Thanh niên Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu

Thanh niên Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, cần cập nhật thông tin sâu rộng hơn, những ví dụ thực tiễn; đưa ra những khuyến nghị để góp phần cho việc xây dựng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đoàn thanh niên: Hành trình 90 năm xung kích của rường cột quốc giaThanh niên đóng góp hành động vì khí hậuThúc đẩy dự án hợp tác hỗ trợ khả năng thích ứng của ĐBSCL trước biến đổi khí hậuViệt Nam cam kết chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậuTăng cường trao đổi quốc tế, hành động mạnh mẽ vì các mục tiêu khí hậu

Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn các hành động ứng phó của nhân loại. Điều này đòi hỏi tất cả quốc gia, bao gồm Việt Nam, cần đề ra những mục tiêu cụ thể và thiết thực hơn nhằm thúc đẩy sự chung tay của toàn xã hội.

Thanh niên là lực lượng quan trọng góp phần thúc đẩy những thay đổi tích cực, cùng hành động để hiện thực hóa Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trong tương lai gần và đạt được mục tiêu hạn chế sự tăng nhiệt độ toàn cầu năm 2100 dưới mức 2 độ C, được nêu trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, tại Việt Nam, người từ 35 tuổi trở xuống chiếm 57% tổng số 96,5 triệu dân. Thanh niên Việt Nam là nguồn cung năng lượng cho sự sáng tạo, nhiệt huyết hành động và là một trong những lực lượng quan trọng nhất để giành chiến thắng trong cuộc đua với khí hậu.

Mới đây, từ ngày 18 – 20/8, tại Sơn Tây (Hà Nội), Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Trại hè thanh niên cập nhật Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu 2022”.

Thanh niên Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Tổ chức Trại hè thanh niên cập nhật Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu 2022”.

Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” đã được Bộ TN&MT, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với UNDP xây dựng và công bố năm 2021.

Báo cáo đã nêu lên hiện trạng, nút thắt về biến đổi khí hậu; vai trò của thanh niên trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên, các chính sách biến đổi khí hậu, tài chính khí hậu… Báo cáo cũng kiến nghị lộ trình hành động khí hậu của thanh niên trong 5 năm tới. Báo cáo đã được gửi tới Chủ tịch COP26 nhân dịp ngài Chủ tịch COP26 đến thăm và làm việc tại Việt Nam năm 2021.

Đồng thời, đề cập vai trò của thanh niên trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên, các chính sách biến đổi khí hậu, tài chính khí hậu; chỉ ra những thách thức cụ thể mà thanh niên phải đối mặt trong việc thực hiện hành động vì khí hậu như khả năng tiếp cận công nghệ và nguồn tài chính hạn chế, thiếu cơ hội hợp tác với các bên liên quan, đồng thời nêu bật hướng giải quyết cho những nút thắt này.

Theo đó, nhiều sáng kiến của thanh niên đề cập trong báo cáo đã nhận được giải thưởng và được giới thiệu rộng rãi thông qua Cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu”. Các hành động mới cũng được thiết kế, xây dựng và thực hiện như tạo ra một không gian học tập trực tuyến cho thanh niên về khoa học, chính sách và hành động liên quan đến khí hậu.

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, báo cáo mới cập nhật năm nay cần được cập nhật toàn diện hơn trên cơ sở các diễn biến mới về ứng phó với biến đổi khí hậu, các báo cáo khoa học của IPCC mới công bố, mục tiêu của thế giới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, những cam kết của Việt Nam Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); đặc biệt là lộ trình thanh niên hành động vì khí hậu phải dài hạn hơn, không chỉ đến năm 2025.

Cùng với đó, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cũng kêu gọi các bạn thanh niên cần cập nhật thông tin sâu rộng hơn, có những ví dụ điển hình thực tiễn của thanh niên ở các vùng, miền trên cả nước; đưa ra những khuyến nghị của thanh niên cần làm gì để góp phần cho việc xây dựng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Báo cáo cần mang tính toàn diện hơn để UNDP và Bộ TN&MT có thể sẽ chuyển tới Hội nghị COP27 vào cuối năm nay. Các bạn thanh niên cần phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, năng động và sáng tạo, phát huy tại diễn đàn về ứng phó với biến đổi khí hậu, để đóng góp chung cho công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, tăng cường hợp tác với thanh niên khu vực ASEAN và tham gia các diễn đàn thanh niên toàn cầu”, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu chia sẻ.

Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu do UNDP tại Việt Nam công bố từ năm 2021, do nhóm 20 thanh niên đại diện cho khoảng 1.000 thanh niên đến từ ba miền: Bắc, Trung, Nam của Việt Nam thực hiện. Mục đích của báo cáo là nêu lên tiếng nói của người trẻ cũng như chia sẻ tầm nhìn chung của họ với các nhà hoạch định chính sách, để thanh niên có thể nhận được các hỗ trợ cần thiết và tăng cường sự đóng góp của thanh niên cho các hành động vì khí hậu.

Ông Patrick Harveman, Phó trưởng đại diện UNDP Việt Nam nhận định: Trại viết diễn ra trong bối cảnh các quốc gia đang chuẩn bị cho Hội nghị COP27. Hội nghị sẽ đưa ra giải pháp cho những cảnh báo thảm khốc trong Báo cáo đánh giá lần thứ sáu của Ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), mà Tổng thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres gọi là “mã màu đỏ cho nhân loại”. Các hoạt động thường ngày sẽ làm đảo ngược lại bất kỳ lợi ích phát triển nào đối với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững và sẽ ảnh hưởng đến khả năng được sống trong một thế giới bền vững của các thế hệ tương lai trong vài thập kỷ tới.

Lan Anh