Bọt biển đen của EcoWorth Tech. Ảnh: CNN |
Việc tìm ra công nghệ tiên tiến để chuẩn bị cho tương lai thiếu nước sạch là nhiệm vụ cấp thiết đối với đảo quốc Sư tử.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Nước và Môi trường Nanyang tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) – ông Shane Snyder - nhận định: “Singapore hiện nhập khẩu khoảng 40% lượng nước tiêu thụ. Với tình trạng biến đổi khí hậu, nguồn nước nhập khẩu ngày càng thiếu bền vững”.
Tình trạng đô thị hóa và nhiệt độ toàn cầu gia tăng gây khó khăn cho quá trình khai thác nước tự nhiên. Ngày nay, 1/4 dân số thế giới sống trong khu vực đối mặt với áp lực về nước. Các chuyên gia nhận định con người đang tiêu thụ nguồn nước tự nhiên nhanh hơn nguồn Trái Đất có thể tự bổ sung.
Trong khi đó, Singapore với hơn 5 triệu dân không có nguồn nước tự nhiên và phụ thuộc vào nước tuần hoàn cũng như nhập khẩu từ láng giềng.
Viện Nghiên cứu Nước và Môi trường Nanyang là một trong những nơi đảm nhận nhiệm vụ tìm ra giải pháp về nước cho Singapore.
Một sáng chế mới được công bố là bọt biển màu đen, nhỏ có tên gọi sợi carbon aerogel được các nhà khoa học khẳng định có thể lọc sạch nước ở quy mô lớn. Bọt biển màu đen này có thể hấp thu rác và hạt vi nhựa gấp 190 khối lượng của nó.
Thiết bị lọc nước của WateRoam. Ảnh: CNN |
Doanh nghiệp EcoWorth Technology (Singapore) đang phát triển sợi carbon aerogel cho mục đích thương mại và kinh doanh tại thị trường Singapore trước khi đưa ra nước ngoài. EcoWorth Technology cho rằng sản phẩm lọc nước bẩn này sẽ đem lại nhiều giá trị.
Trong khi đó, một Công ty khác là WateRoam đã phát triển thiết bị lọc nước nhẹ và dễ vận chuyển, giúp đưa nước sạch đến hơn 75.000 người trên khắp Đông Nam Á.
Tổng giám đốc điều hành của WateRoam là David Pong khẳng định ông muốn ngay cả những người bình thường, không phải là kỹ sư và chuyên gia, cũng có thể sử dụng thiết bị này. Theo WateRoam, thiết bị lọc của Công ty này chỉ nhỏ như bơm xe đạp và có thể mang nước sạch tới ngôi làng 100 người trong vòng 2 năm.