Thái Bình: 3 bãi tập kết, khai thác cát bị phản ánh không phép tại xã Minh Tân?

Theo phản ánh của người dân, trên địa bàn xã Minh Tân tồn tại 3 bãi khai thác, tập kết cát không phép chỉ cách UBND xã chưa đầy 2 km.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản: Xử lý nghiêm minh hành vi khai thác khoáng sản trái phépHà Tĩnh: Vai trò quản lý nhà nước ở đâu trước nạn khai thác đá bạc trái phép?Vụ ‘xẻ núi’ khai thác đá bạc trái phép ở Hà Tĩnh: VIASEE gửi kiến nghị lên Thủ tướng

Thời gian gần đây, Tòa soạn Kinh tế Môi trường liên tiếp nhận được phản ánh của người dân xã Minh Tân (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) về 3 bãi khai thác, tập kết cát nghi vấn hoạt động không phép trên địa bàn xã.

Theo đó, 3 bãi tập kết, khai thác cát này nằm ven sông Hồng, đoạn chảy ra xã Minh Tân. Hàng ngày, những chiếc xà lan, tàu chở cát vẫn nổ máy, chậy ầm ầm đổ cát vào bãi.

“Chúng tôi cho rằng việc khai thác cát trên sông Hồng của 3 bãi khai thác này chưa được cấp phép. Hơn nữa, việc họ khai thác nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến dòng sông và gây hệ lụy tới môi trường. Hơn nữa, việc họ làm bãi tập kết cát sát chân đê có ảnh hưởng gì đến khả năng che chắn lũ của đê sông Hồng hay không?”, một người dân sinh sống tại xã Minh Tân nói với Phóng viên.

tm-img-alt
3 bãi khai thác cát bị người dân phản ánh là không phép nằm sát nhau trên địa bàn xã Minh Tân. 

Ngày 28/4/2021, để tìm hiểu thông tin, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có mặt tại xã Minh Tân. Theo quan sát của chúng tôi, 3 bãi tập kết cát mà người dân phản ánh có diện tích khá lớn, gồm 2 bãi sát nhau và 1 bãi cách đó chưa đầy 50 m. Vị trí 3 bãi tập kết và khai thác cát nằm sát đê sông Hồng và cách UBND xã Minh Tân chưa đầy 2 km.

Khi chúng tôi có mặt cũng là lúc có 2 chiếc tàu vừa khai thác cập bãi để đổ cát xuống. Tại 2 bãi sát nhau có nhiều máy xúc, cần cẩu đang cào cát thành đống. Những bãi cát này nằm ven sông Hồng, sát ngay trên là những ruộng hoa màu. Phía ngoài sông vẫn có nhiều tàu nổ máy, chạy ầm ầm khai thác cát.

Để làm rõ thông tin, chiều 28/4/2021, Phóng viên đã đến liên hệ làm việc với UBND xã Minh Tân. Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: “Mấy cái bãi sát bờ chứ gì ? Một bãi của nhà Thà, một bãi của Tích, bãi trên thì của nhà Quang, con rể ông Tấu. Trong khuôn viên 3 bãi cát này thì UBND tỉnh cấp phép khai thác cát cho Công ty Đại Lợi, cạnh chỗ bãi nhà Quang”.

Theo ông Trần Việt Anh, các bãi khai thác cát này hoạt động đã nhiều năm.

tm-img-alt
3 bãi tập kết, khai thác cát chỉ cách UBND xã Minh Tân chưa đầy 2 km. (Ảnh: Google Maps)

Khi Phóng viên nêu thông tin về việc người dân phản ánh 3 bãi khai thác, tập kết cát hoạt động không phép và đặt câu hỏi họ có tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, vị Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân nói rằng cần phải xem lại hồ sơ. Vị này cũng yêu cầu Phóng viên để lại số điện thoại có gì sẽ liên hệ trả lời sau.

Tuy nhiên, đến nay, sau 2 tuần chờ đợi và liên hệ lại với ông Trần Duy Anh, Phó chủ tịch UBND xã Minh Tân, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời từ vị này.

Theo tìm hiểu của Phóng viên, vào tháng 5/2018, báo chí cũng từng phản ánh về việc “cát tặc” lộng hành trên sông Hồng (đoạn đi qua xã Minh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Những chiếc tàu có trọng tải lên đến nghìn tấn hoạt động về đêm và kết thúc việc khai thác cát trái phép vào buổi sáng sớm. Người dân cũng nhiều lần phản ánh về tình trạng sông Hồng qua xã Minh Tân bị “cát tặc” rút ruột.

Trả lời Phóng viên Kinh tế Môi trường về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Đối với việc khai thác cát sỏi trái phép, UBND tỉnh, Sở TNMT tỉnh và UBND cấp xã, huyện đều phải chịu trách nhiệm.

Luật sư Hùng dẫn chứng, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông quy định rất rõ về chức năng, trách nhiệm của các cấp.

Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn theo quy định của Luật Khoáng sản, quy định của Chính phủ và các nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước đối với cát, sỏi lòng sông; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

“Nếu việc khai thác cát, tập kết cát tại xã Minh Tân là trái phép như phản ánh của người dân thì cả UBND tỉnh, huyện, xã đều phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ở đây vấn đề chúng ta phải đặt câu hỏi bãi khai thác, tập kết này chỉ cách UBND xã Minh Tân chưa đầy 2 km. Nếu đúng có việc khai thác không phép cần phải xem lại năng lực của các lãnh đạo UBND cấp xã”, Luật sư Hùng nhấn mạnh.

Vị Luật sư này cũng cho rằng, thời gian gần đây, có rất nhiều vụ việc "cát tặc" bị khởi tố và đưa ra xét xử. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Vấn đề này cho thấy, nguồn lợi từ việc khai thác cát trái phép quá lớn khiến nhiều kẻ chọn cách đánh đổi. 

TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cũng cho rằng, việc khai thác cát vượt mức sẽ làm tụt đáy sông, khiến bờ sông không ổn định dẫn đến xói lở. Khi lũ lớn, hiện tượng sạt lở càng nghiêm trọng, có thể đe dọa hệ thống đê điều. Thực trạng này đang diễn ra phổ biến tại sông Hồng.

Đồng thời, việc hạ thấp đáy sông, giảm mực nước sông Hồng còn khiến nhiều cống lấy nước của thành phố Hà Nội, như: Cẩm Đình, Liên Mạc… bị "treo", thiếu nguồn bổ cập thường xuyên cho các dòng sông Nhuệ - Đáy, gây ra hiện tượng “sông chết”, ô nhiễm môi trường…

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết