Tăng tốc chuyển đổi mô hình lực lượng thu gom rác dân lập

UBND TP.HCM vừa tổ chức cuộc họp để lắng nghe các ý kiến để hoàn thiện Đề án "Chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi hoạt động theo mô hình Hợp tác xã và Doanh nghiệp thu gom rác trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019 - 2021".
Bảo vệ môi trường hiệu quả từ mô hình thu gom rác thải nhựaTăng lương cơ sở từ 1/7/2020, các khoản tiền nào sẽ tăng theo?

Giữ vai trò quan trọng

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Hiện nay, mỗi ngày, TP.HCM phát sinh 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH); 70 tấn rác thải y tế, 450 tấn chất thải nguy hại công nghiệp… Trên địa bàn thành phố đang tồn tại song song hai hệ thống thu gom CTRSH tại nguồn, gồm công lập và dân lập.

Trong đó, hệ thống thu gom rác dân lập với 2.160 phương tiện thu gom (bao gồm xe ba gác kéo, xe lam, xe tải nhẹ, thùng 660 lít, xe tự chế…) và khoảng 4.000 công nhân đang thu gom 60% khối lượng CTRSH của thành phố, chủ yếu thu gom tại các hộ gia đình trong hẻm, chung cư. Lực lượng thu gom rác dân lập là một bộ phận kết nối trong hệ thống thu gom rác tại nguồn từ hộ gia đình, chủ nguồn thải đến điểm hẹn, trạm trung chuyển trên địa bàn quận, huyện.

tang toc chuyen doi mo hinh luc luong thu gom rac dan lap
Phương tiện thu gom, vận chuyển rác của lực lượng dân lập.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, mặc dù, thu gom đến 60% tổng lượng rác CTRSH của thành phố, nhưng quy mô hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập còn nhỏ lẻ, phân tán. Phương tiện thu gom tại nguồn hầu hết khá thô sơ chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, có phát tán mùi hôi, rơi vãi chất thải và rò rỉ nước rỉ rác trong thu gom, ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Ở một số địa bàn vẫn còn tình trạng lực lượng thu gom bỏ rác 2 - 3 ngày mới thu gom gây mất mỹ quan, đô thị, gây bức xúc cho người dân.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Nghị quyết số 03/2017 của HĐND TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Đến nay, toàn thành phố đã vận động được 1.440/2.592 tổ, đường dây thu gom rác dân lập thành lập mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (đạt tỉ lệ 55,6%). Toàn thành phố hiện có 42 hợp tác xã, 283 công ty tư nhân đang thu gom rác và còn khoảng 1.152 đường dây và tổ thu gom rác chưa có tư cách pháp nhân.

Để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập, chuẩn hóa các phương tiện thu gom rác đạt chuẩn, TP.HCM phải có một chính sách hỗ trợ tổng thể, kịp thời.

Chia sẻ về lực lượng thu gom rác dân lập, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Ban đầu, lực lượng thu gom rác của thành phố là các đơn vị công ích, tuy vậy, vì không phủ kín địa bàn nên mới hình thành nên một đội ngũ “thầm lặng” gom rác ở trong hẻm giao lại cho các đơn vị vận chuyển, lâu nay, quen gọi là lực lượng gom rác dân lập. Lực lượng này rất quan trọng thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH của thành phố. Tuy vậy, TP.HCM đang hướng tới đô thị văn minh, hoạt động thu gom rác dân lập cần phải đổi mới, thành phố không xóa bỏ mà tạo điều kiện để lực lượng rác dân lập được đổi mới mô hình hoạt động, phương tiện vận chuyển để hoạt động hiệu quả hơn.

Theo ông Hoan, nếu công nghệ xử lý rác được chuyển đổi theo công nghệ hiện đại mà khâu đầu tiên là khâu thu gom không được nâng cấp, vẫn nhếch nhác như hiện nay, ắt hẳn quản lý Nhà nước về chất thải rắn cũng chưa thành công. “Vì vậy, TP.HCM sẽ ban hành chính sách hỗ trợ lực lượng rác dân lập phù hợp với điều kiện mới, mang tính bao quát, nhận được sự đồng tình của người dân và phải tạo ra một bước đột phá trong công tác sắp xếp lại lực lượng quan trọng này” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Hoàn thiện Đề án hỗ trợ trước 15/12

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng: Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thường là vấn đề khó đối với các đô thị, đặc biệt là với siêu đô thị 13 triệu dân như TP.HCM.

Hiện nay, chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị thu gom rác dân lập diễn ra chậm, số lượng đường dây rác chưa có tư cách pháp nhân còn nhiều, các Hợp tác xã vệ sinh môi trường mới vào hoạt động chưa phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, chuyển đổi phương tiện thu gom rác còn chậm, mới chỉ đạt 10%. Ngoài ra, một số trạm trung chuyển rác quá tải, gây ô nhiễm mùi hôi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực.

