Tài nguyên nước dồi dào
Nước ta có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối tương đối lớn (chiều dài từ 10 km trở lên), trong đó có 9 hệ thống sông lớn (diện tích lưu vực lớn hơn 10.000 km2), bao gồm: Sông Hồng, sông Thái Bình, sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, sông Đồng Nai và sông Cửu Long. Tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng 830 - 840 tỉ m3, trong đó hơn 60% lượng nước được sản sinh từ nước ngoài, chỉ có khoảng 310 - 320 tỉ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam.
Nước mặt và nguồn dự trữ nước dưới đất phong phú cung cấp nguồn tài nguyên nước đáng kể và phần lớn các nguồn tài nguyên này có thể khai thác, sử dụng. Sông Mê Kông, sông Hồng – Thái Bình và sông Đồng Nai chiếm khoảng 80% tổng lượng tài nguyên nước Việt Nam. Sông Mê Kông có diện tích lưu vực là 800.000 km2, bằng diện tích nước Pháp, chảy xuyên 6 quốc gia. Việt Nam chỉ chiếm 8% diện tích của toàn lưu vực sông Mê Kông. Lượng nước chảy về Việt Nam khoảng hơn 5 tỉ m3, chiếm 57% tổng lượng nước mặt của Việt Nam và nhiều hơn tổng lượng nước của Philipin và Úc. Sông Hồng – Thái Bình có diện tích lưu vực là 155.000 km2 và lượng chảy vào Việt Nam từ ngoài lãnh thổ là 137 tỉ m3, nhiều hơn tổng lượng nước của Anh quốc.
Nước dưới đất cũng có tổng trữ lượng tiềm năng khoảng 63 tỉ m3/năm, phân bố ở 26 đơn vị chứa nước lớn, nhưng tập trung chủ yếu ở Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.
Về hồ chứa, có khoảng 2.900 hồ chứa thủy điện, thủy lợi tương đối lớn (dung tích từ 0,2 triệu m3 trở lên) đã vận hành, đang xây dựng hoặc đã có quy hoạch xây dựng, với tổng dung tích các hồ chứa trên 65 tỉ m3.
Trong đó, có khoảng 2.100 hồ đang vận hành, tổng dung tích hơn 34 tỉ m3 nước; Khoảng 240 hồ đang xây dựng, tổng dung tích hơn 28 tỉ m3, và trên 510 hồ đã có quy hoạch, tổng dung tích gần 4 tỉ m3.
Các hồ chứa thủy điện mặc dù với số lượng không lớn, nhưng có tổng dung tích khoảng 56 tỉ m3 nước (chiếm 86% tổng dung tích trữ nước của các hồ chứa). Trong khi đó, trên 2000 hồ chứa thủy lợi nêu trên chỉ có dung tích trữ nước khoảng gần 9 tỉ m3 nước, chiếm khoảng 14%. Các lưu vực sông có dung tích hồ chứa lớn gồm: Sông Hồng (khoảng 30 tỉ m3); Sông Đồng Nai (trên 10 tỉ m3); Sông Sê San (gần 3,5 tỉ m3); Sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn và sông Srêpok (có tổng dung tích hồ chứa từ gần 2 tỉ m3 đến 3 tỉ m3).
… nhưng không phải vô tận
Tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm khoảng 80,6 tỉ m3, chiếm 10% tổng lượng nước của cả nước. Trong đó, hơn 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỉ m3/năm). Nước dưới đất được khai thác, sử dụng chủ yếu cho cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, với gần 40% lượng nước cấp cho đô thị và 80% lượng nước cho sinh hoạt nông thôn.
Lượng nước sử dụng tập trung chủ yếu vào 7 - 9 tháng mùa cạn, khi mà dòng chảy trên hệ thống sông đã bị suy giảm và với tổng lượng nước cả mùa chỉ bằng khoảng 20% - 30% (khoảng 160 - 250 tỉ m3) so với lượng nước của cả năm.
Thực tế, nước chiếm đến 3/4 diện tích bề mặt Trái đất. Một con số không hề nhỏ. Nhưng tiếc thay, nguồn tài nguyên ấy lại không phải là nước sinh hoạt có thể uống để duy trì cuộc sống, không phải thứ nước giúp chúng ta thỏa mãn cơn khát, không phải là thứ nước kỳ diệu có thể cứu sống ai đó trên sa mạc khô rát… Bởi nó không phải là nước ngọt.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hiện nay, còn 2,2 tỉ người trên toàn cầu đang sống trong tình trạng không được tiếp cận với nước an toàn, khan hiếm nước.
Theo Ngân hàng Thế giới, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, 11/16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước, đặc biệt là trên 4 lưu vực sông chính tạo ra 80% GDP của Việt Nam: Hồng - Thái Bình, Cửu Long, Đồng Nai và nhóm lưu vực sông Đông Nam Bộ.
Giá trị kinh tế của nước chưa được phân bổ đồng đều cho các đối tượng sử dụng nước khác nhau, chẳng hạn như còn các cơ chế miễn phí, ưu đãi đặc biệt cho sử dụng nước cho nông nghiệp - là hộ sử dụng nước có tiêu hao lớn nhất dẫn đến sử dụng nước còn lãng phí, không hiệu quả. Theo tính toán, với mỗi đơn vị (m3) nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD, thấp hơn Lào 2,53 USD. Giá trị của nước không được nhận thức đúng đắn dẫn đến tình trạng sử dụng tài nguyên nước lãng phí.
Liên Hợp Quốc cảnh báo, đến năm 2050, con số “khát nước” sẽ đạt tới 3,9 tỉ người, nghĩa là cứ 5 người trên thế giới sẽ có hơn 2 người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước
Nếu chỉ xét riêng tổng lượng nước hàng năm của cả nước, có thể lầm tưởng rằng Việt Nam là quốc gia có tài nguyên nước dồi dào. Tuy nhiên, xét theo đặc điểm phân bố lượng nước theo thời gian, không gian cùng với đặc điểm phân bố dân cư, phát triển kinh tế, mức độ khai thác, sử dụng nước có thể thấy rằng tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu rất nhiều sức ép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Điều đó được thể hiện trên một số mặt sau:
Một là, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài. Gần 2/3 lượng nước của nước ta là từ nước ngoài chảy vào. Những năm qua các nước ở thượng lưu đang tăng cường xây dựng các công trình thủy điện, chuyển nước và xây dựng nhiều công trình lấy nước, gây nguy cơ nguồn nước chảy về nước ta sẽ ngày càng suy giảm và Việt Nam sẽ khó chủ động được về nguồn nước, phụ thuộc nhiều vào các nước ở thượng lưu.
Theo số liệu phân tích từ ảnh viễn thám thì thượng nguồn hệ thống sông Hồng trên lãnh thổ Trung Quốc có khoảng 52 công trình thủy điện đã hoàn thành hoặc đang xây dựng. Riêng đối với thượng nguồn sông Đà, về cơ bản đến nay Trung Quốc đã khai thác hết các bậc thang thuỷ điện lớn, đã vận hành 8 nhà máy, với tổng dung tích hồ chứa trên 2 tỉ m3, công suất lắp máy gần 1,7 nghìn MW.
Việc khai thác nước ở thượng nguồn của phía Trung Quốc đã gây ra các tác động đến việc khai thác nguồn nước của nước ta như: Đã có hiện tượng suy giảm lượng nước từ Trung Quốc chảy vào nước ta, nhất là từ các năm từ 2007 - 2010; tạo ra lũ đột ngột, bất thường (biên độ dao động mực nước ngày từ 4 m đến 10 m), gây dao động mực nước giữa ban ngày và ban đêm rất lớn, có thời gian các hồ ngừng xả nước phát điện liên tục, kéo dài làm suy kiệt dòng chảy các sông.
Tương tự như vậy, trên thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng 14 đập thuỷ điện với tổng công suất lắp đặt trên 22.000 MW. Trong đó, có 2 công trình có khả năng điều tiết rất lớn với tổng dung tích khoảng 38 tỉ m3 (thuỷ điện Tiểu Loan công suất 4.200 MW, dung tích hồ chứa khoảng 15 tỉ m3 và thủy điện Nọa Chất Độ công suất rất lớn, 5.500 MW, dung tích hồ chứa khoảng 23 tỉ m3). Phân tích sơ bộ ảnh viễn thám trên một phần lưu vực của sông Mê Kông (thuộc Trung Quốc) cho thấy đã có 75 công trình thủy điện đã hoặc đang xây dựng, trong đó có 6 đập trên dòng chính. Trên phần lưu vực thuộc các nước Lào, Thái Lan và Campuchia hiện đã có quy hoạch 11 công trình thuỷ điện trên dòng chính, tổng công suất khoảng 10.000 - 19.000MW. Lào đã chính thức khởi công thủy điện Xayabury và đang chuẩn bị xây dựng thủy điện Donsahong.
Việc xây dựng, vận hành các công trình thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông được cảnh báo sẽ là mối nguy cơ lớn làm đảo lộn các hoạt động phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường ở vùng hạ lưu, đặc biệt là vùng ĐBSCL của Việt Nam do các vấn đề về biến đổi dòng chảy trong mùa lũ, suy giảm dòng chảy mùa kiệt, gia tăng xâm nhập mặn, suy giảm hàm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản...
Hai là, nguồn nước phân bố không cân đối giữa các vùng, các lưu vực sông. Toàn bộ phần lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến TP.HCM, nơi có 80% dân số và trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước; 60% lượng nước còn lại là ở vùng ĐBSCL- nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Lưu vực sông Đồng Nai, chỉ có 4,2% lượng nước, nhưng đang đóng góp khoảng 30% GDP của cả nước.
Ba là, tài nguyên nước phân bố không đều theo thời gian trong năm và không đều giữa các năm. Lượng nước trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70 - 80%, trong khi đó 7 - 9 tháng mùa kiệt chỉ có 20 - 30% lượng nước cả năm. Phân bố lượng nước giữa các năm cũng biến đổi rất lớn, trung bình cứ 100 năm thì có 5 năm lượng nước chỉ bằng khoảng 70 - 75% lượng nước trung bình nêu trên.
Bốn là, nhu cầu nước gia tăng trong khi nguồn nước đang tiếp tục bị suy giảm, đặc biệt là trong mùa khô. Hiện nay, một số lưu vực sông đã bị khai thác quá mức, nhất là trong mùa khô, cạnh tranh, mâu thuẫn trong sử dụng nước ngày càng tăng. Theo tiêu chuẩn quốc tế, đã có 4 lưu vực sông đang bị khai thác ở mức căng thẳng trung bình (sử dụng 20 - 40% lượng nước) gồm sông Mã, sông Hương, các sông thuộc Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu (nhóm sông Đông Nam Bộ). Nếu tính riêng trong mùa khô, thì đã có 10 lưu vực sông đang bị khai thác ở mức căng thẳng trung bình, 6 sông đã đến mức rất căng thẳng (sử dụng trên 40% lượng nước, gồm 4 sông: Sông Mã, cụm sông Đông Nam Bộ, sông Hương và sông Đồng Nai). Trong đó, cụm sông Đông Nam Bộ và sông Mã đã khai thác khoảng 75% và 80% lượng nước mùa khô. Dự kiến đến năm 2020 tình trạng khan hiếm nước, thiếu nước, nhất là trong mùa khô sẽ còn tăng mạnh so với hiện nay và hầu hết các lưu vực sông của Việt Nam đều ở trong trạng thái căng thẳng về sử dụng nước, đặc biệt là trong thời kỳ mùa cạn.
Năm là, một số khu vực, nguồn nước dưới đất cũng bị khai thác quá mức. Mực nước dưới đất ở một số khu vực bị suy giảm liên tục và chưa có dấu hiệu hồi phục. Tại vùng Đồng bằng Bắc Bộ, đã hình thành 3 phễu hạ thấp mực nước lớn (tại TP.Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định); Năm 1995, diện tích hình phễu hạ thấp mực nước chỉ có 195 km2, đến nay đã tăng lên đến 2900 km2, có một số nơi tốc độ hạ thấp tới 0,8 m/năm. Tại vùng ĐBSCL, đã hình thành 2 phễu hạ thấp mực nước lớn (tại khu vực TP.Hồ Chí Minh và bán đảo Cà Mau); Diện tích phễu hạ thấp mực nước tăng từ 6900 km2 (1995) lên gần 15000 km2 (hiện nay), cá biệt có điểm tốc độ hạ thấp đến trên 1 m/năm. Một số khu vực, nước dưới đất có nguy cơ ô nhiễm arsen cao, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Hồng (có 792 xã) và ĐBSCL (229 xã), vùng Bắc Trung Bộ (155 xã).
Sáu là, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô, nhiều nơi có nước nhưng không thể sử dụng do nguồn nước bị ô nhiễm. Nguồn nước mặt ở hầu hết các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề đều đã bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng (như lưu vực sông Nhuệ Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai - Sài Gòn). Nguyên nhân chủ yếu là do nước thải từ các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, các đô thị không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn xả ra môi trường, vào nguồn nước.
Bảy là, rừng đầu nguồn bị suy giảm, diện tích rừng không được cải thiện, chất lượng rừng kém làm giảm nguồn sinh thủy là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm cho nguồn nước cạn kiệt, thiếu nước trong mùa khô và gia tăng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong mùa mưa trong thời gian gần đây.
Tám là, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xâm nhập mặn sẽ tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới tài nguyên nước. Trong những năm qua, các hiện tượng bất thường của khí hậu, thời tiết đã xảy ra liên tục. Mùa khô ngày càng kéo dài, hạn hán gây thiếu nước xảy ra trên diện rộng liên tục trong mùa khô các năm từ 2008 đến nay, không chỉ xảy ra cả ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền núi cao phía Bắc mà ngay cả ở vùng ĐBSCL.
Vào mùa mưa, mưa lũ tăng lên ở tất cả các vùng trong cả nước (dự báo đến năm 2020 tất cả các vùng đều tăng từ 2,3 - 5,4%); Lượng nước mùa khô ở nhiều vùng (từ Bắc Trung Bộ đến ĐBSCL) bị suy giảm (dự báo đến năm 2020 giảm từ 2,3% đến lớn nhất 16% - ở vùng Nam Trung Bộ, nơi đang thiếu nước nhất).
Nước là một trong những loại hình tài nguyên đặc biệt, thiết yếu nhằm phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vì vậy bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề cấp thiết hiện nay đối mỗi địa phương, mỗi quốc gia trên thế giới.
Trang Anh