Cụ thể, Giám đốc điều hành Indorama, ông Aloke Lohia cho biết: Tập đoàn sẽ đầu tư 1 tỉ USD trong 5 năm tới vào quy trình tái chế rác thải nhựa, bao gồm cả việc mua những khu đất trống để tập trung vào tái chế chai nhựa.
Sau năm 2023, Indorama có kế hoạch đầu tư thêm 500 triệu USD để giúp đạt được mục tiêu sử dụng 25% nhựa tái chế vào các chai nhựa PET đến năm 2025 như Ủy ban châu Âu (EC) khuyến cáo. Ông Lohia cho hay, Indorama đang làm việc với các chính phủ và chủ thương hiệu nhằm thúc đẩy tái chế chai nhựa.
Tập đoàn hóa chất Thái Lan sẽ chi 1,5 tỉ USD vào tái chế chai nhựa. Ảnh minh họa |
Theo hãng tư vấn Wood Mackenzie Chemicals, năm 2017, tỉ lệ thu gom các chai nhựa PET tại Liên minh châu Âu vào khoảng 58%. Trong khi đó, EC đặt mục tiêu tỉ lệ thu hồi các chai nhựa này là 90% đến năm 2025.
Hiện tập đoàn hóa chất này có 11 khu tái chế trên thế giới, trong đó có các nhà máy tại Mexico, Thái Lan, Pháp. Lãnh đạo Indorama cho biết cơ sở hạ tầng để tái chế PET sẵn có, song vấn đề nằm ở khâu thu gom các chai nhựa.
Indorama được thành lập tại Thái Lan vào năm 1994, lúc đầu có khoảng 200 nhân viên. Đến nay, công ty đã phát triển với khoảng 18.000 nhân viên và có chi nhánh tại 31 quốc gia.
Ngành kinh doanh chủ chốt của Indorama là sản xuất nhựa PET, một loại nhựa polymer được dùng để tạo ra các sợi và chai nhựa dùng trong các sản phẩm như lốp xe và dây an toàn.
Hồi tháng 6 mới đây, lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN đã đồng thuận chống lại tình trạng rác thải nhựa trên đại dương thông qua một tuyên bố chung tại Bangkok. Theo báo cáo năm 2015 của Tổ chức vận động môi trường Ocean Conservancy, 4 thành viên ASEAN gồm Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan cùng Trung Quốc là 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất vào đại dương. Rác thải nhựa hiện được xem là vấn đề “báo động đỏ” tại khu vực ASEAN nói riêng và toàn cầu nói chung. Rác thải nhựa được “nhập” vào ASEAN tăng 171% trong giai đoạn từ năm 2016 - 2018, tương đương tăng từ khoảng 834 nghìn tấn lên hơn 2 triệu tấn, chiếm hơn 25% lượng nhập khẩu chất thải nhựa của thế giới. Trong khi đó, chỉ một lượng nhỏ trong núi rác thải nhựa này được tái chế và số còn lại là rác thải nhựa sử dụng một lần, sau đó không qua xử lý được đốt, đổ vào các bãi chôn lấp, ra môi trường, đại dương gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. |