10 năm trở lại đây, mức tăng trưởng xuất khẩu của TP.HCM có dấu hiệu chững lại, khi chỉ còn chiếm khoảng 20-30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong khi giai đoạn 2000-2011 là 50%.
Thời điểm này, TP.HCM đang hướng tới việc phát triển các mặt hàng xuất khẩu sản phẩm nội dung số và dịch vụ xuất khẩu. Thế nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến TP.HCM chưa phát huy hết được thế mạnh của mình.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng: TP.HCM nên tham khảo kinh nghiệm xuất khẩu của Singapore. |
Công ty Gỗ Lederco mỗi năm xuất khẩu hàng chục tỉ đồng các sản phẩm gỗ nội thất sang Mỹ và Hàn Quốc. Riêng năm nay, công ty xuất khẩu gần 100 tỉ đồng. Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của thành phố mang tên Bác, nhưng Lederco đang dự kiến di dời 2 nhà máy chế biến các sản phẩm gỗ ở quận 12 sang tỉnh khác. Bởi, nhà máy nằm ở gần khu dân cư, trong khi diện tích đất các khu công nghiệp của thành phố cũng đã hết, giá thuê mặt bằng và các chi phí khác ở thành phố đắt đỏ.
Ông Lê Trần Anh Tú - Giám đốc Công ty Gỗ Lederco cho biết: “Hiện nay, ngành xuất khẩu đồ gỗ không còn phù hợp ở TP.HCM do chi phí lao động cao, nhà xưởng không có chỗ quy hoạch cho ngành này, xung quanh đô thị hóa, dân cư gần nhà máy. Ngành công nghiệp hỗ trợ thì không nằm ở TP.HCM mà nằm ở các tỉnh khác. Xu hướng bây giờ, các doanh nghiệp ngành gỗ di chuyển về Đồng Nai, Bình Dương”.
Không chỉ riêng ngành gỗ mà hiện nay các doanh nghiệp ngành sử dụng nhiều lao động, cần diện tích nhà xưởng lớn để sản xuất như ngành: Giày da, dệt may, nhuộm, sợi và vải… đều có xu hướng “bỏ” thành phố để sang các tỉnh lân cận. Các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến nông, thủy sản cũng không muốn đầu tư và mở rộng sản xuất ở TP.HCM do chi phí đắt đỏ và vùng nguyên liệu nằm ở ĐBSCL và Đông Nam Bộ.
Trước sự dịch chuyển của một số ngành xuất khẩu, TP.HCM đang tính đến bước chuyển dịch các sản phẩm xuất khẩu, đó là lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, chuyển dịch cơ cấu theo hướng cung cấp dịch vụ xuất khẩu và xuất khẩu hàng hoá vô hình như: phần mềm, sản phẩm nội dung số…
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM thì thành phố sẽ cân đối hài hoà giữa mục tiêu dài hạn là nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM giới thiệu mô hình tăng trưởng xuất khẩu của TP.HCM theo hình con cá chép |
Cụ thể, sẽ tiếp tục duy trì và hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và đóng góp ngân sách lớn, đồng thời nâng cấp công nghiệp và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành hàng xuất khẩu. Nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu tiêu biểu như: Quy mô sản phẩm phần mềm công nghệ số mỗi năm có thể tạo cho chúng ta 3-4 tỉ USD. Trong thời gian tới nếu đầu tư đúng mức thì là mũi đột phá mà thành phố cần tập trung.
Hiện nay, các ngành như điện tử, thiết bị điện, linh kiện điện tử và sản phẩm nội dung số chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm chủ. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước chủ yếu mới làm gia công phần mềm, bán sức lao động, chưa tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị tăng cao. Chính vì vậy, để tạo điều kiện phát triển và xuất khẩu phần mềm, các sản phẩm nội dung số thì thành phố cần có cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển những lĩnh vực này.
Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tin học thành phố kiến nghị: "Chúng ta phải có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp tạo ra sản phẩm công nghệ, tạo ra giá trị gia tăng rất cao. Trước đây chúng ta có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp gia công phần mềm, nhưng bây giờ phải có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm công nghệ tạo ra giá trị ra tăng xuất khẩu cao, vì nó tạo ra nhiều giá trị xuất khẩu lớn trong tương lai”.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng: TP.HCM nên tham khảo kinh nghiệm xuất khẩu của Singapore. Bởi, ngoài xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao thì Singapore còn “lấy tiền” của các nước trên thế giới bằng dịch vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, để làm được điều này, TP cần giải quyết hạn chế lớn nhất là chi phí logistic đang rất cao.
Theo bà Đặng Minh Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, chi phí logicstic ở Việt Nam chiếm đến 19% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm 59% tổng chi phí logicstic đã làm giảm năng lực cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp trong nước. Trong khi, các nước khác trong khu vực tỉ lệ này chỉ có 10-12%. Để giải quyết điểm nghẽn này thì thành phố đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường bộ cần xây dựng hệ thống đường sắt trên cao; xây dựng các trung tâm logicstic và trung tâm kho lạnh.
Bà Đặng Minh Phương kiến nghị: “Hiện nay, chúng ta chỉ tập trung phát triển đường bộ chưa mà quên cửa ngõ trung chuyển hàng hóa đường biển, đường sông. Các cảng trung chuyển và kết nối với các tỉnh và khu vực kinh tế trọng điểm vẫn chưa triển khai đồng bộ. Chúng ta phải làm ngay bây giờ này nếu không thì sẽ chậm phát triển”.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thì, TP không có thế mạnh về vùng nguyên liệu hay sản xuất nhưng là cửa ngõ xuất khẩu của nhiều địa phương lân cận. Thế nhưng dịch vụ xuất khẩu và các sản phẩm nội dung số lại chưa được khai thác đúng mức. Để phát huy được thế mạnh này, trước hết thành phố phải làm đầu mối kết nối tốt các vùng.
Ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: “Đến thời điểm này thì không thể nói TP.HCM cạnh tranh với các địa phương mà phải phát huy vai trò kinh tế vùng của thành phố trong xuất khẩu. Thành phố phải đảm nhiệm vai trò dịch vụ, đặc biệt là xuất khẩu. Hàng hóa về TP.HCM và TP làm nhiệm vụ hạ tầng về xuất khẩu, làm thế nào để giúp các tỉnh cùng phát triển".
Thành phố ví mô hình tăng trưởng xuất khẩu sắp tới như “con cá chép”. Trong đó nền tảng các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu là phần đầu cá; các sản phẩm truyền thống có thế mạnh là phần thân cá và phần đuôi con cá nhóm hàng hoá vô hình như: phần mềm và nội dung số... Để “cá chép hóa rồng” vượt biển, vươn xa thì thành phố phải giải quyết điểm nghẽn logistic, làm tốt dich vụ xuất khẩu, kết nối vùng và tạo ra những sản phẩm công nghệ số nổi trội để có thể cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác.