Gần nửa tháng sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông, trong 3 ngày (từ 9-11/9), đơn vị đã tiến hành lấy mẫu không khí xung quanh trong vòng 24 giờ đối với 5 vị trí gồm 2 vị trí tại trường Tiểu học Hạ Đình; đối diện cổng chung cư Eco Green City (cách khu vực cháy khoảng 500 mét); trong khuôn viên công ty (trong bán kính 200 mét từ khu vực cháy); phía sau xưởng cháy cạnh mặt đường. Chi cục Bảo vệ môi trường đã trưng cầu đơn vị độc lập tiến hành quan trắc, lấy mẫu phân tích môi trường không khí trong vòng bán kính 500 mét quanh vụ cháy.
Kết quả phân tích so sánh với QCVN 05:2003/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, QCVN 06: 2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh cho thấy các thông số NO2, SO2, CO đều nằm trong giới hạn cho phép; không phát hiện thấy Hg (thủy ngân) (trung bình 24 giờ) trong không khí.
Trước đó, trong các ngày 6 – 7/9, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị quan trắc tiến hành quan trắc, lấy mẫu phân tích môi trường trong vòng bán kính 500m. Theo đó, đối với môi trường nước thải, đã tiến hành quan trắc, lấy mẫu tại 5 vị trí: Điểm xả cuối trong nhà máy; Hố gas thoát nước, cách xưởng cháy 100m; Hố gas trước cửa tổ phục vụ và chăm sóc khách hàng; Cống xả ra sông Tô Lịch; Hố ga trong khu dân cư, ngõ 342 Khương Đình.
Kết quả phân tích so sánh với QCTĐHN 02:2014/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cho thấy, duy nhất thông số COD tại Hố gas trước cửa tổ phục vụ và chăm sóc khách hàng của Công ty Rạng Đông là 821mg/l (vượt 5,47 lần). Còn lại tất cả các thông số, bao gồm cả thủy ngân tại 5 vị trí đều nằm trong giới hạn cho phép.
Trước đó, ngày 6/9, đơn vị đã tiến hành lấy mẫu quan trắc không khí tại 6 vị trí: Giáp cổng công ty Động Lực; cổng chào tổ dân phố số 10 dân cư số 5 ngõ 342 Khương Đình; cổng nhà máy nước Hạ Đình; số nhà 54, ngõ 190 Hạ Đình; giáp cổng giữa sân trường tiểu học Hạ Đình; số nhà 1B ngõ 138, giáp nhà hội họp tổ 27.
Kết quả phân tích so sánh với QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, QCVN 06:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh cho thấy: Các thông số Vi khí hậu, Pb (trung bình 24 giờ), Zn đều nằm trong giới hạn cho phép; không phát hiện thấy Hg - thủy ngân (trung bình 24 giờ) trong không khí. Tuy nhiên, vẫn còn một số các chỉ tiêu: SO2, Benzen, Toluen, Bụi tổng tại một số vị trí xung quanh, nhất là vị trí giáp cổng Công ty Động Lực vẫn còn vượt quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.
Qua hai lần quan trắc, Hà Nội không "bắt" được thủy ngân trong không khí quanh khu vực hiện trường vụ cháy. Ảnh: Duy Phạm/ Tiền Phong |
Vị trí trong sân trường tiểu học Hạ Đình (có khoảng cách 550m đến tường rào Công ty Rạng Đông), tất cả các chỉ tiêu đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật môi trường (QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, QCVN 06:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh).
Liên quan đến kết quả môi trường quanh vụ cháy, phát biểu tại buổi làm việc với UBND thành phố ngày 5/9, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) khẳng định “không phải di dân” ra khỏi khu vực ảnh hưởng của vụ cháy. Cơ quan này có thiết bị hiện đại hơn là bẫy được hàm lượng thủy ngân để khuyến cáo phòng ngừa rủi ro, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, các tàn dư còn lại của hoá chất sau vụ cháy phát tán ra môi trường so với quy chuẩn Việt Nam và các đơn vị quan trắc khác thì đều không vượt ngưỡng.