết định đầu tư đối với công trình xây dựng khu bay và đường trục vào cảng. Đồng thời, tỉnh đề xuất UBND Lào cai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với công trình xây dựng khu bay và kho nhiên liệu hàng không. Tỉnh cũng đề nghị giao VATM làm chủ đầu tư xây dựng các công trình quản lý bay.
Được biết, SunGroup là doanh nghiệp chuyên đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí quy mô lớn tại nhiều địa phương như Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long và Vân Đồn (Quảng Ninh)… Tập đoàn này cũng tham gia đầu tư sân bay Vân Đồn mới đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2018.
Nếu sân bay Sapa được đầu tư xây dựng, các dự án bất động sản của SunGroup sẽ được hưởng lợi
Tại Lào Cai, SunGroup hiện là nhà đầu tư lớn nhất với cam kết đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng. Trong đó, tập đoàn đã đầu tư dự án cáp treo Fansipan Sapa tổng mức đầu tư 4.400 tỷ đồng, dự án tổ hợp nghỉ dưỡng Mgallery Sapa gồm khách sạn 5 sao (khởi công khách sạn 1.500 tỷ đồng từ năm 2016) cùng các hạng phục nhà phố, condotel, biệt thự… đã và đang được quảng bá, tiếp thị bán hàng từ 2 năm qua.
Với việc tham gia đầu tư sân bay Sapa, có thể thấy SunGroup sẽ được hưởng lợi lớn nhờ hệ thống hạ tầng giao thông Lào Cai được kết nối tới các dự án, khu nghỉ dưỡng của mình, đồng thời tăng lượng khách du lịch tới Sapa.
Hơn nữa, SunGroup chỉ đề xuất tham gia 30% tổng mức đầu tư vốn, còn Ngân sách Nhà nước, tỉnh Lào Cai và VATM đóng góp tới 70% vốn làm sân bay, song doanh nghiệp vẫn được hưởng lợi ích lớn từ việc sử dụng, vận hành khai thác hạ tầng chung của dự án.
Tuy nhiên, các chuyên gia hàng không đang lo ngại nguồn khách đến khu vực Sapa không lớn và ổn định như các điểm Vân Đồn, Chu Lai, Đồng Hới… sẽ khó đảm bảo hiệu quả khai thác sân bay Sapa. Chính phủ cần xem xét kỹ lưỡng việc có cần thiết phải xây sân bay Sapa, tính toán quy mô xây dựng và cơ cấu nguồn vốn đầu tư phù hợp để không tăng thêm gánh nặng cho Ngân sách nhà nước.
Hải Nam