Thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025.
Đề xuất mở rộng và đổi tên vùng Đồng bằng sông HồngĐồng bằng sông Cửu Long thắng lợi toàn diện vụ Đông Xuân 2020Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long chủ động chuyển đổi sản xuất ứng phó với hạn mặn

Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu bao gồm cả phát triển vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

thanh lap hoi dong dieu phoi vung dong bang song cuu long
Việc thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Chủ tịch Hội đồng; Phó chủ tịch Thường trực là Bộ trưởng KH&ĐT; các phó chủ tịch gồm Bộ trưởng TN&MT; Bộ trưởng NN&PTNT; Bộ trưởng GTVT. Ủy viên Thường trực là Thứ trưởng Bộ KH&ĐT.

Các ủy viên gồm: Thứ trưởng và tương đương của các bộ và cơ quan ngang bộ (Tài chính, Công Thương, Xây dựng, KH&CN, Y tế, GD&ĐT, Văn phòng Chính phủ); Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau); 1 ủy viên là đại diện chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu thuộc cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học cấp vùng; 1 ủy viên là đại diện có uy tín của cộng đồng doanh nghiệp của vùng ĐBSCL.

Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất Thủ tướng về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án có quy mô vùng và có tính liên kết vùng, phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội đồng còn giúp Thủ tướng chỉ đạo điều phối, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương thực hiện quy hoạch vùng. Phối hợp với TPHCM và các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội có tính chất liên kết giữa các vùng.

Về quy chế hoạt động, Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025 phải bảo đảm nguyên tắc đồng thuận giữa các bộ, ngành; giữa các bộ, ngành với các địa phương và giữa các địa phương với nhau trong vùng.

Hoạt động điều phối được thực hiện thông qua Hội nghị Hội đồng điều phối vùng. Trên cơ sở nội dung các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, các bộ, ngành, địa phương trong vùng thảo luận để thỏa thuận, thống nhất và triển khai các nội dung thực hiện liên kết, phối hợp.

Hội đồng điều phối vùng làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận, trao đổi ý kiến để thỏa thuận thống nhất vì lợi ích chung của vùng, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; Chủ tịch Hội đồng có ý kiến kết luận cuối cùng.

Vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Gồm 13 tỉnh, thành phố, có tổng diện tích tự nhiên hơn 4 triệu ha (chiếm khoảng 12% diện tích cả nước) với quy mô dân số hơn 17 triệu người (chiếm khoảng 19% dân số cả nước), ĐBSCL có lợi thế lớn về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo.

Hiện nay, ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng vai trò đặc biệt quan trọng bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Hằng năm nơi đây sản xuất 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức do tác động của cả tự nhiên và con người, vì vậy, việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, những tác động của tự nhiên, con người… là nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Nhằm tạo động lực phát triển sản xuất cho vùng ĐBSCL, ngày 17-11-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là Nghị quyết rất quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện biến đổi khí hậu, trong đó có nông nghiệp, nông thôn, nông dân vùng ĐBSCL.

Sau Hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP. Chỉ thị số 23/CT-TTg đã đưa ra các nhiệm vụ quan trọng, then chốt cho khu vực ĐBSCL như tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng thể chế điều phối vùng, liên kết và chủ động tham vấn giữa các tỉnh, thành phố trong vùng trong hoạch định cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết nối sản xuất và tiêu thụ sản xuất.

Mai Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết