Theo Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Việt Nam đang vận hành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đảng và Nhà nước rất quan tâm và tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, hàng hóa sản xuất trong nước đã từng bước được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, bước đầu đã tạo được niềm tin và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, đã hình thành phong trào người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.
Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng - Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó, đất nước ngày càng phát triển, đẩy mạnh thông thương với nhiều nước trên thế giới và tham gia nhiều hiệp định thương mại nên thị trường hàng hóa nhập khẩu với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, đa dạng về chủng loại, kích cỡ, giá thành khác nhau tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người dân.
Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân như: Dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền... còn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là khu vực đô thị, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và an ninh, trật tự.
Với chức năng và nhiệm vụ của mình, thời gian qua Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo, định hướng chiến lược trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mang tính kịp thời, cấp bách, toàn diện để điều hành trong phạm vi toàn quốc về Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Một số giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền…
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành chức năng có liên quan sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm chấn chỉnh những bất cập trong thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng, ngăn chặn việc lợi dụng vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, để nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã thường xuyên trực tiếp làm việc với các bộ, ngành, địa phương. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra thực tiễn, phối hợp với các cơ quan chức năng để nắm tình hình, nhận diện phương thức, thủ đoạn, mặt hàng trọng điểm, kịp thời tham mưu lãnh đạo Ban trong công tác chỉ đạo điều hành; đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Ban, kịp thời đề xuất khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích, phê bình kỷ luật cá nhân, tập thể vi phạm.
Thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên nhiều phương tiện với nhiều hình thức khác nhau như: thông qua đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thị xã, thành phố; trực tiếp thông qua công tác kiểm tra; tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật, đối thoại với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, không bảo đảm chất lượng giữa các tổ chức, cá nhân; biên soạn, phát tờ gấp, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, dán tờ rơi, áp phích.
Để tạo đột phá nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và đấu tranh có hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, BCĐ 389 các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên các lực lượng chức năng để thực hiện tốt hơn nữa công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, xác định địa bàn, đối tượng, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm; phải giao chỉ tiêu phấn đấu thực hiện cụ thể cho các lực lượng. Thường xuyên mở các đợt cao điểm tập trung xử lý vi phạm theo chuyên đề, trong đó tập trung điều tra, truy tố và xét xử nghiêm các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; luôn xác định không có vùng cấm trong công tác này.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật, sớm khắc phục những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý, không để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ cán bộ, công chức, chiến sĩ các lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ và xây dựng cơ chế khuyến khích, động viên tập thể cá nhân, đặc biệt là nhân dân trong phát hiện, bắt giữ, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nghiên cứu tỷ lệ trích thưởng xứng đáng với trị giá hàng hóa, tang vật vi phạm thu được.
Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương, đa dạng về hình thức nhằm nâng cao ý thức người dân trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay, tham gia tố giác các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tích cực tham mưu Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp giải pháp thúc đẩy nhanh các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là ở khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn vùng sâu, vùng xa. Từ đó làm hạn chế nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm và vi phạm.
Để chủ động nắm tình hình và chủ động tham mưu công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã triển khai thiết lập đường dây nóng. Đồng thời tổ chức tiếp nhận các đơn, thư phản ánh của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, tiếp tay, bảo kê của các cá nhân, đơn vị thuộc các lực lượng chức năng. Trung bình mỗi tháng đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiếp nhận từ 150 đến 200 cuộc điện thoại, khoảng 15 đến 20 thư nhận qua địa chỉ thư điện tử và 10 đến 15 đơn thư phản ánh trực tiếp gửi đến Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. |