Sự cố dầu loang đe dọa rạn san hô lớn thứ hai thế giới tại Brazil

Các vết dầu loang đã lan tới vùng Costa de los Corales, bang Alagoas, đây là nơi có rạn san hô lớn thứ hai thế giới, rộng 150km, xếp sau rạn Great Barrier của Australia.
Vùng đất ngập mặn lớn nhất hành tinh tại Brazil bị cháy rừng tàn pháPhản ứng kỳ lạ của Brazil khi G7 gửi viện trợ cứu rừng AmazonTổng thống Brazil: Cháy rừng Amazon là 'vấn đề nội bộ' của khu vực
su co dau loang de doa ran san ho lon thu hai the gioi tai brazil
Vệt dầu loang do 60.000 tấn dầu bị tràn ra Vịnh Guanabara thuộc thành phố Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 20/10, các chuyên gia môi trường Brazil cảnh báo những vệt dầu loang xuất hiện hơn một tháng qua đang đe dọa sự sống của rạn san hô lớn thứ hai thế giới ở khu vực Costa de los Corales thuộc quốc gia Nam Mỹ này.

Các vệt dầu loang xuất hiện tại hơn 200 bãi biển thuộc 9 bang Đông Bắc Brazil.

Chuyên gia nghiên cứu Phòng thí nghiệm sinh thái học vi sinh vật và phân tử (LEMM), thuộc Đại học Liên bang Rio de Janeiro, Gustavo Duarte cho biết các vết dầu loang đã lan tới vùng Costa de los Corales, bang Alagoas.

Đây là nơi có rạn san hô lớn thứ hai thế giới, rộng 150km, đứng sau rạn Great Barrier của Australia.

Ông Duarte cảnh báo sự cố dầu loang xảy ra đúng thời điểm quần thể san hô đang phục hồi sau quá trình bị “tẩy trắng” trên diện rộng, vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua, do sự ấm lên của nước biển.

Hiện tượng “tẩy trắng” khiến phần lớn san hô chết để lại xương trắng dưới đáy biển. Những lớp sinh vật này có thể phục hồi nếu nhiệt độ nước biển giảm xuống. Tuy nhiên, hiện tượng dầu loang đang ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất và sinh sản của san hô và tảo ở khu vực trên.

Chuyên gia LEMM cho biết chỉ riêng trong năm nay, hơn 90% loài san hô Millepora alcicornis, một trong những loài san hô chính tại Brazil đã chết. Một cá thể san hô dài 50cm sẽ phải mất tới 20 năm mới có thể phục hồi.

Theo ông Duarte, sự cố tràn dầu ảnh hưởng tới rạn san hô có thể so sánh như thảm họa cháy rừng Amazon xảy ra hồi tháng 8 vừa qua.

Những dải dầu loang bắt đầu xuất hiện vào đầu tháng 9 vừa qua và kéo dài 2.000km dọc theo bờ biển phía Đông Bắc Đại Tây Dương.

Tính đến nay, các nhà chức trách Brazil đã thu gom hơn 500 tấn cặn dầu tại 201 khu vực bờ biển của quốc gia Nam Mỹ này. Tình trạng dầu tràn gây ô nhiễm môi trường, khiến 67 động vật biển chết, trong đó có 11 con rùa.

Theo Phương Lan/TTXVN