Tháo gỡ “điểm nghẽn” để phục hồi và phát triển du lịch bền vững

Phục hồi và phát triển du lịch bền vững sau Covid-19 cần phải “tư duy mới, hành động mới”, cần nghiên cứu xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, ngành, địa phương và thậm chí cả các quốc gia thống nhất hành động.
Du lịch Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ thế giớiPhục hồi du lịch - triển vọng để kích cầu bất động sản nghỉ dưỡngPhục hồi hàng không là ‘chìa khóa’ thúc đẩy phát triển du lịchDu lịch Việt Nam khởi sắc trên các bảng xếp hạng thế giới

Thị trường du lịch đã ấm lên

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, một số quốc gia hiện vẫn chưa sẵn sàng mở cửa thị trường du lịch và vẫn hạn chế đi lại thì việc phối hợp hợp tác giữa Chính phủ các nước là hết sức cần thiết.

Tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trả lời chất vấn về việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong đại dịch Covid-19, du lịch chịu tác động nhiều nhất. Tổ chức quốc tế cũng đánh giá riêng du lịch quốc tế đã thiệt hại 24.000 tỷ USD. Du lịch Việt Nam chưa tính toán chi tiết nhưng thiệt hại rất lớn vì hầu như phải đóng băng mọi hoạt động.

Sau khi Chính phủ cho phép mở cửa lại thị trường du lịch hoạt động bình thường, lượng khách nội địa có tăng lên và chúng ta cán đích về chỉ tiêu. "Khách quốc tế năm nay đã đạt gần 1 triệu lượt, tăng 10 lần so với năm 2021, cho thấy thị trường du lịch đã ấm lên", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định.

Trong tình hình khách quốc tế ít, Việt Nam chọn giải pháp đẩy mạnh du lịch nội địa với các chương trình kích cầu. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao, nhất là doanh thu từ lữ hành như Khánh Hòa, Hà Nội, TP.HCM. Các dịch vụ theo ngành du lịch cũng có tăng trưởng.

"Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên cần sự vào cuộc của các bộ ngành. Chúng tôi hy vọng với giải pháp nêu trên, thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng lên", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” để phục hồi và phát triển du lịch bền vững - Ảnh 1
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chính thức mở cửa lại hoàn toàn thị trường khách du lịch từ ngày 15/3/2022.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chính thức mở cửa lại hoàn toàn thị trường khách du lịch từ ngày 15/3/2022, đồng thời là một trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến Covid-19). Với sự nỗ lực, cố gắng của ngành Du lịch, sự đồng hành, ủng hộ của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa. Doanh nghiệp du lịch đã quay trở lại thị trường và bắt đầu hồi phục.

Mới đây, tại diễn đàn “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các địa phương thực hiện quy hoạch điểm đến, quy hoạch khu du lịch. Ở cấp bộ, cấp quốc gia sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể để tạo điều kiện cho kết nối, thu hút đầu tư, cùng với đó rà soát chính sách hiện hành, xem ở đâu là điểm nghẽn để kiến nghị tháo gỡ.

Hiện nay, quy hoạch tổng thể đang rất khó. Đầu tư cho du lịch phải rất căn cơ, không có “đại bàng” thì khó mà “làm tổ” được. Vì vậy, phải dựa vào tiềm lực xã hội, huy động sức mạnh từ các nguồn lực khác nhau để tạo ra các khu du lịch, điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch tầm cỡ.

Cần tư duy mới, hành động mới để tạo đà và phát triển

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng khách quốc tế vào Việt Nam còn ít, chưa được như kỳ vọng. Tính đến ngày 31/7/2022, cả nước mới đón 733.400 lượt khách quốc tế đến, đạt 15% so với kế hoạch đón 5 triệu khách quốc tế năm 2022.

Trước tình hình đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, phục hồi và phát triển du lịch bền vững sau Covid-19 không thể thành công trong “một sớm, một chiều”; phải “tư duy mới, hành động mới”, cần nghiên cứu xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, ngành, địa phương và thậm chí cả các quốc gia thống nhất hành động.

Du lịch phải đứng trên hai chân “nội địa” và “quốc tế”. Trong bối cảnh thị trường quốc tế cần thời gian để phục hồi, du lịch nội địa tiếp tục là chìa khóa giúp ngành du lịch Việt Nam tạo đà và phát triển (ngay trước khi có Covid-19, du lịch nội địa đã đóng góp tới 5,5% tổng GDP cho toàn bộ nền kinh tế).

Ngoài ra, để tận dụng cơ hội thu hút khách quốc tế vào những tháng cuối năm, ngành du lịch cần tập trung sáu vấn đề: Làm mới sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh hấp dẫn, đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho rằng: “Để thực hiện tốt việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần có sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa, đặc biệt là quan tâm về chính sách. Các doanh nghiệp hiện nay đòi hỏi về chính sách nhiều hơn là được hỗ trợ nguồn lực. Khi chính sách thông thoáng, thuận lợi thì doanh nghiệp sẽ phát huy được. Cơ quan nhà nước nếu có chính sách tốt thì doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động”.

Còn theo người đứng đầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến thời điểm này, so với các nước ASEAN thì số lượng khách đến Việt Nam không nhiều, nhưng cũng hơn một số nước Philippines, Campuchia và thấp hơn Thái Lan, Malaysia.

"Điều đó cho thấy chúng ta nên bình tĩnh tìm kiếm thị trường truyền thống" - Bộ trưởng chia sẻ và cho hay, 70% lượng khách quốc tế mà Việt Nam hướng đến là thị trường Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản và đang bị phụ thuộc vào chính sách phòng chống Covid-19 của các nước này.

Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch thời điểm trước dịch, 40% khách quốc tế được hỏi cho biết sẽ quay lại Việt Nam. Và cũng có nhiều tổ chức khác đánh giá chỉ 10% khách quốc tế trở lại Việt Nam.

Do đó, để du khách quay trở lại, Việt Nam cần làm mới sản phẩm du lịch và văn hóa. “Nếu so sánh lợi thế thì Việt Nam không có lợi thế hơn các nước, nên khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ ăn nghỉ mà còn muốn tìm hiểu văn hóa, con người. Do đó, chúng ta cần đưa ra các sản phẩm phù hợp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nói đến xu hướng du lịch quốc tế ở VN trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng có bảy xu hướng: Du lịch an toàn, du lịch phục hồi sức khỏe, xu hướng lựa chọn phương thức di chuyển, du lịch ngoài trời trở về với thiên nhiên, du lịch gắn với công nghệ cao, sản phẩm du lịch mới, tính linh hoạt trong quá trình du lịch.

Ông Tuấn đề xuất giải pháp: Cần tạo động lực cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển thông qua hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách. Ngoài ra, nên mở đường bay thẳng quốc tế tới các điểm đến an toàn, đặc biệt là xu hướng du lịch không tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số.

Lan Anh