Vì vậy, thời gian tới, TP.HCM phải tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập bằng việc tổ chức rà soát, sắp xếp thực hiện hoán đổi mạng lưới các đường dây thu gom rác tại địa phương để đảm bảo thu gom rác tại nguồn không còn xảy ra tình trạng manh mún như hiện nay. Nghiên cứu ban hành thêm các chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom rác dân lập nhằm thúc đẩy và khuyến khích lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi mô hình hoạt động và chuyển đổi phương tiện để đảm bảo yêu cầu về môi trường mỹ quan đô thị

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giao nhiệm vụ cho Sở TN&MT phối hợp chặt chẽ với UBND 24 quận huyện hoàn thiện Đề án “Chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi hoạt động theo mô hình Hợp tác xã và Doanh nghiệp thu gom rác trên địa bàn TP.HCM”, trình UBND Thành phố trước 15/12.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT cần tiếp tục rà soát, tham mưu cho UBND thành phố ban hành các quy chuẩn kỹ thuật phương tiện phù hợp với thực tiễn và đặc thù đô thị của TP.HCM. Còn đối với những hẻm nhỏ dưới 1m, giao UBND các quận huyện chủ động xác lập mô hình thu gom phù hợp, tùy theo cấp độ của hẻm và năng lực tài chính để lựa chọn mẫu cho phù hợp đảm bảo hiệu quả.

Bảy nhóm chính sách mới

Ngoài 4 nhóm chính sách tiếp tục thực hiện và kéo dài thời gian thực hiện, TP.HCM đang đề xuất 7 nhóm chính sách mới ưu đãi, hỗ trợ đối với hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, người lao động trực tiếp thu gom rác.

Cụ thể, chính sách hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Các HTX, doanh nghiệp được chọn 2 phương án hỗ trợ: miễn thuế TNDN trong 4 năm từ khi có thu nhập chịu thuế TNDN và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, được áp dụng thuế suất ưu đãi là 10% trong 15 năm từ khi có doanh thu. Hoặc được miễn thuế TNDN trong 4 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 5 năm tiếp theo, được áp dụng thuế suất thuế TNDN là 10% trong suốt thời gian hoạt động của dự án đầu tư.

Chính sách hỗ trợ kinh phí cho chủ phương tiện thực hiện chuyển đổi phương tiện thu gom rác thải sinh hoạt: Hỗ trợ 5 triệu đồng/ phương tiện khi thu hồi xe thô sơ không có động cơ; 7 triệu đồng/ phương tiện đối với xe có động cơ. Hỗ trợ là 15 triệu đồng/phương tiện thực hiện cải tiến nâng cấp xe tải các loại theo quy định.

Chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu: Các HTX sẽ được hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng trụ sở để làm việc; chi phí thuê chỗ đậu phương tiện thu gom rác; an sinh xã hội; mua sắm các thiết bị cần thiết. Tổng mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng; mỗi HTX chỉ được hưởng hỗ trợ một lần duy nhất trong toàn bộ quá trình hoạt động.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ hỗ trợ cho cán bộ có trình độ đại học 1,2 triệu đồng, cao đẳng 800.000 đồng mỗi tháng (không quá 36 tháng) công tác tại các HTX thu gom, vận chuyển rác (tối đa 2 cán bộ/ HTX).

Đối với chính sách hỗ trợ cho người lao động trực tiếp thu gom rác: TP.HCM sẽ hỗ trợ đồng phục cho người trực tiếp thu gom rác đang hoạt động trong các HTX, doanh nghiệp thu gom rác (không bao gồm các đơn vị công ích); hỗ trợ giảm học phí cho con của người trực tiếp thu gom rác (không phân biệt tư nhân hay công ích); hỗ trợ đào tạo nghề để giải quyết việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ đào tạo lái xe hoặc chuyển đổi hạng của bằng lái xe khi chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác theo quy định của thành phố.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tham mưu cho UBND thành phố cấp đủ nguồn vốn cho Quỹ Bảo vệ môi trường thành phố để đảm bảo đủ nguồn tiền cho vay hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận chuyển rác.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng giao UBND các quận, huyện yêu cầu các đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn quận, huyện đảm bảo đủ phương tiện để kết nối trung chuyển kịp thời với lực lượng thu gom rác dân lập.

Ngoài ra, UBND các quận huyện khẩn trương xác lập vị trí và thực hiện đầu tư các trạm trung chuyển rác với công nghệ ép rác kín tiên tiến và nghiên cứu xây dựng các trung tâm chuyển ngầm, bán ngầm hoặc ngầm hóa một số hạng mục công trình.

Theo Nguyễn Quỳnh/TN&MT