Tận dụng tốt nhất cơ hội từ EVFTA

Mặc dù châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng thực tế thị phần hàng hóa tại đây vẫn còn rất nhỏ. Vì vậy, nếu được xóa bỏ tới hơn 99% thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng khả năng cạnh tranh về giá khi xuất khẩu vào thị trường quan trọng này.
EVFTA thu hút nguồn đầu tư có chất lượng đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩuPhản ứng nhanh trong bối cảnh dịch bệnh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởngEVFTA: Động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam và CH Czech
tan dung tot nhat co hoi tu evfta
Sản xuất hàng may xuất khẩu tại Công ty CP may Sơn Hà, thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: ÐĂNG ANH

Lợi thế cạnh tranh

EU cam kết xóa bỏ ngay lập tức 85,6% dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam ngay khi EVFTA có hiệu lực. Trong vòng bảy năm tiếp theo, EU tiếp tục xóa bỏ 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Ðối với khoảng 0,8% số dòng thuế còn lại, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Theo các chuyên gia, các ngành thủy sản, dệt may, da giày - túi xách của Việt Nam sẽ là những ngành hưởng lợi lớn nhất từ EVFTA vì được cắt giảm thuế tới gần 90%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EU hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm khoảng 17% đến 18% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang các thị trường. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30% đến 35%. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, sẽ có gần 50% số dòng thuế đối với mặt hàng thủy sản đang có thuế suất cơ sở từ 0% đến 22% sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế); khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở từ 5,5% đến 26% sẽ về 0% sau từ ba đến bảy năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Ðây sẽ là lợi thế lớn, tạo thuận lợi cho ngành thủy sản của Việt Nam vươn lên phát triển mạnh và đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm cũng cho rằng, EU là thị trường lớn, tiềm năng đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may với giá trị khoảng 250 tỷ USD mỗi năm, lớn gấp đôi so với thị trường Mỹ. Với việc xóa bỏ ngay 42,5% số dòng thuế đối với mặt hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực, số còn lại có lộ trình từ ba đến bảy năm sẽ tạo cơ hội lớn để các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu.

Không những vậy, EVFTA còn tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong ngắn hạn và trung hạn cho Việt Nam so với các nước ASEAN khác tại thị trường EU vì tính đến nay mới chỉ có Việt Nam và Xin-ga-po kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU. Trong khi đó, diện mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và Xin-ga-po sang EU lại tương đối khác nhau. Xin-ga-po chủ yếu xuất sang EU sản phẩm hóa chất, máy móc và thiết bị vận tải, các loại hàng hóa phục vụ sản xuất, trong khi các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam lại là dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng nông sản,…

Ðối với các nước ASEAN khác, tiến trình đàm phán hiện đang tạm dừng hoặc bắt đầu chậm hơn so với Việt Nam. Như vậy, trong giai đoạn từ 10 đến 15 năm tới, việc được hưởng các ưu đãi thuế từ EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn hẳn các nước ASEAN khác khi tiếp cận thị trường EU. Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế này để thâm nhập thị trường, tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng hóa của mình trước khi phải cạnh tranh với hàng hóa tương tự từ ASEAN.

Vượt qua thách thức

Bên cạnh những cơ hội, EVFTA cũng đặt thương mại hàng hóa của Việt Nam trước không ít thách thức trong việc thiết lập, vận hành và thực thi các cam kết. Trước hết, các yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong EVFTA rất khó để đáp ứng. Thông thường, hàng hóa muốn được hưởng các ưu đãi thuế quan theo FTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định. Ðây là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi thực thi EVFTA vì nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu trong nước hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, ASEAN hay các nước không thuộc nội khối.

Thí dụ, trong ngành gỗ, Việt Nam đang nhập khẩu gỗ nguyên liệu chủ yếu từ Lào và Cam-pu-chia (chiếm gần 40% tổng kim ngạch gỗ nhập khẩu) là các nước ngoại khối và thường không có chứng chỉ nguồn gốc hợp pháp. Ðiều này đặt ra yêu cầu cho Việt Nam là phải tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu nguyên liệu mới như EU hoặc tự phát triển nguồn nguyên liệu trong nước. Mặt khác, một thách thức nữa khi xâm nhập vào thị trường EU là thương hiệu sản phẩm Việt Nam vẫn còn yếu, hàng hóa Việt Nam chưa được thị trường EU biết đến nhiều, trong khi hiệu quả của quảng bá cũng như công tác thúc đẩy gới thiệu sản phẩm chưa cao.

Không những vậy, hàng hóa của chúng ta cũng phải đối diện với nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng. Thực tế, khi hàng rào thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ thị trường, doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa và EU cũng là một trong những thị trường có truyền thống sử dụng các công cụ này.

Một điểm nữa cũng đáng chú ý là EU là một thị trường có mức thu nhập cao, song lại có chính sách bảo vệ người tiêu dùng rất chặt chẽ. Có thể nói, đây là một thị trường khó tính cho nên doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này cần phải vượt qua hàng loạt các hàng rào kỹ thuật cũng như yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc,…

Do đó, chiến lược dài hạn của các doanh nghiệp là cần không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng tốt tiêu chuẩn của thị trường EU đặt ra; tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu để tạo sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin về các cơ hội thị trường mà EVFTA mang lại, nhất là thông tin về ưu đãi thuế cũng như các hàng rào kỹ thuật khác. Có thể nói, để tận dụng hiệu quả những lợi ích mà EVFTA mang lại, không còn cách nào khác tự thân mỗi doanh nghiệp cần vươn lên, định hình cho mình mục tiêu trong dài hạn, có giải pháp mới trong việc tạo ra các sản phẩm giá trị cao, đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài và trụ vững trên mảnh đất mới đầy tiềm năng.

Theo Thái Linh/ Nhân dân Điện tử